Từ đó, bà ở cùng dân làng và khuyên dạy dân làm điều phải, ăn ở thuận hòa, “nam đi học làm ruộng, nữ tầm tang canh cửi”. Trong một cuộc lễ, thấy người dân giết trâu bò để cúng cầu thần linh rồi sau đó ăn mừng, bà nói trong đau xót: "Hỡi ôi! Sao nhân dân ta lại đối xử tàn nhẫn với trâu, bò như vậy? Trâu, bò cày ruộng cho ta để dân làng ta được no đủ. Suy ra "quốc phú dân cường" cũng là do có công sức của trâu, bò cả. Tại sao lại đem con vật có công ấy xả thân và ăn thịt nó như vậy?”. Mọi người nghe bà nói thì kinh sợ, bèn thay cỗ bằng nải quả dâng bà trước, sau đó mới dâng đĩa thịt lợn nhỏ cùng bày với mâm cỗ chay.
Một hôm, nhằm ngày 25 tháng Chạp, bà đang ngự ở hành cung, dân làng đứng chầu. Bỗng con sông nhỏ phía ngoài nổi sóng ầm ầm, cá, ba ba bơi nhảy khác thường. Từ chiếc thuyền rồng, một vị tướng tay cầm cờ vàng đến tâu với bà: "Phụng mệnh Đông Hải Chí Thánh rước bà về Thủy cung". Tự nhiên gió bão dữ dội. Bà liền bước xuống thuyền và hóa ngay. Lát sau, gió yên sóng lặng, chỉ còn khăn và áo của bà để lại. Từ đấy, trải qua các đời Đinh, Lý, Trần, Lê mở cõi, dựng nghiệp, bà đều “hiển linh giúp nước, cứu dân”, xứng danh thần “sinh vị dân, tử vị quốc”. Khi Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo khởi trận Bạch Đằng Giang (thế kỷ thứ XIII), biết Thành hoàng làng Vạn Bảo thuộc dòng Thủy cung, đã sai người đến xin yểm trợ giúp sức. Sau đại thắng quân Nguyên, triều Trần đã sai sứ về Vạn Bảo tạ ơn. Vua Trần Nhân Tông phong mỹ tự cho Thành hoàng làng là: "Linh ứng-Phù trấn-Cứu dân". Bà đã được các triều vua ban 11 sắc phong với tước hiệu “Quốc Vương Thiên Tử-Nga Hoàng Đại Vương”.
Rộn ràng hội làng Vạn Phúc.
Nhân dân Vạn Phúc chăm lo tôn tạo quần thể di tích nơi thờ tự, tỏ lòng thành kính ân đức Thành hoàng làng-khởi tổ nghề dệt lụa và các vị thần linh đã có công gây dựng quê hương. 5 năm một lần, người dân Vạn Phúc đã mở đại lễ hội, tưởng nhớ Thành hoàng làng. Các năm lẻ tiến hành lễ hội giữ lề, qua đó cũng hoàn thiện việc tổ chức để lễ hội ngày càng tốt hơn, xứng với ân đức của Thành hoàng.
Đầu xuân này, người dân Vạn Phúc đã tổ chức lễ hội tưng bừng với nhiều nghi lễ truyền thống. Mỗi tổ dân phố thành một đoàn tới mấy trăm người, gồm các khối trống, cờ, đội múa sư tử, đội dẫn long đình, bát hương, lễ vật; đại biểu các tầng lớp nhân dân. Khi từng đoàn tới cửa đình, tổ dân phố đăng cai trân trọng nghênh tiếp, có múa sênh tiền và rộn ràng khúc nhạc “lưu thủy hành vân” giữa những vật biểu tượng uy linh… Từng đoàn nghiêm cẩn vào dâng lễ. Tất thảy thể hiện rõ tính điển hình của một sắc thái tâm linh độc đáo. Đặc biệt về trang phục, xiêm y đa sắc, hầu hết đều được may cắt từ sản phẩm lụa Vạn Phúc, tạo nên sắc vẻ rực rỡ mà khiêm nhường, quý phái.
Phần hội có tổ chức mừng thọ các cụ cao niên, biểu diễn văn nghệ tại trung tâm phường, thi đấu giao hữu thể thao, cờ tướng, cầu lông, bóng bàn, bóng đá, chọi gà, ném vòng cổ chai, đập niêu đất...
Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG