Tôi ngạc nhiên: “Có chuyện gì mà anh lại tự than phiền thế?”. Là chỗ thân tình với nhau từ lâu, anh bảo: “Chẳng giấu gì chú, có cậu trợ lý khôn khéo quá đâm ra mình cứ cảm thấy ngài ngại, lo lo thế nào ấy”. “Có cấp dưới khôn khéo thì anh càng được việc chứ sao”. “Ôi, nếu mà thế thì nói làm gì. Cậu này chỉ được mỗi cái nhanh nhảu mồm miệng, cấp trên nói gì cũng một dạ hai vâng rất ngoan ngoãn, lễ phép; làm việc gì cũng tỏ ra xông xáo, nhiệt tình, tỏ rõ trách nhiệm; nhưng khi làm công việc chuyên môn thì thất thường, lúc được lúc không”. “Vậy, có lúc nào anh góp ý, nhắc nhở, uốn nắn cậu ta không?”. “Có chứ, tính tôi rất thẳng thắn, khi nào cậu ta lơ là, chểnh mảng với công việc là tôi nói đến nơi đến chốn và mong muốn cậu ta cố gắng nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn. Mà lần nào nhắc nhở, góp ý, cậu ta cũng tỏ ra rất cầu thị, nhưng rồi tình hình không chuyển biến là mấy”. “Thế thì anh phải có biện pháp mạnh tay hơn chứ?”. Chia sẻ với tôi, anh thành thật: “Cũng có lúc tính phương án đưa cậu ta sang làm công việc khác, nhưng cậu này lại được anh trưởng phòng là đồng hương quý mến, còn anh em trong cơ quan cũng hiếm khi phiền lòng vì cậu ta quá khéo. Nhưng nói thật, cái sự khéo của cậu ta chỉ có tớ mới biết rõ bản chất thôi”.
Thế rồi, anh kể rằng, cậu này biết khả năng, trình độ chuyên môn của mình có hạn, nên luôn “gồng mình” lên để hy vọng làm vừa lòng tất cả mọi người trong cơ quan. Ai nói gì cậu ta cũng tỏ ra chăm chú lắng nghe rồi biết “hùa” vào câu chuyện để làm hài lòng người đối diện. Sự nhún nhường, mềm mỏng của cậu ta trong giao tiếp ứng xử khiến ai cũng tưởng người này là khôn ngoan. Nhưng thực chất đó là con người “ba phải”, “mười lăm cũng ừ, mười tư cũng gật”, không bao giờ dám sống thật với lòng mình. “Nhiều năm làm công tác tổ chức cán bộ, anh nghĩ sao về những người như thế?”. “Nếu được quyền ra quyết định, tôi sẽ điều chuyển những người chỉ biết nói hay, nói giỏi, nói vừa lòng người khác, nhưng làm việc không đến nơi đến chốn, hiệu quả thấp, không mấy khi đóng góp được nhiều cho công việc chung của tập thể”.
Ngẫm ngợi chốc lát, anh phó phòng tổ chức cán bộ nói tiếp: Người Việt ta vốn hay duy tình, cả nể, nên rất dễ bị “xiêu lòng” bởi những lời nói “có cánh” của người khác. Trên thực tế, có người khéo léo nhưng sống chân thành, tử tế, biết điều hay lẽ phải, biết người biết ta thì đấy là những người khôn ngoan (tức là vừa có trí tuệ, vừa có nhân cách). Tuy nhiên, cũng có không ít người khéo léo chỉ cốt để lấy lòng, vuốt ve người khác, nhưng lại luôn đứng ở vị trí trung gian, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, chẳng dám nêu chính kiến của mình bao giờ. Những con người sống như thế thực chất là “khôn ranh”, tức là khôn chỉ vì lợi ích thuần túy, ích kỷ của cá nhân mình. Nếu không tỉnh táo nhận diện, phát hiện được những cán bộ, công chức thuộc diện “khôn ranh” này để thanh lọc ra khỏi bộ máy công quyền, thì mục tiêu giảm biên chế vẫn còn… xa ngái lắm.
THUẬN THIẾT