Một góc trưng bày hoa lan (Đà Lạt) tại triển lãm. Ảnh: T.Hoà

Từ ngày 9 đến 14-2-2007 (tức 22 đến 27 tháng Chạp), Liên hoan “Câu đối, Hoa và Rượu Tết” được Bộ Văn hóa-Thông tin phối hợp với Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Lâm Đồng, Tổng cục Du lịch Việt Nam và một số ban ngành khác tổ chức tại Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Vân Hồ, Hà Nội). Đây sẽ là ngày hội tôn vinh nét đặc trưng văn hóa trong ngày Tết cổ truyền dân tộc thông qua các hoạt động: Liên hoan câu đối lần thứ nhất; giới thiệu những loại rượu ngon của Việt Nam dưới góc độ văn hóa; những loại hoa xuân cùng nhiều chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân.

Tại ngày hội đậm chất văn hóa Tết Việt này, trong không gian Nhà cổ của Triển lãm, với cách bài trí Bàn thờ gia tiên truyền thống thể hiện sự tôn kính tổ tiên, tưởng nhớ cội nguồn sâu sắc của dân tộc gồm: bàn thờ, hoành phi câu đối, các vật phẩm thờ cúng... Một không gian thi-thư Hà Nội sẽ được mở với phong cách của thế kỷ 19, với đủ sập gụ, tủ sách Hán-Nôm, nghiên bút, tráp giấy, là nơi để các thầy đồ ngồi viết câu đối, bình thơ, cho chữ... Trưng bày 200 tác phẩm bút lửa giới thiệu lời hay, ý đẹp, những thuần phong mỹ tục của con người Việt Nam. Ở đó còn là sự gặp gỡ, giao lưu nét văn hóa của các nhà thư pháp nổi tiếng như Trịnh Tuấn, Dzũ Kha giới thiệu và tôn vinh hồn chữ Việt qua nghệ thuật viết chữ thư pháp hiện đại kết hợp giữa bút lông và bút lửa.

Khu trưng bày rượu Việt lần đầu tiên được tổ chức quy mô lớn, quy tụ các thương hiệu rượu Việt nổi tiếng từ dân gian như: rượu San Lùng, Bắc Hà (Lào Cai); Mẫu Sơn (Lạng Sơn); Đại Lâm (Bắc Ninh); Hồng Đào (Quảng Nam); Bó Nặm (Bắc Kạn)... đến các loại rượu-bia-nước ngọt của các doanh nghiệp như: vang Đà Lạt; Công ty rượu bia Sài Gòn… Trong “Đêm văn hóa Rượu” (9-2) thực khách sẽ được thưởng thức một không gian ấm cúng trong tiếng cồng chiêng với ché rượu cần Tây Nguyên, của những điệu xòe Thái, điệu hát si, hát lượn giao duyên của những chàng trai, cô gái Tây Bắc... cùng các món quà quê độc đáo của vùng Kinh Bắc như: giò chả Đình Bảng, nem thính gói lá sung... Ngoài ra còn có các cuộc nói chuyện về văn hóa rượu, các phương pháp chế biến rượu thủ công. Nhân dịp này, một “Hội đồng xét chọn Rượu Việt Nam” được thành lập theo quyết định của Bộ Văn hóa-Thông tin, để tuyển chọn ra các thương hiệu rượu ngon của Việt Nam ở 3 dòng rượu: rượu do các doanh nghiệp sản xuất; rượu của các làng nghề nhằm giúp cho người tiêu dùng tiếp cận với các thương hiệu rượu có độ an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chơi hoa và thưởng hoa vốn là thú chơi tao nhã, thể hiện sự lạc quan yêu cuộc sống của mọi tầng lớp. Vẻ đẹp thiên nhiên này sẽ ra mắt trong ngày hội bằng những đường hoa dài 300 mét quanh khu Triển lãm, hội hoa khoe sắc đến từ nhiều vùng trồng hoa khác nhau, đặc biệt là sự góp mặt của những loài hoa, cây cảnh độc đáo đến từ thành phố ngàn hoa-Đà Lạt. Xen kẽ dọc đường hoa du khách sẽ bắt gặp những nghệ nhân nặn tò he, những ông đồ già ngồi viết chữ, nhóm hát Xẩm, Chầu văn...

Kết hợp trong Liên hoan lần này là chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật quần chúng “Mừng Đảng, mừng Xuân”, với những bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, đất nước... Các đơn vị nghệ thuật đến từ những địa phương khác nhau sẽ tổ chức nghi thức mời rượu dân gian, đặc trưng của từng dân tộc như: mời rượu của dân tộc Thái, Mường (Hòa Bình); rượu Bắc Hà của dân tộc Mông (Lào Cai)…

VƯƠNG HÀ