QĐND - Gặp lại người bạn thân làm việc ở một viện nghiên cứu khoa học, trong lúc ngồi nhâm nhi cà phê, tôi hí hửng thông báo với bạn tin vui là vừa chính thức gia nhập mạng “công dân toàn cầu”! Tưởng rằng nhận được lời chia sẻ của bạn, ai dè lại phải nghe lời phàn nàn có vẻ chua chát:

- Tôi cứ tưởng ông mực thước, chỉn chu, chả bao giờ khoe mẽ. Thế mà bây giờ cũng a dua, chạy theo tâm lý đám đông, sa vào những thứ vô bổ trên “phây” vừa tốn thời gian, lại vừa dễ bị ảo tưởng bởi những cái “lai”, cái “com-mần” tung hê nhau lên tận mây xanh!

Tôi nhỏn nhẻn cười tủm rồi “phang” ngay cậu bạn:

- Này, ông không thích “phây” thì thôi, chứ đừng nhìn nhận “phây” một cách cực đoan thế nhé. “Phây” đã kết nối không gian, gắn liền khoảng cách, mở rộng tâm hồn và mang đến biết bao thú vui cho con người. Ông từng nghe giới trẻ nói với nhau “Đời không “phây” như cây lụi tàn” bao giờ chưa?

- Ừ, cứ cho tôi như cái cây đang bị lụi tàn đi. Không sao cả. Nhưng tôi nói với ông về một trường hợp sử dụng “phây” mà tôi biết, rồi ông tự suy ngẫm nhé!

Bạn tôi kể, cơ quan tiếp nhận một nghiên cứu sinh trẻ. Thời gian đầu, cậu ta làm việc hăng hái, trách nhiệm lắm. Nhưng càng về sau, cậu ấy càng có vẻ ít chú tâm đến nhiệm vụ chuyên môn. Đi công tác ở đâu, đến vùng đất nào cậu ấy cũng tự chụp ảnh (mà cư dân mạng thường gọi là “tự sướng”) rồi tung lên mạng. Có ngày, cậu ấy đưa lên “phây” của mình hơn chục bức ảnh ở các tư thế khác nhau, rồi mời gọi bạn bè bình luận. Đến một xã biên giới miền núi, cậu ấy còn mượn mấy bộ trang phục của người dân tộc bản địa để nhờ người khác chụp ảnh và bản thân “tự sướng”, sau đó đưa tất tần tật lên “phây”. Đáng lẽ trong những chuyến đi điền dã như thế, cậu ấy phải coi đó là “cơ hội vàng” để tranh thủ thời gian đi khảo sát, điều tra, thu thập thông tin từ người dân để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học. Nhưng ngược lại, cậu ấy lại quá say sưa với việc “tự sướng”, quá thích thú với những cái “lai”, cái “com-mần” trên “phây”, mà đâm ra chểnh mảng, lơ là với công việc chuyên môn.

Nghe xong câu chuyện, tôi hỏi:

- Sao ông không dùng “phây” mà lại biết chuyện đó?

- Có gì đâu, cô vợ tôi cũng là dân “phây”. Tối nào đi làm về, cô nàng cũng kể vanh vách là cơ quan anh có cậu nghiên cứu sinh trẻ rất thích “làm dáng” trên “phây”. Tóm lại là cậu ấy đi công tác đến bất cứ địa điểm nào vợ tôi cũng biết, vì có mặt ở đâu là ở đó có hình ảnh của cậu ấy trên “phây”.

Tôi bộc bạch với người bạn:

- Thôi, tuổi trẻ có thú vui riêng của người ta. Bọn mình ở tuổi trung niên rồi thì nhìn đời cũng nên bằng con mắt cảm thông, độ lượng!

Bạn tôi điềm đạm mà sâu sắc, nói:

- Chơi "phây" là quyền tự do và sở thích của mỗi cá nhân. Tuy vậy theo mình, chơi “phây” rất nên có văn hóa. Người Việt ta vốn coi trọng sự tế nhị, nền nã, kín đáo, thế nên đừng lúc nào và ở đâu cũng cố ý “làm dáng” rồi đưa hình ảnh cá nhân lên “phây”. Nếu quá đà như thế là một biểu hiện khoe mẽ thô thiển, vô duyên. Vả lại, những người làm công ăn lương thì đừng quên một điều rằng: Nhà nước hỗ trợ tiền công tác phí nhằm phục vụ tốt việc công chứ không phải đi “du lịch miễn phí” để tự mình làm theo ý thích cá nhân. Đấy là chưa kể có hình ảnh cá nhân xuất hiện trên “phây” đã vô hình trung làm lộ bí mật nghiệp vụ công tác ở những địa bàn phức tạp, nhạy cảm, thì lợi bất cập hại. Tôi nghĩ thế, có đúng không bạn?

Bạn tôi có thể hơi quá lời khi can ngăn, không muốn tôi sử dụng “phây”. Song những lời gan ruột mà bạn đã trải lòng, tôi nghĩ bất cứ bạn trẻ nào muốn chơi “phây” với mục đích lành mạnh cũng không nên bỏ ngoài tai.

ĐỨC THUẬN