“Từ chân dung đến chân dung-những người đàn bà tôi vẽ” giới thiệu 50 bức tranh về chân dung 32 phụ nữ được họa sĩ, nghệ sĩ ưu tú Chu Lượng thực hiện trong hai năm. Chia sẻ với báo chí, họa sĩ Chu Lượng bày tỏ: “Vẽ về chân dung, đặc biệt là đề tài phụ nữ bao giờ cũng hấp dẫn giới nghệ thuật. Tôi là người tay ngang khi gắn bó nhiều năm với nghệ thuật múa rối nước và muốn chạm thử đến đề tài này một lần xem sao. Khai thác đề tài phụ nữ không chỉ là giản dị mà còn là ẩn số, kể cả những họa sĩ lớn nhất thế giới cũng chưa thể giải mã được. Từ đam mê vẽ gương mặt con rối, gương mặt bạn bè sau triển lãm “Chu Lượng và những người bạn” vào năm 2016, tôi có ý tưởng vẽ về chân dung phụ nữ nhưng trong hai năm dịch Covid-19 mới có thời gian để thực hiện”.

leftcenterrightdel
 Họa sĩ, nghệ sĩ ưu tú Chu Lượng (giữa) chia sẻ với báo chí. 

Theo họa sĩ, nghệ sĩ ưu tú Chu Lượng, ban đầu ông chỉ dám vẽ về những người quen biết. Sau khi đăng một số bức chân dung lên Facebook, nhiều người đã chủ động tìm đến họa sĩ để bày tỏ được làm nhân vật trong tranh của ông. “Khi tôi vẽ tôi luôn cân nhắc, tính toán rất kỹ. Mỗi nhân vật tôi vẽ hai bức tranh, một bức cho nhân vật và một bức cho tôi. Bởi nếu ta vẽ chiều nhân vật thì lại mất đi tính nghệ thuật. Mới đầu tôi vẽ bằng sự đam mê, bằng cảm thụ của nghệ thuật. Người họa sĩ phải sống với nhân vật đó”, họa sĩ, nghệ sĩ ưu tú Chu Lượng cho biết thêm.

Họa sĩ, nghệ sĩ ưu tú Chu Lượng lựa chọn nhân vật rất kỹ trước khi vẽ bởi theo ông nhân vật phải thực sự hiểu và cảm thụ được nghệ thuật. Họa sĩ, nghệ sĩ ưu tú Chu Lượng bày tỏ: “Tôi vẽ người phụ nữ trên tình thần của nghệ thuật múa rối nước, vẽ họ trong sáng nhất, đẹp đẽ nhất, hồn nhiên nhất, khi vẽ rối nước cũng như vậy. Người phụ nữ phải lo toan rất nhiều việc, biết bao nhiêu mối quan hệ nên làm toát lên vẻ đẹp nội tâm của họ thực sự khó. Tôi không vẽ hình hài bên ngoài mà vẽ nội tâm, mong muốn, khát vọng của nhân vật”.

leftcenterrightdel
 Bìa cuốn sách. 

Đánh giá về những tác phẩm chân dung của họa sĩ, nghệ sĩ ưu tú Chu Lượng, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam viết: “Các họa sĩ ai mà chẳng vẽ về chân dung, ít nhất về chân dung của chính mình. Nhưng khi Chu Lượng vẽ chân dung thì tôi nhận ra một tinh thần khác. Việc Chu Lượng chọn đề tài vẽ về những người phụ nữ, đây là một thách thức. Người phụ nữ nào muốn Chu Lượng vẽ đều mong ước nhan sắc của họ vĩnh hằng trên đường nét và màu sắc của Chu Lượng. Chu Lượng như thấu hiểu điều đó. Chu Lượng không bỏ sót bất cứ điều gì làm nên vẻ đẹp nhan sắc họ. Nhưng trong sâu thẳm, Chu Lượng dày công đi tìm một vẻ đẹp khác của họ-vẻ đẹp người”.

Trong khi đó, nhà thơ Lương Tử Đức đánh giá Chu Lượng là hiệp sĩ của cái đẹp: “Chu Lượng đã vẽ các “tiên nữ” bằng tinh thần hiệp sĩ. Ông chiến đấu với thời gian, với khó khăn nhọc nhằn của cuộc sống để ngăn lại, để chặn lại sự phôi pha nhan sắc, hao mòn ước mơ của những người đàn bà ở thế gian này”.

Bên cạnh ra mắt sách tranh “Từ chân dung đến chân dung-những người đàn bà tôi vẽ”, họa sĩ, nghệ sĩ ưu tú Chu Lượng cũng sẽ tổ chức triển lãm với chủ đề cùng tên từ ngày 17 đến 24-3, tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

leftcenterrightdel
 Tác phẩm của họa sĩ Chu Lượng. 
leftcenterrightdel
 Tranh chân dung của họa sĩ Chu Lượng. 

Tin, ảnh: HỮU TRƯỞNG