QĐND - “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”-các cụ dạy chỉ có đúng. Thiếu đói, gạo không đủ ăn thì phải dè xẻn, tằn tiện khéo ăn độn. Ngay khi có chút ăn chút để thì “Được mùa chớ phụ ngô khoai/ Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng”. Cái ăn thì thế còn chuyện ở, chuyện mặc, cái giường, cái đắp thì cũng phải lo toan tùng tiệm. Ổ rơm, lá chuối khô làm đệm ấm, chiếu cói làm tấm đắp, nằm khoanh tròn ôm nhau mà ngủ. Đến thời “Vệ túm”, bộ đội ta đã học theo các cụ “Ba thằng quặp chặt gió lùa vào đâu”.

Bây giờ nói những chuyện ấy là nơm nớp sợ bị vu là cứ “ôn nghèo nhớ khổ”, thế nhưng so ra ối chuyện lại chẳng được bằng các cụ ta xưa. Chuyện ăn thì thua hẳn ở cái khoản vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn chuyện ở thì không còn nhà tranh vách đất nhưng chật chội, chen chúc, bí hãm rõ ra là khổ sở hơn xưa. Ấy là nói đi chứ nói lại, con cháu bây giờ hóa ra lại “khéo co” bội phần các cụ ấy chứ. Ngôi nhà ở quê xưa dù nghèo cũng còn có tí vườn, chí ít là mảnh sân (đất). Bây giờ sinh sôi nảy nở, con đàn cháu đống, tí vườn, tí sân cũng thành nhà cho chúng. Ở thị thành còn khổ hơn nữa. Ngôi nhà ống một, hai chủ thời nay trở thành của bảy, tám hộ, số nhân khẩu tăng hơn cả chục lần. Chút hiên, tí bếp, hành lang, gầm cầu thang… chỗ nào cũng có thể và đã thành giường, thành bếp, thành nơi cả gia đình tụm lại quanh mâm cơm. Rồi thì cơi nới, chuồng cu chồng lên chuồng cu…

Cái cảnh co, co đến hết cỡ làm khổ những con người ăn ở đã đành, nó từ lâu đã làm sốt ruột sốt gan bao người. Cùng với chuyện co lại thì cũng có chuyện lo dãn ra. Dãn dân là chuyện đô thị nào cũng phải tính, phải làm nhưng nhiều nơi tính mãi không ra, làm rồi mà không được. Về chuyện này, phải cảm thông trước hết cho Hà Nội. Ít nhất thì cũng đã đôi lần chỉ đất để dãn dân, mới nhất là khu đô thị gần hoàn chỉnh trên đất ven đô. Ở đó có nhà ở, trường học, bệnh xá, đặc biệt là có chợ cho bà con kinh doanh. Lo đến như thế xem như là đủ đầy, chu đáo. Vậy nhưng nó chưa hết nhẽ. Có chợ nhưng bán cho ai?

36 phố phường đủ ngành nghề khép kín cuộc sống làm ăn, buôn bán, quan hệ họ hàng, làng-phố. Vài mét vuông nhà, thậm chí chỉ một mét vỉa hè cũng đủ để kiếm sống. Cái sự tiện lợi trải năm tháng, trải cả thế kỷ đã thành nết ăn nết ở. Và quan trọng hơn cái nết phố cổ ấy trong “cơ chế thị trường” thoải mái hiện tại, nó lây lan ra cả vùng bồi, vùng ven, vùng ngoại thành và cả nhiều tỉnh thành. Dở cười dở khóc ở các vùng lây lan này người ta lại còn cố, còn khéo “co” hơn cả nơi khởi nguồn. Một ngõ nhỏ ven đô, một ngách nhà khu chung cư cũng chen chật người bày hàng quán. Các khu đô thị mới toanh ở Mỹ Đình, ở Từ Liêm, Hà Đông cũng sớm lây bệnh này. Cứ hở chút vỉa hè là thành chợ không biết lúc nào. Chợ sáng, chợ chiều, chợ tối…

Điều khó tin là cái bệnh “khéo co” ấy lại lây cả vào những nhà giàu, những doanh nghiệp lớn và cả những người làm chính sách, những người có trách nhiệm về quy hoạch, quản lý đô thị. Nếu nói về sự hiểu biết, họ giỏi giang, sâu sắc bằng mấy người thường. Chính họ đã là những người đầu tiên nhìn thấy vấn nạn chật chội và “khéo co”. Họ đã đề xuất giải pháp đưa nhà máy, xí nghiệp, công sở, bệnh viện, các trường đại học… ra khỏi nội đô để “giải phóng mặt bằng”, để có chỗ cho các công trình công ích. Vậy nhưng lần lượt những nơi giải tỏa ấy lại thấy trở thành khách sạn, trung tâm thương mại, nhà hàng, trụ sở, khu dân cư cao tầng… Không khó hiểu, khéo co “tấc đất tấc vàng” thì cả tôi và các anh ai cũng lợi lớn.

Bài toán “co” đã được xã hội giải đến cực “khéo”. Ngược lại, bài toán “dãn” tưởng đã thành công nhưng cũng thành lỗ lớn, thành ế đọng, thành cục nợ.

Một đằng khéo co, một đằng vụng dãn, mới thấy người dân và người lo cho dân vất vả thế nào. Đi ra khỏi cái bẫy “đang phát triển” hay “phát triển nóng” còn gian nan lắm lắm.

SA MUỘN