QĐND Online - “Vòng phấn Kavkaz” nằm trong danh mục các vở kịch nổi tiếng nhất của tác gia và thi sĩ Đức Bertolt Brecht (1898 - 1956), do Nhà hát Tuổi trẻ và Viện Goethe phối hợp thực hiện; đạo diễn người Đức Dominik Guenther; được tổng duyệt vào tối 16-9  và biểu diễn chính thức từ ngày 17 đến 19-9, tại Hà Nội. Đây là một tác phẩm sân khấu kinh điển được dàn dựng theo phong cách hiện đại, sử dụng nhạc Pop trong tác phẩm và sân khấu tương tác với khán giả.

Đối với các diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ cũng như đạo diễn Dominik Guenther, 4 tuần tập luyện với cường độ cao đã mang đến cho họ những trải nghiệm thú vị. “Vòng phấn Kavkaz” đã xóa đi rào cản ngôn ngữ để những người nghệ sĩ được thăng hoa trong tác phẩm, đưa người xem đến với những cung bậc cảm xúc, triết lý về nhân sinh trong cuộc sống.

Tình yêu thời loạn lạc trong “Vòng phấn Kavkaz“

Nội dung của vở diễn xoay quanh chủ đề chiến tranh. Cảnh hỗn loạn trong dinh Tổng trấn giàu có, mọi người hốt hoảng gói ghém đồ đạc để đi trốn. Tổng trấn phu nhân ấn con trai vào tay cô hầu Grusche rồi biến mất cùng tiền bạc và những thứ quần áo quý giá.

Cô hầu Grusche trốn cùng đứa bé và nuôi nó lớn lên trong vô vàn gian khổ và hiểm nguy. Mặc dù không sinh ra cậu bé nhưng Grusche chăm sóc như chính con trai mình. Trong quá trình nuôi dưỡng cậu bé, Grusche đã gặp nhiều trắc trở trong cuộc sống. Simon - người yêu của Grusche đã bỏ cô bởi anh cho rằng, cô đã lừa dối anh. Năm tháng trôi qua. Rồi một ngày, Tổng trấn phu nhân xuất hiện và đòi lại đứa con, vì nó sẽ thừa kế một gia tài lớn.

Đối với Grusche, từ lâu, cậu bé đã như đứa con do chính cô dứt ruột đẻ ra nên không dễ gì trao trả lại cho người khác. Dù không có công sinh ra nhưng quá trình nuôi dưỡng đã gắn kết tình cảm của Grusche và đứa trẻ. Kết thúc có hậu của vở diễn khiến người xem hài lòng, vị quan tòa đã phán quyết để Grusch được nuôi cậu bé.

Cảnh trong vở “Vòng phấn Kavkaz

Vòng phấn Kavkaz” đã mang đến cho người xem thông điệp về cuộc sống, tình mẫu tử. Đạo diễn Dominik Guenther lôi kéo khán giả Việt Nam đến với sân khấu bằng một vở kịch thời xa xưa nhưng mang đậm hơi thở cuộc sống hiện tại. Ông cho rằng, vở kịch thể hiện chủ đề về tình yêu và tính nhân văn nên không thay đổi ngôn ngữ cũng như bối cảnh nhà nước hư cấu Gruzia. Đạo diễn đã thời sự hóa một số yếu tố, như phục trang hiện đại đồng thời thay đổi nhân vật ca sĩ - tức người kể chuyện. Nhân vật này là một sáng tạo nghệ thuật dẫn dắt những sự kiện trên sân khấu với sự hỗ trợ của âm nhạc điện tử và các hiệu ứng âm thanh khác.

Dựng tác phẩm sân khấu kinh điển phải mang hơi thở hiện đại

Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận cho rằng, vở diễn mang lại một cách nhìn mới về sân khấu tự sự biện chứng. Cách đây 20 năm, vở "Vòng phấn Kavkaz” đã được một đạo diễn người Đức dựng cho Nhà hát Chèo Việt Nam và lần này dàn dựng trên sân khấu đương đại.

“Tôi nghĩ rằng, vở diễn sẽ giúp khán giả trẻ đến gần hơn với Nhà hát để hiểu về loại hình nghệ thuật sân khấu mới này. Thông qua tác phẩm, đạo diễn phê phán sự ích kỷ của con người và nhấn mạnh niềm tin, cán cân công lý. Tính nhân văn của vở diễn như một bài học của cuộc sống đương đại hiện nay trong bối cảnh mà sân khấu đang đối diện với nhiều vấn đề phức tạp”, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận chia sẻ.

Đạo diễn Dominik Guenther dựng Vòng phấn Kavkaz với hy vọng mang lại những điều thú vị cho công chúng Việt Nam đồng thời giúp các nghệ sĩ được tiếp cận với sân khấu đương đại của thế giới.

Đạo diễn người Đức cho rằng, các nghệ sĩ Việt Nam hòa nhập và ứng biến với sân khấu đương đại rất nhanh. Dominik Guenther đã mang đến cho các nghệ sĩ Việt Nam thông điệp về việc dàn dựng các tác phẩm sân khấu kinh điển phải mang hơi thở của cuộc sống hiện tại. Đây là bài học mà những người làm sân khấu cần phải nắm rõ.

Đánh giá về khả năng diễn xuất của các nghệ sĩ Việt Nam, Viện trưởng Viện Goethe Almuth Meyer-Zollitsch cho rằng, tuy là vở kịch cũ nhưng người xem nhìn thấy những nét hiện đại. Điều mà bà Almuth Meyer-Zollitsch cảm nhận rõ nét nhất đó là diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ khi diễn xuất tác phẩm này rất sáng tạo, năng động, thích tiếp cận cái mới của nghệ thuật sân khấu.

“Những ngày đầu tập, chúng tôi gặp khó khăn về vấn đề ngôn ngữ bởi tôi và đạo diễn đều không hiểu tiếng Việt. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, trong nghệ thuật sân khấu thì không phải lúc nào cũng cần ngôn ngữ, các diễn viên có thể sử dụng ngôn ngữ của cơ thể. Chúng tôi đã tìm được tiếng nói chung thông qua “Vòng phấn Kavkaz”, bà Almuth Meyer-Zollitsch cho biết.

Đây là tác phẩm sân khấu đầu tiên được dịch từ bản gốc tiếng Đức sang tiếng Việt và sau đó biên dịch soạn lại cho phù hợp với tính cách, sự năng động, tính hài hước của người Việt Nam.

Theo bà Almuth Meyer-Zollitsch, vở diễn thể hiện sự hợp tác thành công giữa hai bên bởi xuất phát từ sự nhiệt tình của đạo diễn và Ban Giám đốc Nhà hát, tinh thần sáng tạo của ê kíp thực hiện. Tác phẩm này có thể được diễn nhiều lần bởi nội dung phù hợp với người Việt Nam chứ không phải nhanh chóng “bén” rồi lại “tàn lụi”. “Vòng phấn Kavkaz” sẽ tồn tại lâu dài và bền vững trong lòng khán giả Việt Nam.

Vòng phấn Kavkaz” sử dụng âm nhạc để tạo điểm nhấn của vở diễn. Đạo diễn Dominik Guenther không muốn khán giả đến nhà hát một cách thụ động mà muốn khán giả có sự tương tác với các diễn viên và đạo diễn. Trên sàn diễn, nhân vật không khoác trên mình những bộ phục trang sân khấu mà là phục trang đời thường, đó chính là sợi dây liên kết giữa tác phẩm, tác giả với công chúng.

“Với tôi, được mở rộng tầm nhìn, khu vực hoạt động rất quan trọng để thu nhận những kinh nghiệm mới trong lĩnh vực sân khấu. Khi dàn dựng “Vòng phấn Kavkaz”, tôi nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của lãnh đạo nhà hát. Đặc biệt, họa sĩ, diễn viên…đã đưa ra nhiều ý tưởng và họ hiểu được cảm nhận của tôi. Điều quan trọng khi xây dựng tác phẩm này là chúng tôi đưa được “năng lượng mới” vào vở kịch, diễn viên làm việc với tất cả niềm say mê”, đạo diễn Dominik Guenther cho biết.

Với vai trò là phó đạo diễn đồng thời là diễn viên tham gia diễn xuất trong vở “Vòng phấn Kavkaz”, NSND Lê Khanh mong muốn, thông qua tác phẩm sân khấu này, các nghệ sĩ Việt Nam không chỉ phục vụ khán giả nhà mà còn đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng thế giới. “Vòng phấn Kavkaz” giúp các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ thay đổi tư duy nghệ thuật và lối diễn xuất thông thường, thay vào đó là hình thức diễn xuất nghệ thuật tương tác, không sử dụng các thiết bị điện tử để hỗ trợ cho giọng nói. Diễn viên phải có đài từ tốt thì mới có thể diễn xuất.

Sau 3 buổi biểu diễn chính thức, vở diễn này sẽ tiếp tục là một trong những tác phẩm sân khấu được Nhà hát Tuổi trẻ biểu diễn định kỳ đồng thời biểu diễn miễn phí cho các nghệ sĩ, diễn viên. Trong bối cảnh sân khấu phía Bắc đang nhọc nhằn tìm khán giả, sự xuất hiện của “Vòng phấn Kavkaz” đã mang đến luồng gió mới cho sân khấu Thủ đô.

 Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN