Ra đời từ khoảng thế kỷ XVI, tại một làng nhỏ ven sông Đuống, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, qua bao thăng trầm của thời gian, tranh Đông Hồ trở thành một trong những sản phẩm văn hóa tiêu biểu của dân tộc sớm được quảng bá ra thế giới.
Sản phẩm văn hóa đặc sắc của dân tộc
Nội dung trong tranh dân gian Đông Hồ phản ánh sâu sắc, toàn diện đời sống tinh thần, vật chất của con người và xã hội. Những bức tranh dân gian Đông Hồ khắc họa tài tình ước mơ ngàn đời của người lao động về một gia đình ấm no, thuận hòa, hạnh phúc, một xã hội công bằng, tốt đẹp.
Theo TS Trần Đình Luyện, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bắc Ninh: Tranh dân gian Đông Hồ là một sản phẩm của xã hội nông nghiệp cổ truyền, một dòng tranh bình dị tự nhiên, gắn liền với phong tục, tập quán, sinh hoạt, nếp nghĩ và phù hợp với tâm lý, nhu cầu thị hiếu thẩm mỹ của người nông dân Việt Nam xưa: Vừa dung dị, gần gũi, vừa sâu sắc, triết lý, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, đến nay đã trở thành một di sản văn hóa độc đáo của dân tộc. Với những nội dung phong phú, đa dạng, tranh dân gian Đông Hồ không chỉ là di sản vô cùng quý báu trong kho tàng nghệ thuật dân tộc, mà đã có một vị trí quan trọng trong lịch sử mỹ thuật thế giới.
    |
 |
Tranh dân gian Đông Hồ "Bịt mắt bắt dê". |
GS, TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia khẳng định: Qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, tranh dân gian Đông Hồ trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đông đảo các tầng lớp nhân dân Việt Nam, đặc biệt trong dịp đón xuân mới hàng năm và các thực hành tín ngưỡng.
Tranh dân gian, đặc biệt là tranh Đông Hồ luôn là nguồn cảm hứng chủ đạo trong các mẫu trang phục áo dài của nhà thiết kế Vũ Lan Anh. Lấy cảm hứng từ dòng tranh dân gian Đông Hồ “đám cưới chuột”, nhà thiết kế Vũ Lan Anh đã tạo điểm nhấn đặc sắc trong bộ sưu tập “Nhật Vượng Niên Hoa” ra mắt khán giả vào đầu năm 2020, đã để lại ấn tượng sâu sắc với người xem.
    |
 |
Nhà thiết kế Vũ Lan Anh trong trang phục áo dài khắc họa hình ảnh "Đám cưới chuột". |
Nhà thiết kế Vũ Lan Anh cho biết: Để khắc họa hình ảnh “đám cưới chuột” lên trang phục áo dài, tôi đã nhiêu lần đến làng tranh dân gian Đông Hồ để tìm hiểu cách thể hiện dòng tranh này của các nghệ nhân. Qua đó, tôi nghiên cứu rất kỹ để hình ảnh “đám cưới chuột” khi được in trên áo dài vừa tôn vinh được nét đẹp của dòng tranh dân gian vừa lột tả được sự mềm mại của người phụ nữ.
Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp
Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Ảnh, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, việc đề nghị UNESCO đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào hạng mục di sản cần được bảo vệ khẩn cấp được nhiều người kỳ vọng sẽ tạo thành “cú hích” để hồi sinh dòng tranh dân gian đặc sắc này, dần khôi phục lại một làng tranh dân gian truyền thống nổi tiếng. Bởi đến thời điểm hiện tại, dòng tranh Đông Hồ đang phải đối mặt với nguy cơ mai một trên chính mảnh đất Bắc Ninh.
Theo các tài liệu cũ, nghề làm tranh dân gian đã được hình thành ở Đông Hồ vào thế kỷ XVI, đến năm 1945, có tới 17 dòng họ còn theo đuổi nghề làm tranh truyền thống, với vô số xưởng làm tranh trong làng. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, làng Đông Hồ chỉ còn 2 gia đình thật sự giữ được nghề là nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Sam (nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam đã mất năm 2017).
    |
 |
Bộ ván khắc tranh Đông Hồ của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế. |
Về phía các nghệ nhân làm tranh dân gian Đông Hồ, tuy số nghệ nhân gắn bó lâu dài với nghề nay chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng họ vẫn miệt mài, cần mẫn, tích cực tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu tranh dân gian Ðông Hồ. Từ những năm 90, khi người dân làng tranh bán hết bản khắc gỗ để mưu sinh, hoặc để mất mát, thất lạc, thì nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã mua lại. Cho đến nay, ông vẫn còn lưu giữ được gần 100 bản khắc cổ và phục chế được hàng trăm bản khắc khác. Nghệ nhân này đã tìm nhiều hướng để phát triển dòng tranh truyền thống, gia đình ông vẫn mở rộng xưởng, xây dựng không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm.
Theo TS Trần Đình Luyện, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bắc Ninh, để tranh dân gian Đông Hồ phát triển, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ mai một của di sản để nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn và cộng đồng. Bên cạnh đó, cần tăng cường phổ biến kiến thức, trang bị hiểu biết về giá trị, ý nghĩa của tranh dân gian Đông Hồ cho công chúng, nhất là cho thế hệ trẻ để họ biết quý trọng di sản của cha ông để lại, trên cơ sở đó có những hành động thiết thực tham gia vào công cuộc bảo tồn và phát huy.
Ngoài ra, theo TS Trần Đình Luyện, chính quyền địa phương cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ về pháp lý và tài chính để kịp thời tiếp sức cho di sản. Hỗ trợ, khuyến khích hai dòng họ đang làm nghề mở rộng cơ sở sản xuất…; mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề là yếu tố quyết định, giải pháp mang tính sống còn đối với việc duy trì nghề tranh dân gian Đông Hồ hiện nay.
Ông Nguyễn Văn An (Bảo tàng Bắc Ninh) cho rằng: Cần phải tiếp tục thực hiện các khóa đào tạo cho học sinh, sinh viên trẻ và con cháu trong, ngoài làng Đông Hồ về kỹ năng làm tranh Đông Hồ tại các gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam và Nguyễn Đăng Chế. Thực hiện triển khai và hoàn thiện các công đoạn của ý tưởng mở tour du lịch nối kết làng Đông Hồ với các địa danh.
TS Nguyễn Văn Đáp, Trưởng phòng quản lý di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh) kiến nghị: Phải đẩy mạnh việc tôn vinh, ghi nhận công lao của các nghệ nhân. Nghệ nhân là người nắm giữ những kỹ thuật truyền thống và linh hồn của làng nghề. Ngoài các nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian, địa phương cần tạo điều kiện làm thủ tục để Hội văn nghệ dân gian tiếp tục trao tặng danh hiệu cho các nghệ nhân hoặc có các hình thức vinh danh tương xứng. Việc vinh danh hoặc ghi nhận công lao sẽ tạo niềm vinh dự, tự hào cho gia đình, dòng họ, củng cố niềm tin cho các nghệ nhân trong cơ chế thị trường; nâng cao uy tín, vị trí của họ trong cộng đồng để họ vững bước trên con đường giữ gìn và bảo vệ di sản. Ngoài ra, tổ chức xét định kỳ và có các hình thức khuyến khích để trao tặng những người thợ giỏi, cá nhân có sáng kiến đóng góp cho nghề truyền thống đồng thời có những khoản trợ cấp nhất định để động viên họ.
Tranh Đông Hồ xứng đáng được công nhận và bảo tồn bởi giá trị nghệ thuật cũng như giá trị truyền thống. Hy vọng với những nỗ lực chung sức đồng lòng của các cấp, ngành, nghệ nhân và người dân địa phương, một ngày không xa, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ sẽ trở thành di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản đồng ý gửi hồ sơ quốc gia đệ trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) xem xét đưa "Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ" vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
|
Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN