Về lịch sử, vốn văn hóa hình thành trong mối tương tác với con người tự nhiên. Và hiện tại, người ta hy vọng phát triển dựa trên nền tảng vốn văn hóa sẽ đưa con người quay lại gần gũi với tự nhiên hơn, hàn gắn lại những vết thương mà con người đã gây ra cho tự nhiên trong quá trình phát triển.

Lâu nay, chúng ta hay nói về việc phát huy nguồn lực văn hóa vào phát triển kinh tế. Trên thực tế, để làm được điều đó, cần phải xem văn hóa là một nguồn vốn: “Vốn văn hóa”. Và trong xu hướng nhân loại đang đẩy mạnh phát triển bền vững thì vốn văn hóa càng có vai trò quan trọng. Có 3 vấn đề cần thảo luận: Vốn văn hóa là gì? Vì sao phải khai thác vốn văn hóa trong quá trình phát triển? Và vốn văn hóa đưa lại những giá trị gì trong phát triển bền vững?

Khái niệm "vốn văn hóa" lần đầu tiên được nhà xã hội học nổi tiếng Pháp sử dụng là Pierre Bourdieu từ những năm 60 của thế kỷ trước. Có nhiều cách hiểu về vốn văn hóa, nhưng chúng ta có thể hiểu theo nghĩa rộng của nó rằng: Vốn văn hóa được hiểu là các nguồn lực vật thể và phi vật thể, biểu hiện cá nhân hoặc cộng đồng, có thể luân chuyển và tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các quá trình kinh tế để tạo ra lợi ích cho con người. Cách hiểu như vậy có nhiều giá trị trong nghiên cứu phát triển ở điều kiện đặc thù như Việt Nam. Còn đơn giản hơn, có thể hiểu vốn văn hóa là những nguồn lực do con người tạo ra, liên quan đến các hoạt động của con người và có khả năng luân chuyển trong nhiều quá trình kinh tế để tạo ra giá trị lợi ích cho con người. Như vậy, vốn văn hóa sẽ được phân biệt với vốn tự nhiên, vốn là các nguồn tài nguyên thiên nhiên hình thành ngoài ý thức chủ quan của con người. Thực tế, ở Việt Nam, người dân đã khai thác vốn văn hóa vào phát triển kinh tế ngày càng mạnh mẽ. Tiêu biểu trên một số lĩnh vực, như: Du lịch văn hóa, thủ công nghiệp, kinh tế dược liệu, kinh tế di sản...

 Lễ hội Hang Bua, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Ảnh: CAO ĐÔNG. 

Vì sao cần khai thác vốn văn hóa trong quá trình phát triển? Phát triển bền vững là vấn đề dành được sự quan tâm trên nhiều phương diện trong nửa thế kỷ qua. Nhưng gần như càng kêu gọi phát triển bền vững thì con người lại càng xa cách với tự nhiên, các nguồn tài nguyên càng bị khai thác một cách tận kiệt, nguy cơ tận diệt của con người càng trở nên lớn hơn khi đối diện với các vấn đề ô nhiễm môi trường, khủng hoảng tài nguyên, suy thoái văn hóa, xung đột xã hội. Nguồn lực tự nhiên dành cho quá trình phát triển ngày càng bị thu hẹp. Khi mà người ta không thể khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên được nữa thì khai thác các nguồn vốn văn hóa là điều thiết yếu. Về lịch sử, vốn văn hóa hình thành trong mối tương tác với con người tự nhiên. Và hiện tại, người ta hy vọng phát triển dựa trên nền tảng vốn văn hóa sẽ đưa con người quay lại gần gũi với tự nhiên hơn, hàn gắn những vết thương mà con người đã gây ra cho tự nhiên trong quá trình phát triển. Khai thác vốn văn hóa vào quá trình phát triển cũng là một cách tôn trọng sự đa dạng văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa truyền thống của các cộng đồng. Nói cách khác, khai thác vốn văn hóa là một con đường đa mục tiêu và cần thiết trong bối cảnh các nguồn lực tự nhiên đang cạn kiệt và các nền văn hóa đang bị mai một, thay đổi.

Khai thác vốn văn hóa mang lại những giá trị gì để phát triển bền vững? Trước hết, vốn văn hóa rất đa dạng, gắn với các cộng đồng và cá thể, biểu hiện theo nhiều sắc thái địa phương, tộc người khác nhau. Sự đa dạng của vốn văn hóa cho phép con người vận dụng vào phát triển kinh tế tùy vào sức sáng tạo của mình. Thứ hai, vốn văn hóa bảo đảm sự hài hòa hơn trong quá trình phát triển. Vốn văn hóa không dễ hay ít khi bị chiếm dụng thông qua sở hữu của một cá nhân nên việc vận dụng nó vào phát triển cũng được chia sẻ đồng đều hơn giữa các đối tượng khác nhau. Điều này khác hẳn với vốn tự nhiên, vốn dễ bị chiếm dụng qua sở hữu và luôn có sự phân chia không đồng đều. Thứ ba, vốn văn hóa dễ tái tạo hơn so với các nguồn vốn tự nhiên. Một nguồn tài nguyên thiên nhiên khi bị cạn kiệt, bị ô nhiễm hay bị mất đi sẽ cần một khoảng thời gian rất dài để tái tạo lại. Nhưng nguồn vốn văn hóa thì khác, nó có thể tái tạo lại trong một thời gian ngắn hơn và được con người thực hiện chủ động hơn. Cuối cùng, vốn văn hóa được tích lũy, thừa kế trong quá trình xã hội hóa, và không ngừng được vun đắp thêm nên càng khai thác phù hợp thì càng được mở rộng và nảy nở thêm, một đặc điểm khác với các loại vốn khác, nhất là vốn tự nhiên càng khai thác thì càng cạn kiệt. Những đặc tính trên là cơ sở để tin rằng trong bối cảnh hiện tại, vốn văn hóa có nhiều cơ hội để phát triển, để khẳng định vị thế của mình trong quá trình phát triển cũng như để góp phần vào phát triển bền vững.

BÙI HÀO