Theo đó, triển lãm “ĐẤT” | “EARTH” tập hợp 71 tác phẩm mới nhất của họa sĩ Lý Trực Sơn, hầu hết được thực hiện trong 3 năm, từ cuối 2022 đến 2024, đặc biệt trong đó có đến 16 bức tranh khổ lớn với kích thước 4,2mx2,1m. Sau những thành công trên chất liệu sơn mài và giấy dó, triển lãm lần này là một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Lý Trực Sơn, đúc kết thành quả 10 năm lao động nghệ thuật miệt mài để tìm kiếm một chất liệu ngôn ngữ mới.

Họa sĩ chia sẻ về văn hóa của người dân đồng bằng sông Hồng.

Các bức tranh trong triển lãm được sử dụng bằng tất cả những nguyên liệu như đất, sỏi, đá… đặc biệt xuất sắc. Ông cảm giác như sau bao năm lăn lộn, mâu thuẫn thì đã được quay trở về là chính mình với những gì thân thuộc nhất, logic nghệ thuật ấy được thể hiện ngay trên những vật liệu có tính cổ xưa nhất của các nền văn hóa. Để vẽ ra được những bức tranh thể hiện được hồn của những vật liệu được sử dụng thì phải tìm đến thiên nhiên. Ông chia sẻ rằng nếu ta muốn tự do, đi tìm cái mới thì phải mở rộng không gian vẽ, mở rộng không gian phát triển nghệ thuật của mình ra.

Họa sĩ Lý Trực Sơn chia sẻ về quá trình chuẩn bị vật liệu để vẽ. 

Triển lãm “ĐẤT” | “EARTH” là kết quả sau hơn 10 năm nỗ lực với nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng của ông. Cuối buổi trò chuyện, họa sĩ cũng bày tỏ rằng “Cho đến ngày hôm nay, tôi mới tìm được một chất liệu tôi yêu thích nhất”.

Họa sĩ Lý Trực Sơn sinh năm 1949 tại Thừa Thiên Huế, Việt Nam trong một gia đình trí thức nền nếp và gắn bó với cách mạng. Ông từng giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam sau khi tốt nghiệp tại đây vào năm 1979. Trong cuộc đời bôn ba trôi nổi sôi động của mình ông từng đi bộ đội, du học tại Pháp (theo học bổng của chính phủ Pháp tại trường École Nationale Supérieure des Beaux-arts, Paris) và sinh sống sáng tác nhiều năm tại Châu Âu (1989 – 1998).

Lý Trực Sơn sáng tác trên nhiều chất liệu bao gồm sơn mài, giấy dó, sơn dầu và chất liệu tổng hợp. Các sáng tác của ông song hành cùng những biến đổi chính trị xã hội thời cuộc và những chuyến đi. Ông đồng sáng lập nhóm Sơn ta và là một thành viên tích cực của nhóm (2013-2018). Mục tiêu của nhóm Sơn ta là tìm tòi, phát triển ngôn ngữ riêng cho sơn mài thành một ngôn ngữ tạo hình độc đáo tiếp nối Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Một số triển lãm nổi bật của ông bao gồm: Chốn này (2009), Không vô can và Ballad Biển Đông (2010), Biennale nghệ thuật quốc tế Beijing lần thứ 5, Trung Quốc (2012), Tố nữ Dân ca (2015), Đất và Dó (2017). Các tác phẩm của ông nằm trong nhiều bộ sưu tập cả trong và ngoài nước như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Prague (National Gallery Prague) và một số bộ sưu tập tư nhân.

 

Tin, ảnh: MINH HẰNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.