Tăng trưởng ấn tượng

Ở Việt Nam, khoảng 10 năm về trước, xuất bản điện tử kém phát triển do nhu cầu của công chúng còn thấp, vốn đầu tư cao, công nghệ chưa phát triển... Mọi việc chỉ xoay chiều khi có hàng loạt yếu tố thuận lợi cùng xuất hiện: Trí tuệ nhân tạo phát triển, việc tạo ra xuất bản phẩm điện tử dễ dàng hơn và chi phí rẻ hơn; nhu cầu tham gia và sử dụng các tiện ích từ công cuộc chuyển đổi số trong nhân dân tăng lên, nhất là sau khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Theo thống kê từ Cục Xuất bản, In và Phát hành (nay thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong năm 2024, cả nước đã xuất bản 51.443 đầu sách, số đầu xuất bản phẩm điện tử ước đạt 4.050 đầu sách (tăng 120,7% so với cùng kỳ năm 2023). Trong tổng số 597 triệu bản sách được phát hành, hơn 20 triệu là sách điện tử. Trong đó, sách nói với quy mô doanh thu thị trường đạt hơn 92 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2023; đạt hơn 2.184 đầu sách, tăng 8,61% so với năm 2023. Số lượt nghe sách nói trong năm 2024 đạt hơn 27,5 triệu lượt, tăng 19,7% so với năm 2023. 

Các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt Tủ sách điện tử Chủ tịch Hồ Chí Minh của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Ảnh: NGUYỄN CHẮT

Có được mức tăng trưởng ấn tượng này là sự nỗ lực của 28/57 nhà xuất bản hoạt động xuất bản điện tử; có thể kể đến vai trò tiên phong đi đầu của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh... Ngoài ra, nhiều công ty kinh doanh xuất bản điện tử như: WeWe, Fonos, Waka cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩm sách điện tử đa dạng.

Tính ưu việt của xuất bản điện tử, đặc biệt là sách nói, trong thời buổi nhịp sống gấp gáp là rõ ràng. Đặc biệt, xuất bản điện tử có lợi thế phát triển văn hóa đọc nhanh chóng, cho đối tượng không có nhiều thời gian cũng như điều kiện kinh tế. Theo ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh: Trong khuôn khổ Tuần lễ sách và chuyển đổi số năm 2024, người dân trên địa bàn đã có cơ hội tiếp cận hơn 3.000 tựa sách điện tử và sách nói. Nhiều đầu sách hiện nay được phổ biến rộng rãi và tích hợp mã QR, giúp độc giả dễ dàng đọc, tra cứu trực tuyến hoàn toàn miễn phí.

Các chuyên gia trong ngành xuất bản cho rằng, chuyển đổi số được xác định là một mục tiêu, một đặc điểm trong kỷ nguyên phát triển mới, xuất bản điện tử sẽ tiếp tục có mức tăng trưởng thần tốc. Tất nhiên, xuất bản điện tử không thể thay thế sách in truyền thống hoàn toàn, chỉ phù hợp với một số đối tượng nhất định.

Gỡ khó cho xuất bản điện tử

Tại các hội nghị, tọa đàm nhìn lại việc thực thi Luật Xuất bản năm 2012, chưa có những quy định chi tiết liên quan đến xuất bản điện tử, đó là: Thiếu các quy định về xử lý mối quan hệ giữa phát hành xuất bản phẩm điện tử và các hình thức hoạt động thư viện số, thư viện điện tử; thiếu quy định về hoạt động kinh doanh, phát hành xuất bản phẩm trên internet, sàn thương mại điện tử; chưa có quy định việc cấp phép đối với xuất bản tài liệu không kinh doanh trên môi trường điện tử... Đại diện một số đơn vị xuất bản cho rằng: Chính việc thiếu những quy định cụ thể như vậy khiến nhiều đơn vị không thực sự quan tâm đến việc đầu tư, phát triển xuất bản điện tử. Điều này dẫn đến chưa khai thác hết tiềm năng quy mô thị trường xuất bản điện tử. Việc sửa đổi Luật Xuất bản tới đây, trong đó tập trung vào nhiều quy định về xuất bản điện tử, chắc chắn sẽ gỡ bỏ các rào cản hiện nay.

Một vấn đề gây bức xúc bấy lâu nay của ngành xuất bản vẫn là tình trạng vi phạm bản quyền. Vi phạm bản quyền sách in đã dễ, với xuất bản phẩm điện tử lại càng dễ hơn. Ông Lê Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ WeWe (ứng dụng VoizFM) cho biết: “VoizFM đã đối mặt với vấn đề vi phạm bản quyền trên internet với mức độ tinh vi ngày càng cao. Có 3 hình thức vi phạm phổ biến ở lĩnh vực sách nói gồm: USB sách nói/link chia sẻ, kênh YouTube sách nói và cuối cùng là website”. Nếu như trên kênh YouTube, việc tháo gỡ nội dung vi phạm có thể tiến hành được (dù mất khá nhiều thời gian và công sức) thì ở hai hình thức còn lại rất khó để ngăn chặn, nhất là với một môi trường ẩn danh như trên internet, việc truy tìm kẻ vi phạm là rất khó.

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho rằng, ngành xuất bản có vai trò trung tâm trong quá trình phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam vì nhiều nội dung từ ngành xuất bản sẽ là gốc rễ cho các sản phẩm văn hóa khác. Tuy nhiên, để làm được điều này nhất thiết cần xây dựng cơ chế bảo vệ bản quyền. Chống vi phạm bản quyền phải cần giải pháp đồng bộ, có sự tham gia của toàn xã hội chứ không phải trách nhiệm riêng của cơ quan quản lý nhà nước. “Sắp tới, một trung tâm bảo vệ bản quyền của riêng ngành xuất bản thuộc Hội Xuất bản Việt Nam sẽ ra đời. Chúng tôi hy vọng đó là khởi đầu để việc bảo vệ bản quyền ngành xuất bản, trong đó có xuất bản điện tử có những khởi sắc”, ông Nguyễn Nguyên nhấn mạnh.

HÀM ĐAN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.