Xây dựng điểm đến hấp dẫn

Diễn ra tại tỉnh Bình Định, chương trình có nhiều hoạt động hấp dẫn như: Chiếu phim “Xúc tiến, quảng bá du lịch qua điện ảnh”; triển lãm không gian du lịch, điện ảnh, thể thao; trình diễn võ thuật; Hội thảo “Du lịch, điện ảnh và thể thao: Kiến tạo tương lai-đường dài chung bước”; Đại nhạc hội "Đôi cánh diệu kỳ"... Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định Trần Văn Thanh: Sự kiện diễn ra đúng dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, thu hút hơn 1.000 đại biểu trong nước, quốc tế và nhiều nghệ sĩ điện ảnh, vận động viên thể thao nổi tiếng cùng đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Theo báo cáo nhanh, dịp này, Bình Định đón 204.044 lượt du khách, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu đạt 555 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023.

Tham gia sự kiện, bà Lê Thị Hà, Viện trưởng Viện Phim Việt Nam chia sẻ, thành công của tác phẩm điện ảnh trong nước đã góp phần thúc đẩy phát triển du lịch. Những bối cảnh quay trong phim “Chuyện của Pao” (năm 2006) tại Hà Giang; “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (năm 2015) tại Phú Yên; “Em và Trịnh” (năm 2022) tại Huế... trở thành “chất xúc tác” tới các điểm đến được du khách yêu thích. Vì thế, nếu chúng ta biết vận dụng nghệ thuật để quảng bá du lịch sẽ thu hút du khách cả trong nước và quốc tế đến trải nghiệm, khám phá đất nước, văn hóa và con người Việt Nam.

leftcenterrightdel
Biểu diễn võ thuật cổ truyền “Tinh hoa võ thuật quốc tế” trong khuôn khổ Chương trình “Du lịch, điện ảnh và thể thao - Tự hào bản sắc Việt” diễn ra tại Bình Định. 

Ông Franck Priot, chuyên gia điện ảnh Pháp, rất hào hứng trước cảnh sắc biển, đảo của Bình Định, nhất là khi tận mắt chứng kiến những màn biểu diễn võ thuật Tây Sơn-Bình Định trong Chương trình “Tinh hoa võ thuật quốc tế”. “Sự liên kết giữa điểm đến và giá trị khác, như võ thuật của Việt Nam, trong đó có võ thuật cổ truyền của Bình Định sẽ tạo nên tác phẩm điện ảnh ấn tượng. Tôi hy vọng Việt Nam sẽ nắm bắt cơ hội này để phát triển du lịch, điện ảnh và thể thao”, ông Franck Priot cho hay.

Đánh thức những tiềm năng

Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, trong mối “lương duyên” điện ảnh-du lịch-di sản, nhiều phim trường lớn đã hình thành, góp phần quan trọng thúc đẩy công nghiệp văn hóa trong điện ảnh, du lịch. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu ứng tích cực, những thước phim đẹp về các vùng miền phần lớn mới chỉ dừng lại ở bối cảnh đơn thuần, làm nền cho nội dung phim mà chưa thực sự phục vụ mục đích quảng bá du lịch. Tiềm năng của nhiều vùng đất chưa được đánh thức và khai thác một cách hiệu quả; việc quảng bá các điểm đến thông qua tác phẩm điện ảnh vẫn dừng lại ở một vài ví dụ nhỏ lẻ... Do vậy, trong sự kiện năm nay tổ chức tại Bình Định, ngoài những hoạt động phục vụ nhân dân, du khách, điểm nhấn của chương trình là Hội thảo “Du lịch, điện ảnh và thể thao: Kiến tạo tương lai-đường dài chung bước”. Tại đây, các nhà quản lý, đạo diễn, nhà làm phim bàn thảo với nhau, tìm cách đưa hình ảnh quê hương, con người, văn hóa Việt Nam lên phim trong nước và quốc tế.

Ông Hà Văn Siêu, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL) cho rằng, 2/3 lượng khách hứng thú và đi du lịch đến các nước là thông qua tác phẩm điện ảnh. Đây là nguồn tài nguyên vô tận nếu chúng ta biết khai thác.

Chuyên gia điện ảnh Pháp Franck Priot đặt vấn đề: “Khi ra nước ngoài, tôi được nghe bạn bè quốc tế khen “Việt Nam đẹp lắm!”, nhiều bạn rất thích đến khám phá những cảnh quay trong phim. Đây là cách quảng bá điện ảnh Việt Nam ra thế giới ít tốn kém nhất mà lại hiệu quả. Khi xem chương trình biểu diễn võ thuật, tôi thấy rằng nó còn hấp dẫn hơn một show ca nhạc. Lẽ ra, chúng ta nên làm từ lâu việc kết hợp du lịch, điện ảnh và thể thao. Nhưng trở lại vấn đề lãnh đạo có muốn đoàn làm phim thực hiện cảnh quay tại địa phương không? Nếu có, địa phương có những chính sách, ưu đãi gì để làm việc, thu hút đoàn làm phim đến quay?”. Cũng theo chuyên gia điện ảnh Pháp, sự cam kết của từng tỉnh, thành phố đối với các nhà làm phim chưa đủ, bởi Việt Nam đang cạnh tranh với các nước rất nhiều, vì vậy, việc đưa ra chính sách hoàn thuế cho các đoàn làm phim thực hiện tại địa phương nên thực hiện càng sớm càng tốt.

Về phía nhà sản xuất, bà Trương Ngọc Ánh, đại diện Công ty TNHH TNA Entertainment, đề nghị: “Chúng tôi đang ấp ủ dự án làm phim về các nhân vật nữ tướng trong lịch sử như Hai Bà Trưng, Bùi Thị Xuân... Tuy nhiên, cần nhiều yếu tố về nhân sự, kinh phí... Nếu các địa phương có hành động thiết thực như hỗ trợ kinh phí để làm phim hay câu chuyện lãnh đạo tỉnh “đặt hàng” làm phim thì sẽ hay hơn, sẽ có những tác phẩm điện ảnh đặc sắc quảng bá hiệu quả hơn cho địa phương”.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho rằng, những kiến nghị, giải pháp của các chuyên gia, nhà sản xuất, đạo diễn... đặt ra yêu cầu trong bối cảnh mới, ngành điện ảnh, du lịch và thể thao cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa và có chiến lược lâu dài cho sự phát triển bền vững. Cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Trong đó nêu rõ, Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền thường xuyên, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế-xã hội. Chủ động phối hợp xây dựng phương án đầu tư, hỗ trợ theo từng giai đoạn đối với một số lĩnh vực công nghiệp văn hóa cần ưu tiên phát triển; trong đó xây dựng kế hoạch và triển khai thí điểm đến năm 2030 đối với một số lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế, du lịch văn hóa, thể thao...; xây dựng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đặc trưng gắn với vùng miền, địa phương, đẩy mạnh liên kết vùng, địa phương trong khai thác và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa; tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá, tuyên truyền thường xuyên để tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong nhận thức về các ngành công nghiệp văn hóa.

Bài và ảnh: HÀ ANH - NGUYỄN NAM

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.