Công ước về Bảo vệ DSVH PVT được UNESCO thông qua năm 2003 (Công ước 2003). Ngày 5-9-2005, Việt Nam chính thức tham gia và trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập Công ước quốc tế quan trọng này. Công ước 2003 quy định các nội dung như: Xác định các biểu hiện văn hóa là DSVH PVT; phân loại DSVH PVT; vai trò, sự tham gia của cộng đồng chủ thể và các quốc gia vào hoạt động bảo vệ DSVH PVT; kiểm kê DSVH PVT; các danh sách và việc ghi danh di sản văn hóa vào các danh sách, các báo cáo, bảo vệ DSVH PVT ở cấp quốc gia và quốc tế…

leftcenterrightdel
PGS, TS Lê Thị Thu Hiền phát biểu tại hội nghị.  

Phát biểu tại hội nghị, PGS, TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: “Việt Nam đã vinh dự 2 lần được trúng cử thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003. Tính đến nay, Việt Nam có gần 7 vạn DSVH PVT được kiểm kê; trong đó có 534 di sản cấp quốc gia, 15 di sản được UNESCO ghi danh, 1.881 nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú. DSVH PVT có sự đóng góp giá trị tích cực tới sự phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương và cho đất nước”.

Đánh giá về công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2017-2023”, ông Doãn Sinh Nam, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định) cho biết: “Nam Định hiện có gần 200 bản hội, hàng trăm thanh đồng và cung văn, hầu dâng, cùng với nhiều con nhang đệ tử khác đang là những chủ thể nắm giữ di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn. Tỉnh Nam Định có 12 nghệ nhân được phong tặng trong lĩnh vực “Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt”, trong đó có 1 nghệ nhân nhân dân và 5 nghệ nhân ưu tú. Bên cạnh những thuận lợi, tình trạng thương mại hóa các nghi lễ, lễ hội vẫn xuất hiện ở một số nơi; hiện tượng đốt vàng mã quá mức vẫn diễn ra ở các đền phủ. Lực lượng cán bộ quản lý và chuyên môn tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản tại các địa phương còn ít, chưa đồng đều; các chủ thể nắm giữ văn hóa, được coi là báu vật sống thì phần lớn đã cao tuổi nên việc tư liệu hóa, truyền dạy gặp nhiều khó khăn”.

leftcenterrightdel
Trình diễn hát văn tại hội nghị.  

Nhìn lại quá trình 50 năm phát triển của dân ca quan họ, PGS, TS Lê Văn Toàn, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho rằng, dân ca quan họ đưa lên sân khấu theo hướng ca nhạc là phù hợp, tuy nhiên cần xác định những tiêu chí gìn giữ bản sắc quan họ cổ phải có: Vang, rền, nền nảy, không nhạc cụ đệm. Cần quan tâm đầu tư cho công tác nghiên cứu, định hướng các giá trị nghệ thuật, tránh đi xa các chuẩn mực của “gốc và ngọn” trong quan hệ của quan họ cổ và quan họ đương đại.

Tin, ảnh: HOÀI PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.