Với chủ đề “Trường Sơn-Tây Nguyên: Đoàn kết, bản sắc và phát triển”, liên hoan đã tạo “sân chơi” để các địa phương trình diễn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, cũng như trao đổi, học hỏi những kinh nghiệm quý trong việc gắn kết hài hòa giữa bảo tồn văn hóa truyền thống với phát triển du lịch.
Vang lời sử thi, hát văn, trống sa dăm... giữa đại ngàn
Giữa không gian thơ mộng của vùng đất Măng Đen phía đông bắc Tây Nguyên, các màn trình diễn rước biểu tượng vật thiêng; các tích trò trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, lễ hội; các loại hình dân ca, dân vũ, trình diễn trang phục dân tộc; nhạc cụ dân tộc truyền thống cùng các hoạt động thể thao, sinh hoạt văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, Khmer, Dao, Thái, Tày, Hoa, Chăm... tạo nên bức tranh đa sắc màu các dân tộc Việt Nam.
Trình diễn tiết mục hát dặm Quyển Sơn, một loại hình ca múa nhạc dân gian độc đáo được người dân Hà Nam gìn giữ hơn 1.000 năm qua, diễn viên Hoàng Thị Bích Ngọc nhận được những tràng vỗ tay tán thưởng của những người có mặt. Bích Ngọc cho biết, hơn hai năm qua, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động biểu diễn phải dừng, hủy nhiều, nên khi có kế hoạch tham gia liên hoan diễn xướng lần này, nghệ sĩ, diễn viên của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hà Nam rất háo hức.
 |
Tiết mục diễn xướng dân ca, dân vũ, dân nhạc của các đoàn nghệ thuật. |
Kế hoạch triển khai dàn dựng, tập luyện các tiết mục được đoàn chuẩn bị rất kỹ càng. Năm tiết mục biểu diễn dự thi cùng phần tái hiện lễ hội Lảnh Giang-một trong những lễ hội độc đáo của vùng châu thổ sông Hồng của đoàn Hà Nam-đã đưa khán giả đến với không gian văn hóa mang đậm màu sắc tín ngưỡng thờ Mẫu linh thiêng cùng các bài hát văn đặc sắc của người Việt.
Bốn ngày diễn ra liên hoan là thời gian không nhiều, nhưng đầy ắp các hoạt động với khoảng 100 tiết mục diễn xướng, 19 bộ trang phục dân tộc và những mâm cỗ, món ăn cổ truyền thông qua tài năng khéo léo của các nghệ nhân trình diễn, sắp đặt bằng cả tâm huyết, cùng vận dụng tri thức dân gian để gìn giữ bản sắc của cộng đồng dân tộc mình.
Không gian diễn xướng mở ra là ánh lửa bập bùng ẩn hiện quanh bếp nhà sàn đâu đó của vùng núi Bắc Trung Bộ qua các huyện: Bá Thước (Thanh Hóa), Kỳ Sơn (Nghệ An), ĐaKrông (Quảng Trị), A Lưới (Thừa Thiên Huế); đến những mái ngói thâm nâu nơi làng quê châu thổ sông Hồng chứa đựng bao trầm tích dân gian.
Các tiết mục diễn xướng tái hiện nghi lễ mừng cơm mới, lễ cấp sắc cùng tập quán phiên chợ, lễ xuống đồng, ẩm thực, trình diễn trang phục được gửi gắm qua những câu tục ngữ, hát ru, hát đố... kèm theo những câu chuyện cổ tích huyền thoại; các nhạc cụ: Sáo, khèn, đàn tính, tinh ninh, k’long pút, cồng chiêng, trống sa dăm... của cộng đồng các dân tộc Dao, Tày, Mông, Thái, Pa Cô, Vân Kiều, Ba Na Rơ Ngao, Kơ Ho, Ê Đê, Cor, Khmer... trình diễn hết sức lôi cuốn.
Đánh giá về liên hoan, ông Nguyễn Công Trung, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Phó trưởng ban tổ chức cho biết: "Vượt qua những khó khăn trong suốt thời gian dài do dịch Covid-19, sự hiện diện của 19 đoàn với các tiết mục dân ca, dân vũ tại liên hoan không chỉ thể hiện trách nhiệm công dân của gần 1.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên mà còn nói lên tình yêu quê hương xứ sở, tâm huyết bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc".
 |
Các nghệ nhân tỉnh Đồng Nai trình bày mâm cỗ mừng lúa mới của dân tộc Chơ Ro. |
Khai thác tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch
Liên hoan được tổ chức với mục đích bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc khu vực Trường Sơn-Tây Nguyên và đại diện một số dân tộc anh em trên toàn quốc gắn với phát triển du lịch. Thông qua sự kiện này góp phần khẳng định niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, đơn vị phối hợp tổ chức liên hoan: Qua những chương trình diễn xướng của các đoàn, thấy rõ sự phong phú, độc đáo của các loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Kon Tum học hỏi được những cách làm, tư duy đổi mới trong việc bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống gắn kết với chiến lược phát triển du lịch của địa phương.
Kon Tum là vùng đất có lịch sử lâu đời, có bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của nhiều dân tộc cùng chung sống. Đó là tài nguyên văn hóa vật thể với 26 di tích lịch sử cách mạng, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được các cấp xếp hạng; là tài nguyên 200 di sản văn hóa phi vật thể đang còn duy trì trong các thôn, làng trên địa bàn tỉnh.
 |
Các nghệ nhân dân tộc Thái huyện Bá Thước (Thanh Hóa) giới thiệu các món ẩm thực đặc trưng của du lịch sinh thái Pù Luông. |
Đặc biệt, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa quý báu của đồng bào sinh sống ở Tây Nguyên nói chung và của đồng bào các dân tộc Kon Tum nói riêng, thu hút đông đảo du khách. Hiện nay, ở nhiều thôn, làng, bà con đã biết phát huy tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng, gắn phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.
Bà con các làng như: Kon Ktu (xã Đăkrơwa, TP Kon Tum), Kon Pring (xã Đăk Long, huyện Kon Plông), Đăk Răng (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi), Kon Brăp Du (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy)... đã thành lập các đội cồng chiêng, múa xoang biểu diễn phục vụ khách tham quan, trực tiếp dệt thổ cẩm tại nhà rông để du khách trải nghiệm. Bà con còn biết gìn giữ, phát triển các dịch vụ du lịch cộng đồng, sản xuất các mặt hàng lưu niệm, hàng đặc sản mang thương hiệu Kon Tum để níu chân du khách. Đây cũng chính là một trong những mô hình được các đoàn tham gia liên hoan tới tham quan, tìm hiểu.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Tham gia liên hoan lần này, tỉnh Thanh Hóa chọn đoàn nghệ nhân, diễn viên đồng bào Thái của huyện Bá Thước-nơi có khu du lịch sinh thái Pù Luông, vài năm trở lại đây nổi lên như một gương mặt mới đầy triển vọng trên bản đồ du lịch sinh thái-cộng đồng Việt Nam.
Do đó, liên hoan là cơ hội để các nghệ nhân, diễn viên học hỏi kinh nghiệm từ cách giữ gìn bản sắc văn hóa của các tỉnh bạn để khi trở về địa phương phát huy những giá trị độc đáo của văn hóa gắn kết với phát triển du lịch cộng đồng, tạo sức hấp dẫn và khác biệt cho du khách".
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (thuộc Liên hợp quốc), ngày nay, hơn 80% khách đi du lịch nhằm mục đích hưởng thụ các giá trị văn hóa độc đáo và khác biệt với nền văn hóa dân tộc họ. Bởi vậy, với nguồn tài nguyên văn hóa giàu bản sắc, đa dạng, quý giá, sống động của khắp các địa phương trên cả nước, nếu được khai thác tốt, cùng sự ấm áp, thân thiện của cộng đồng các dân tộc sẽ luôn có sức mời gọi du khách gần xa.
Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ - THU HÀ