Phát hiện mới về hai thuyền cổ ở lòng sông Dâu

Chúng tôi đã về Hòa Bình, nơi TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đang sinh sống và làm việc, nghe ông chia sẻ nhiều hơn về những phát hiện mới của hai chiếc thuyền cổ độc đáo này.

TS Nguyễn Việt có bảo tàng lưu trữ 22 chiếc thuyền được trục vớt ở sông Lục Đầu - Vạn Kiếp. Trong đó, có 7 chiếc thuyền có niên đại carbon-14 (C14) thuộc phạm trù Đông Sơn - Giao Chỉ. Những chiếc còn lại, niên đại từ thời Đại La đến Đại Việt. Trong 7 thuyền niên đại Đông Sơn, có 3 chiếc mang cấu trúc lỗ mộng ngoàm trên mạn thuyền. Nếu kể cả số hiện vật liên quan đến kỹ thuật chốt mộng ngoàm để ghép cơi ván mạn thuyền Đông Sơn, thì ở Bảo tàng Khảo cổ học tàu thuyền Việt Nam lên đến 21 tiêu bản, với 15 niên đại C14 trải từ khoảng 2.400 năm đến 1.800 năm cách ngày nay.

Chiếc thuyền buồm cánh dơi được TS Nguyễn Việt dùng đi thực tế trên sông Bạch Đằng và trục vớt thuyền độc mộc kèm gốm sứ ở vùng sông Lục Đầu và Kinh Thầy. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH

TS Nguyễn Việt chia sẻ: “Trong vài ngày tới, bảo tàng sẽ tiến hành mô phỏng lại 2 con thuyền cổ được tìm thấy ở Bắc Ninh bằng công nghệ 3D; tái hiện chi tiết kỹ thuật mộc độc đáo trong việc tạo dựng và kết nối hai khung thân thuyền hình nổi đặc trưng của văn hóa Đông Sơn. Lúc đó, các bạn sẽ được quan sát kỹ lưỡng cấu trúc gỗ, gồm xà, ván ghép, mộng ngoàm chốt gông, cũng như các kẽ hở được khảm tinh tế trên nền hai long cốt thuyền độc mộc. Chúng tôi cũng sẽ tham khảo thông tin rộng rãi từ các nguồn tư liệu trên thế giới”.

TS Nguyễn Việt thông tin rõ hơn: Chiều dài trung bình của 2 chiếc thuyền cổ là 12-13m, sâu lòng 40-50cm, rộng ngang ở giữa trên 95cm, phần đế của mỗi con thuyền được ví như xương sống của thuyền (long cốt). Theo đó, hệ thống ván ghép mạn thuyền có 8 hàng, mỗi ván rộng 20-25cm, tạo một lòng thuyền cao khoảng 2m. Nhìn từ trên cao xuống, hai thuyền đều nhau, dáng thuyền trông như hình lá tre, độ rộng nhất ở giữa tấm ván trên cùng gần 2m, hai đầu thuyền thắt lại rộng khoảng 60-70cm.  

Theo phân tích của TS Nguyễn Việt, để gia cố các ván ghép mạn thuyền, người xưa đã dùng các mộng chốt hãm các tầng ván với nhau và với mạn thuyền độc mộc. Đáy thuyền độc mộc có đẽo hai bên mạn đối xứng các gờ hãm kiểu đặc trưng thuyền Đông Sơn, gài các thanh chắn ngang bên dưới, cách nhau khoảng 60cm. Cứ 4 vách ngăn như vậy lại dâng lên thành vách hở, làm chỗ gông căng các ván mạn hai bên. Có 5 hàng thanh ngang như vậy tạo thành các vách hở, hai đầu mỗi thanh đẽo thành chốt mộng xuyên ván mạn lộ ra ngoài, được chốt hãm ở cả hai bên mặt trong, ngoài của ván mạn.  

 Di chỉ thuyền tìm thấy trong lòng sông Dâu, Bắc Ninh. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH

Một góc của chiếc thuyền, có các cây gông ngang phần đáy thuyền độc mộc. Các “mấu” nhô phía trên hãm chúng không bung ra. Hai bên là vách hở chia khoang gồm những thanh ngang xuyên qua ván gông chốt ở bên ngoài.

TS Nguyễn Việt nhận định, đây không phải là vách ngăn thuyền kín, tạo bền vững kết cấu, dễ khống chế dột nước mà vách ngăn trên hai thuyền này chỉ để gia tăng kết cấu khi nâng cao ván mạn thuyền. Chúng không ghép kín mà để hở khoảng cách giữa các thanh với nhau. Đặc biệt ở hai đầu thuyền, các thanh ngang được thiết kế hợp lý, tạo độ lượn và yếu tố kỹ thuật, thẩm mỹ hơn.

Sự đặc biệt của thuyền cổ và giải pháp bảo tồn

Theo TS Nguyễn Việt, 2 chiếc thuyền cổ phát hiện ở Thuận Thành đặc biệt hơn so với các thuyền cổ khác đã được tìm thấy ở Việt Nam, bởi nó mang đặc trưng Đông Sơn, rõ nhất là ở kết cấu đáy thuyền độc mộc và kỹ thuật nâng ván mạn nhờ lỗ mộng chìm kết nối chắc bằng chốt liên kết và đinh hãm chốt. Tuy nhiên, các ván ghép mạn hai bên không có độ dài ổn định, ghép nối với nhau theo chiều dài bằng cách vát chéo.

Ông nhìn nhận: “Tư liệu so sánh về thuyền cổ ở Việt Nam còn rất hạn chế. Các cuộc khai quật trước đây như ở Cù Lao Chàm, Cà Mau hay Bình Thuận thường tập trung vào hàng hóa trên thuyền hơn là nghiên cứu cấu trúc bản thân con thuyền. Vì vậy, chúng ta chưa có nhiều công trình nghiên cứu bài bản về thuyền cổ. Nhưng trung tâm nghiên cứu của chúng tôi đã xây dựng một hệ thống nghiên cứu chuyên sâu, bao gồm cả việc tìm kiếm, bảo quản và công bố các phát hiện về thuyền cổ”.

 TS Nguyễn Việt. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH

Theo TS Nguyễn Việt, sự đặc biệt của hai chiếc thuyền được tìm thấy ở lòng sông Dâu nằm ở sự trùng khớp với những đặc điểm của thuyền Đông Sơn mà ông dày công nghiên cứu. Cùng với chiếc thuyền độc mộc với kỹ thuật ghép ván bằng mộng chốt, những phát hiện tương tự đã được ông công bố tại nhiều hội nghị khoa học, ông hy vọng giới nghiên cứu sẽ quan tâm hơn đến những tư liệu này để có thể nhận ra sự tương đồng giữa các phát hiện.

Sự tương đồng còn thể hiện ở cấu trúc thuyền độc mộc ban đầu được cơi nới bằng các ván ghép. Dù vậy, điểm khác biệt đáng chú ý ở thuyền sông Dâu vẫn là số lượng ván ghép lớn hơn nhiều so với các tiêu bản đã được nghiên cứu trước đây, lên đến 8 tấm ván, cho thấy mạn thuyền được nâng cao đáng kể. Bên cạnh đó, kỹ thuật giằng ngang và gông dọc để gia cố cấu trúc thuyền cũng là một điểm mới, với nhiều thanh ngang có chốt được sử dụng để vừa căng vừa gông các ván mạn, tạo thành các khoang vững chắc.

Một yếu tố độc đáo nữa là kết cấu "ghế tựa" ở hai đầu thuyền mà theo ông nói là tạo khối gỗ hình chữ L nằm nghiêng  giúp tăng chiều dài hữu dụng của thuyền ở phần mạn trên so với kích thước thân cây độc mộc ban đầu. Cấu trúc đặc biệt ở đầu thuyền với cột chống và thanh giằng ngang thể hiện sự tính toán kỹ lưỡng trong việc đảm bảo độ ổn định, chắc chắn của bửng “ghế tựa” hai đầu thuyền.

Ngoài ra, với bằng chứng về việc hai con thuyền được liên kết với nhau thông qua các thanh ngang và hệ thống lỗ chốt theo ông cũng là một phát hiện thú vị, mở ra những suy đoán về mục đích sử dụng của chúng. Những chi tiết này, cùng với các dấu vết còn lại trên thuyền như các khấc lõm để lắp ván và tình trạng vểnh lên của đuôi thuyền do mắc cạn, sẽ cung cấp những thông tin vô giá cho việc tái hiện và hiểu rõ hơn về kỹ thuật đóng thuyền cổ của người Việt.

TS Nguyễn Việt đưa ra khẳng định: “Dù tinh tế đến đâu thì giữa các khoảng ghép thuyền vẫn có khe rò rỉ nước, bởi tất cả mọi kết cấu trên thuyền với hàng trăm chốt đinh, cỡ nối mộng các mạn thuyền đều được làm bằng gỗ”.

Nhìn từ trên cao, thuyền có hình lá tre, căng ở giữa, thu hơi nhọn ở hai đầu theo hình khí động học.

TS Nguyễn Việt cho hay, việc phát hiện hai thuyền cổ này mang ý nghĩa quan trọng đối với việc nghiên cứu lịch sử về phương tiện giao thương đường thủy, trình độ đóng thuyền và nghề mộc của người Việt cổ. Ông gợi mở về sự tồn tại của “thuyền ghép đôi” trong lịch sử, một giải pháp cho những chiếc thuyền lòng hẹp dễ bị lật khi gặp sóng. Thậm chí, sử sách thời Lý ở nước ta cũng từng nhắc đến “thuyền hai lòng” (lưỡng phúc). Phát hiện này tạo cơ hội để các nhà khoa học nghiên cứu sâu hơn về hiện tượng độc đáo này, mở ra sự liên hệ thú vị với kiểu “thuyền hai thân” hiện vẫn phổ biến ở một số vùng đảo Đông Nam Á và châu Đại Dương.

ĐỨC TÂM - NGUYÊN KHÁNH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.