Tôn vinh giá trị lịch sử

Dịp kỷ niệm ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21-6 này, có những nhà báo từ xa đến “Khu vườn Kỳ Duyên - không gian văn hóa, sử Việt”, trong đó có tôi từ Cần Thơ, cùng say mê thưởng thức những giá trị văn hóa, lịch sử được tái hiện rất riêng, rất sinh động và độc đáo. Nhà báo Nguyễn Phấn Đấu cho biết giới mộ điệu khắp nơi đến thưởng lãm khu vườn hoàn toàn miễn phí.

Mô hình Chùa Một Cột trong khu vườn Kỳ Duyên.

Khu vườn văn hóa, lịch sử này có diện tích 3.000m2, cây cối xanh um tựa hồ một cánh rừng thu nhỏ giữa trung tâm huyện Cần Đước, tỉnh Long An, quê hương của nhà báo Nguyễn Phấn Đấu. Hàng chục loại cây như phượng, tùng, sao, xoài, tràm…được chăm bẵm trồng ngay hàng thẳng lối, đang vươn lên từng này, căng tràn nhựa sống.

Sau bữa liên hoan chiều với bạn hữu mới đây, buổi tối, nhà báo Nguyễn Phấn Đấu rủ tôi lên sân thượng của căn nhà tương đối dài, rộng của ông, uống cà phê và thưởng lãm một không gian văn hóa mà ông tâm đắc nhất trong cả khu vườn. Đó là 3 bản tuyên ngôn độc lập trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc được in rất đẹp trên các tấm biển khổ rộng gồm “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, trích “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi và “Tuyên ngôn Độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao quanh phiên bản chiếc trống đồng Đông Sơn bằng kích thước thật. Cạnh bàn ghế tiếp bạn văn chương, nhà báo Nguyễn Phấn Đấu dựng mô hình đỉnh Phan-xi-păng hùng vĩ. Tôi đã nhiều lần lên ngồi với nhà báo Nguyễn Phấn Đấu dưới không gian văn hóa, lịch sử  này, lần nào cũng dậy lên trong lòng niềm tự hào dân tộc như đang được truyền một dòng máu nóng vào trong huyết quản.

Một lý do khác mà nhà báo Nguyễn Phấn Đấu đưa tôi lên “gác Tuyên ngôn Độc lập” là từ đây, dưới ánh đèn điện sáng choang, tôi có thể phóng xa tầm nhìn quan sát cả công trình lịch sử, văn hóa Kỳ Duyên sáng lung linh dưới trời đêm. Phía ngoài cổng là cột cờ quốc gia Lũng Cú, Hà Giang, cao 4 mét, trên đỉnh là lá cờ đỏ thắm rộng 0,5m2 in hình lên nền trời xanh thẳm, cùng những dòng chú thích đầy tự hào: “Cột cờ Quốc gia Lũng Cú trên đỉnh Núi Rồng thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, cực Bắc nước ta, có từ thời Lý Thường Kiệt, qua nhiều lần trùng tu hiện cao trên 33m, lá cờ rộng 54m2. Cột cờ Lũng Cú là biểu tượng của chủ quyền quốc gia”. Tôi đứng dậy, hít căng lồng ngực, lòng rất đỗi tự hào dưới màu cờ thiêng liêng của Tổ quốc.

Anh Nguyễn Văn Nam, giáo viên sử học ở Trường THCS Cần Đước hào hứng nói: “Học sinh của tôi rất thích đến “khu vườn Kỳ Duyên - không gian văn hóa, sử Việt” vì được tận thấy nhiều điều mới lạ, những câu chuyện rất đỗi nhân văn và tự hào”.

Mô hình Tháp Rùa trong hồ nhà

Một trong công trình được ông Phấn Đấu đặt nhiều tâm huyết vào là Tháp Rùa cao 1,5m và cầu Thê Húc dài 10m trên hồ Gươm rộng 400m2. Ông Đấu còn cất công tìm mua được con rùa hàng chục năm tuổi, nặng 7kg, thả trong hồ, thỉnh thoảng nó bò lên nằm bên Tháp Rùa. Bên cạnh đó, mô hình Bến Nhà Rồng cao 3 mét cùng chiếc tàu Latouche Tréville in bóng xuống mặt nước hồ xanh thăm thẳm, gợi nhớ về cuộc hành trình bôn ba tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành thủa nào.

Như một sợi chỉ đỏ nối văn hóa ba miền, nhà báo Nguyễn Phấn Đấu làm mô hình bản đồ Việt Nam giữa khu vườn, xây dựng 3 công trình mà ông cho là tiêu biểu cho ba miền gồm: Chùa Một Cột, chùa Thiên Mụ và chợ Bến Thành. Ông dành nguyên 1 bờ tường nhà để tái hiện quá trình nước Đại Việt mở cõi về phương Nam với 2 câu thơ nổi tiếng của “thi tướng” Huỳnh Văn Nghệ: “Từ độ mang gươm đi mở cõi – Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Nhìn vào đây, một người ít hiểu biết về lịch sử cũng có thể dễ dàng xác định vào năm nào, đời vua (hoặc chúa) nào mở mang bờ cõi đến đâu. Bên cạnh là quốc kỳ của các triều đại trong lịch sử Việt.

 Mô hình hầm tướng Đờ-cát.

Ông Nguyễn Phấn Đấu tái hiện lịch sử oai hùng và văn hóa Việt đa dạng và phong phú bằng hình thức làm mô hình, tạc tượng, dùng hiện vật, đề thơ… có những mô hình bằng với kích thước thật, có cái thu nhỏ, ước lệ… Bằng cách ấy, ông trình bày lịch sử - văn hóa Việt một cách trực quan, dễ tiếp nhận và khó quên.

Nhà văn Đoàn Giỏi cũng chiếm một vị trí trang trọng trong khu vườn văn hóa Việt này với một khu “Đất rừng Phương Nam”, tái hiện giai đoạn người Việt còn sống hoang sơ ở miền Tây Nam bộ trong giai đoạn đầu khai khẩn vùng đất phương Nam với một cây cầu khỉ bằng tre, cái chòi lá, cây rơm, cái nơm, thạp đựng nước, đôi thùng gánh nước… Về âm nhạc, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có câu hát nổi tiếng thấm đẫm chất nhân văn được khắc trên hai khối đá như tựa đầu vào nhau: “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”.

Giữa vườn, một chiếc võng giăng giữa 2 thân cây, với khẩu súng AK treo đầu võng, chiếc mũ tai bèo, bên vầng trăng vàng thật to, trên ấy hiện lên 5 chữ “Tình Đồng chí – Chính Hữu”… Ở đây còn có cả mô hình hầm tướng Đờ Cát-xtơ-ri. Ở một góc vườn là một bụi tre ngà óng ả rất đẹp, có gắn hai câu thơ mang hình ảnh ẩn dụ rất hay của nhà thơ Viễn Phương trong bài thơ nổi tiếng Viếng Lăng Bác: “Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam/Bão tố mưa sa, đứng thẳng hàng”.

Khu vườn được chia làm 2 khu tách biệt được ngăn cách bởi hào rộng 10m, khu bên ngoài trồng cây xanh và hoa, khu bên trong trồng cây ăn trái. Liên kết 2 khu là phiên bản thu nhỏ của cây cầu dây văng Mỹ Thuận.

Theo nhà báo Nguyễn Phấn Đấu, vùng đất Tây Nam bộ chằng chịt sông nước, giao thông cách trở, nên chiếc cầu dây văng Mỹ Thuận bắc ngang sông Tiền là 1 sự kiện lớn, trở thành nét văn hóa – lịch sử ấn tượng của vùng Tây Nam bộ.

Vùng đất huyện Cần Đước, nơi đặt khu vườn lịch sử văn hóa Việt này là một trong những cái nôi về đờn ca tài tử Nam Bộ một thời và đến nay vẫn có sức sống mạnh mẽ. Ở đây, nhà báo Nguyễn Phấn Đấu làm mô hình cây đàn kìm lớn gấp 3 lần đàn thật, trên thùng đàn khắc ghi bài “Dạ cổ hoài lang” lừng danh của nhạc sĩ Cao Văn Lầu cùng câu mở đầu của bài hát: “Từ là từ phu tướng…”.

Sắp tới, nhà báo Phấn Đấu sẽ xây dựng đài tưởng niệm Vua Hùng vào dịp 2-9, rồi góc Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu; góc Chí Phèo – Thị Nở của Nam Cao; trận Vàm Nhật Tảo đánh chìm chiến hạm Espérance của thực dân Pháp…

Nhà báo Nguyễn Phấn Đấu làm khu vườn để mình và bạn bè thưởng ngoạn, chứ không mua bán, kinh doanh. “Điều tôi quan tâm nhất và quyết tâm làm cho kỳ được dù có phải mất nhiều năm và tốn nhiều công sức, tiền bạc là mở rộng cửa khu vườn lịch sử - văn hóa Việt của tôi cho nhiều học sinh quê nhà Cần Đước, Long An và những ai quan tâm, yêu thích lịch sử, văn hóa Việt đến tham quan, để thấm thấu lịch sử một cách tự nhiên, tự hào lịch sử oai hùng của ông cha mình một cách chân thật để tạo ra sức bật mới cho họ trong cuộc sống hôm nay”, nhà báo Nguyễn Phấn Đấu khẳng định.

Một trong những người đồng cảm và gợi cho nhà báo Nguyễn Phấn Đấu nhiều ý tưởng thực hiện khu vườn là Thạc sĩ sử học Nguyễn Văn Đông – nguyên giảng viên Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Theo ông Đông, đây là công trình văn hóa – lịch sử tư nhân không nhằm mục đích kinh doanh phong phú nhất mà ông từng biết. Ngoài việc góp phần giáo dục văn hóa – lịch sử cho học sinh địa phương, ông Đông mong muốn khu vườn Kỳ Duyên này sẽ còn là điểm tham quan của khách du lịch khi đến thăm vùng đất Cần Đước anh hùng.

TRẦN ĐÌNH PHƯỢNG