Cách trung tâm Hà Nội hơn 10km, làng nghề Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) từ xưa đã nổi tiếng bởi gốm, sứ của làng được sử dụng trong hoàng cung, là sản vật để cống nạp cho các quốc gia lớn. Giờ đây, làng nghề dù đã có nhiều đổi thay, các công đoạn sản xuất từ thủ công đã chuyển thành máy móc, lò nung truyền thống đã chuyển sang lò ga. Tuy nhiên, người dân Bát Tràng vẫn gìn giữ những di sản mà cha ông để lại. Bước vào đầu làng, người ta đã gặp những gian hàng bán đủ loại sản phẩm truyền thống. Qua hết dãy cửa hàng đó là chợ, nơi quy tụ vô số các sản phẩm được làm từ gốm. Đi sâu hơn là sự xuất hiện của những biển, bảng giới thiệu dịch vụ vuốt, nặn, tạo hình, vẽ các sản phẩm gốm. Hơn một nửa số gia đình trong làng có lò gốm và phần lớn trong số đó đều có một không gian nho nhỏ làm sân chơi cho khách. Ý tưởng ban đầu xuất hiện khi những vị khách tham quan các xưởng nghề muốn được tự tay tạo ra những sản phẩm riêng, sau đó nhanh chóng phát triển thành dịch vụ thu hút khách, chủ yếu là giới trẻ. Từ đó, nhiều nhà ăn nên làm ra nhờ dịch vụ này, thậm chí có gia đình đã gác lại việc sản xuất, phân phối gốm.
Du khách tự tay làm ra các sản phẩm gốm.
Khách vào chơi sẽ được chủ nhà phát cho một cục đất cao lanh to bằng nắm tay và hướng dẫn tỉ mỉ cách tạo hình dáng sản phẩm trên bàn xoay. Quan trọng là phải đặt đất vào đúng vị trí trung tâm của bàn. Thông thường, khách chỉ làm những món đơn giản nhất là bát, ly, chén, lọ cắm hoa… một tay xoay bàn thật mạnh, một tay vuốt tạo hình, vừa phải chú ý vuốt cho cân, đều lực, lại vừa phải nhấp tay chút nước song không được quá ướt kẻo đất sẽ bị nhão. Tuy không mất nhiều thời gian để tạo hình chiếc bát hay chiếc ly, nhưng để làm nên một sản phẩm có hình dáng đặc biệt một chút lại không hề dễ. Anh Sơn, chủ một địa điểm kinh doanh dịch vụ này cho biết, anh mất khoảng 4 năm mới có thể thành thạo kỹ năng vuốt, nặn gốm để hướng dẫn cho khách. Những vật dụng tạo ra chỉ để trưng bày và giải trí, còn các sản phẩm tiêu dùng hằng ngày đều phải do thợ có tay nghề khoảng 15-20 năm trở lên tạo ra. Ngoài việc hướng dẫn tạo hình, anh cũng là người hoàn thiện các sản phẩm trước khi mang đi sấy. Sau đó du khách chỉ phải vẽ trang trí rồi sơn bóng theo ý thích hoặc thêm tiền để cửa hàng đưa vào lò nung, tráng men, với mức phí khoảng vài chục nghìn đồng. Đồ gốm sau khi tráng men sẽ bền, bóng và đẹp hơn.
Đến “chơi” gốm, có người chôn chân ở xưởng cả ngày, quyết mang về những sản phẩm ưng ý; có người vừa ngồi chừng một giờ đồng hồ đã đứng lên. Nhưng ai cũng tỏ ra rất thích thú với dịch vụ độc đáo mà những người dân thân thiện nơi đây tạo nên. Chính điều này đã góp phần biến làng gốm Bát Tràng thành địa điểm du lịch thú vị.
Bài và ảnh: HIẾU LÊ