Sự ồn ào của công luận chủ yếu đến từ phản ứng của những nhân vật được lấy làm nguyên mẫu trong phim. Và cũng từ đây, vấn đề muôn thuở của sáng tạo văn học-nghệ thuật lại tiếp tục được xới lên: Hư cấu!
Từ câu chuyện điện ảnh...
Trong những ồn ào xoay quanh bộ phim “Em và Trịnh”, không ít người, trong đó có những cây bút phê bình cho rằng, con số doanh thu 100 tỷ đồng không phản ánh thực chất giá trị tác phẩm mà nó là kết quả cộng hưởng của dư luận khán giả. Vì yêu mến nhạc sĩ tài hoa nên khi có phim về ông, rất nhiều khán giả sẵn sàng bỏ tiền mua vé đến rạp. Tiếp đó, như một phản ứng dây chuyền, sự khen chê của dư luận tiếp tục kích thích trí tò mò của nhiều khán giả khác. Số người mua vé vào rạp, vì thế có thời điểm tăng đột biến. Xét về mặt tạo hiệu ứng truyền thông, quảng bá và doanh thu, phim của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã thành công ngoài mong đợi. Còn chất lượng của tác phẩm thế nào, lại là một câu chuyện khác.
 |
Bộ phim “Em và Trịnh” gây nhiều tranh cãi khi ra mắt khán giả. Ảnh: THANH HUYỀN. |
Nhiều ý kiến phàn nàn về tạo hình và kỹ năng hóa thân của hai diễn viên chính thủ vai nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là Avin Lu (thời trẻ) và Trần Lực (tuổi trung niên) chưa lột tả đúng chất Trịnh Công Sơn. Bên cạnh đó là sự phản ứng của những người từng gần gũi, thân thiết với nhạc sĩ họ Trịnh về những chi tiết hư cấu trong phim. Truyền thông đã tốn khá nhiều giấy mực ghi nhận phản ánh đa chiều của các giới khán giả xung quanh vấn đề này, nhưng tựu trung, việc hư cấu của các nhà làm phim được cho là đã làm sai lệch khí chất, tính cách của nhân vật chính so với nguyên mẫu. “Em và Trịnh” chưa lột tả được chất lãng tử, rất mong manh, bay bổng, lãng mạn nhưng lại vô cùng sâu sắc, nhân văn, đầy tính triết luận, trĩu nặng tâm tư... trong âm nhạc và phong cách của Trịnh. Những câu chuyện, chi tiết hư cấu của các nhà làm phim đã khiến cho cốt truyện thêm rườm rà, ôm đồm nhiều thứ, thiếu sâu sắc. Nhân vật Trịnh trong phim, vì thế, trở nên yếu đuối, đa tình, và... lụy tình!
Cũng khá lâu rồi, công chúng của nghệ thuật thứ bảy mới có một tác phẩm lấy nhân vật nổi tiếng trong đời sống xã hội để làm phim. Đây chính là một thách thức trong hành trình sáng tạo. Nếu làm đúng như thật thì nó không còn là nghệ thuật. Nó chỉ là kiểu lấy ngôn ngữ điện ảnh minh họa cho tiểu sử nhân vật. Và nếu như vậy thì chỉ cần một bộ phim tài liệu là đủ. Ấy là chưa nói đến việc màn ảnh Việt đã từng có bộ phim “Em còn nhớ hay em đã quên” khá thành công về Trịnh Công Sơn, ra mắt khán giả những năm cuối thập niên 1990 với sự góp mặt của nam diễn viên nổi tiếng Lê Công Tuấn Anh. Ngoài ra, hình ảnh, cuộc đời và tác phẩm của Trịnh Công Sơn còn xuất hiện trong khá nhiều bộ phim khác, cả điện ảnh và phim truyền hình. Làm lại đề tài, nhân vật người khác đã làm, nếu không có lối đi riêng, cách tiếp cận riêng thì cầm chắc thất bại. Vì thế, hư cấu là thao tác nghệ thuật không thể thiếu. Vấn đề đặt ra là hư cấu đến đâu, hư cấu như thế nào để nhân vật bộc lộ cao nhất những tính cách điển hình, phim phải có sắc thái riêng, hấp dẫn khán giả. Hư cấu mà để cho các nguyên mẫu phản ứng vì những tình tiết phi thực tế, nhân vật chính trở nên bình dân hóa, thậm chí tầm thường hóa, thì dù tác phẩm có gây chú ý đến đâu cũng khó để nói là thành công.
... Đến đời sống văn học, nghệ thuật
Nhìn lại những tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình lấy nhân vật nổi tiếng làm chất liệu, đề tài sáng tạo thì thấy, sự tranh luận (thậm chí là tranh cãi) về hư cấu chưa bao giờ có hồi kết. Có những phim nhờ hư cấu mà giá trị nội dung, nghệ thuật được nâng tầm, được công chúng đón nhận. Điện ảnh cách mạng Việt Nam từng đưa nhiều nhân vật lấy nguyên mẫu là những chiến sĩ tình báo tài ba lên phim với rất nhiều chi tiết hư cấu, đã trở thành những tác phẩm kinh điển. Ngược lại, vì hư cấu mà không ít bộ phim bị hỏng, cho dù trước khi ra mắt, nó được quảng bá rất rầm rộ. Hư cấu trong sáng tạo nghệ thuật là sản phẩm từ trí tưởng tượng của văn nghệ sĩ. Tuy nhiên, cũng có khi chỉ vì một “lỗi chính tả”, hoặc do cẩu thả, hoặc do suy nghĩ chủ quan, đơn giản mà nó làm hỏng cả một tác phẩm. Câu chuyện về “Cậu Vàng” trong bộ phim cùng tên của đạo diễn Trần Vũ Thủy là một ví dụ. Chỉ vì đạo diễn đem chú chó Nhật lên phim thay vì một chú chó vàng thuần Việt nên ngay sau khi ra mắt, phim đã bị khán giả phản ứng.
Như vậy, cho dù là phóng tác từ một tác phẩm văn học, nhưng chỉ một chi tiết cẩu thả, nó lập tức trở thành con sâu nổi lềnh bềnh trong tô canh nhiều gia vị. Cuốn tiểu thuyết “Chim ưng và chàng đan sọt” của Bùi Việt Sỹ sau khi được trao giải Sách hay tại Giải thưởng Sách quốc gia năm 2018, đã lập tức gây ồn ào bởi những tình tiết hư cấu phản cảm. Sách của Bùi Việt Sỹ viết về những nhân vật lịch sử như Phạm Ngũ Lão, Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư... Viết về những bậc tiền nhân đã đi vào lịch sử dân tộc, trong đó có nhân vật đã “hóa Thánh” trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào, nhưng tác giả lại tưởng tượng ra những chi tiết quan hệ tình dục và thể hiện nó trên trang viết một cách trần trụi, dung tục thì quả rất khó chấp nhận.
Không có một công thức, khuôn mẫu nào cho tư duy sáng tạo, bởi mỗi tác giả là một phong cách. Để đưa người thật, việc thật trở thành nhân vật của văn chương, nghệ thuật, mỗi tác giả có một góc nhìn, cách tiếp cận riêng. Thời gian gần đây, sự xuất hiện của một số tiểu thuyết lịch sử viết về chân dung các vị vua, các anh hùng dân tộc, người nổi tiếng... được bạn đọc quan tâm cho thấy xu hướng sáng tạo này đang được nhiều văn nghệ sĩ lựa chọn. Nhà văn Phùng Văn Khai là một trong những tác giả có nhiều sách về các nhân vật lịch sử. Từ năm 2015 đến nay, anh đã xuất bản 6 cuốn tiểu thuyết về các nhân vật lịch sử, như: Phùng Hưng, Ngô Quyền, Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục, Đào Lang Vương... Theo Phùng Văn Khai, viết về nhân vật lịch sử là phải bám sát lịch sử, tôn trọng lịch sử, viết về nhân vật là để vun vén cho lịch sử dân tộc. Hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử là một trong những yêu cầu sống còn của tác phẩm. Nhưng hư cấu phải dựa trên nền tảng lịch sử, hư cấu trên một sự thật lịch sử, trên khoa học lịch sử chứ không thể hư cấu một cách tùy tiện.
Hư cấu là thuộc tính tất yếu của văn học-nghệ thuật. Không một tác giả nào nói không với hư cấu, nhưng cũng không có bất cứ quy định cơ học nào để xác định biên độ, giới hạn của hư cấu. Trí tưởng tượng của người sáng tạo, vì thế, không đơn thuần là một thao tác nghệ thuật, mà còn là một tư duy khoa học, cao hơn, đó là một tư tưởng nghệ thuật. Mục đích của hư cấu là nhằm nâng tầm tác phẩm chứ không phải và không thể là kiểu bịa chuyện, không có nói cho thành có. Tuy nhiên, đời sống văn học-nghệ thuật trong cơ chế thị trường cũng không loại trừ trường hợp tác giả thừa biết điều ấy nhưng vẫn chủ ý bịa chuyện, “giải thiêng” như một cách để tạo hiệu ứng ngược, gây chú ý cho tác phẩm của mình vì những mục đích riêng. Đây là điều cần phải lên án!
Hiện thực lịch sử và bản ngã nhân vật giống như nền móng và bản vẽ của ngôi nhà. Người thợ xây có thể thêm thắt chi tiết, tô vẽ, chỉnh sửa... tùy thích, nhưng không được làm thay đổi kết cấu, thiết kế. Hư cấu một cách tùy tiện chẳng khác nào cuốc mái ngói trồng rau, lợi bất cập hại.
PHAN TÙNG SƠN