Trong lòng đất Cổ Loa hiện như là kho lưu trữ hồ sơ lịch sử phong phú, giá trị về nhà nước Âu Lạc. Mỗi lớp đất là một câu chuyện lịch sử gắn với những mảnh gốm thô, rìu đá, cùng với nét văn hóa truyền thống cổ xưa được mỗi người dân Cổ Loa gìn giữ và phát huy. Với những giá trị, ý nghĩa sâu sắc về văn hóa, lịch sử, Cổ Loa được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt từ năm 2012 và Lễ hội Cổ Loa trở thành di sản văn hóa cấp quốc gia từ năm 2021.

"Chết bỏ con bỏ cháu/ Sống không bỏ mùng 6 tháng Giêng". Không biết từ bao giờ, câu ca trên được người dân lưu truyền nhằm tôn vinh lễ hội Cổ Loa mỗi dịp Tết đến, xuân về. Ngoài việc tưởng nhớ công lao của An Dương Vương, lễ hội Cổ Loa còn có ý nghĩa giáo dục nhân dân về tinh thần đoàn kết, sự kiên trung và hy sinh vì đất nước. Tiếp nối truyền thống, Lễ hội Cổ Loa Xuân Giáp Thìn 2024 được tổ chức trang nghiêm phần lễ, vui tươi và văn minh phần hội. Lễ hội bắt đầu với những nghi thức quan trọng, như: Nghi lễ dâng hương của Bát xã Loa Thành; nghi thức tế, lễ; nghi lễ nghênh rước kiệu vua An Dương Vương và rước kiệu Bà Chúa của Bát xã Loa Thành. Phần hội diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn như: Đấu vật, bắn nỏ, bóng chuyền, cờ người, trình diễn tuồng cổ, đu tiên, múa rối nước Đào Thục, hát quan họ trên thuyền rồng.

leftcenterrightdel

Du khách bắn nỏ tái hiện binh sĩ thời Âu Lạc.

Dù chưa có con số thống kê chính thức, nhưng theo cảm nhận Lễ hội Cổ Loa 2024 thu hút đông đảo du khách hơn những mùa lễ hội trước; các hoạt động lễ hội, văn hóa-thể thao diễn ra trang nghiêm, văn minh và vui tươi hơn. Chị Nguyễn Thị Yên (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh) tự hào cho biết: “Trước lễ hội, mỗi người dân trong xã Cổ Loa được tuyên truyền không điều khiển phương tiện đi vào khu vực lễ hội. Ban tổ chức lễ hội đã quy hoạch các hàng quán về một mối, xây dựng các mô hình đặc trưng để du khách đến chụp ảnh và mã QR để du khách tìm hiểu về truyền thống lễ hội”.

Thắp nén nhang thơm trên mảnh đất Cổ Loa lịch sử, ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh vui mừng kính cáo các vị tiên tổ những thành tích về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh mà địa phương đạt được trong năm 2023; đồng thời bày tỏ hy vọng trong tương lai không xa, Cổ Loa trở thành di sản văn hóa thế giới, là điểm đến của du khách muôn phương. Theo ông Nguyễn Anh Dũng, để khát vọng trên trở thành hiện thực, mỗi người dân đang sinh sống trên mảnh đất Cổ Loa nói riêng và huyện Đông Anh nói chung cần có trách nhiệm với lịch sử bằng những hành động thiết thực, ý nghĩa.

Bài và ảnh: HOA LƯ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.