Trước đây, hoa lan huệ đỏ thường tự sinh tự dưỡng ở làng quê Việt Nam. Hoa thường không được chú ý vì chỉ có màu đỏ và chỉ nở vào tháng 4 dương lịch hằng năm. Vài năm trở lại đây, lan huệ ngày càng được yêu thích vì hoa được lai tạo, có nhiều màu sắc bắt mắt và đa dạng hơn.

Từ năm 2010, PGS. TS Phạm Thị Minh Phượng cùng với các cộng sự nghiên cứu về cây hoa lan huệ Việt Nam. Chị cho biết: Lan huệ hay còn gọi là cây hoa huệ tứ diện, cây hoa huệ đất là loại hoa thuộc họ thủy tiên. Ngày nay, những nhà nghiên cứu lai tạo giống hoa từ Ba Lan, Nhật Bản, Bỉ,... với hoa cổ truyền của Việt Nam để đưa ra thị trường giống hoa ngày càng đẹp hơn. Hoa lan huệ có nguồn gốc từ rất lâu, bắt nguồn từ châu Âu. Hoa du nhập đến Việt Nam và khoảng 8 năm trở lại đây, hoa được nghiên cứu lai tạo để trở nên đẹp mắt và đa dạng hơn. Trước đây, giống hoa của Việt Nam thường rất nhỏ, thấp và chỉ có một màu đơn nhất. Sau khi được lai tạo, hoa có nhiều màu sắc hơn, đa dạng hơn và đặc biệt xuất hiện giống hoa lan huệ kép.

Cây hoa lan huệ thuộc loại thực vật có thân giả (giống như củ hành tây). Thân chính của cây hoa lan huệ chính là củ. Củ cây hoa lan huệ có nhiều lớp liên tiếp nhau bao quanh. Các lớp trong của củ có màu xanh non hay trắng ngà, giòn và chứa lớp nước, lớp ngoài cùng có màu nâu còn gọi là lớp áo. Hoa lan huệ mọc ra từ cuống tròn, cuống mọc lên từ nách lá (cao từ 20 đến 30cm). Mỗi cành thường có 4 nụ hoa nên gọi là huệ tứ diện. Hoa lan huệ từ khi nở đến khi tàn khoảng 7 đến 10 bông hoa.

Hoa lan huệ có hai loại gồm hoa lan huệ đơn và hoa huệ kép. Mỗi bông có đường kính trung bình từ 12 đến 15cm. Có bông hoa nở to, đường kính hoa lên tới 28cm.

Sinh viên Phạm Thanh Tùng, thành viên trong nhóm nghiên cứu và phát triển giống hoa, anh đã giành được giải Nhì cho đề tài nghiên cứu khoa học cấp sinh viên "Nghiên cứu đặc điểm nông sinh học của tập đoàn hoa lan huệ lai và ảnh hưởng của biện pháp xử lý lạnh đến thời gian ra hoa, chất lượng hoa lan huệ Hồng Đào tại Gia Lâm, Hà Nội năm 2017 - 2018". Anh Tùng chia sẻ với chúng tôi về đặc điểm và cách chăm sóc hoa: “Lan huệ đơn với 6 cánh, hoa xếp thành 2 lớp so le nhau, mỗi lớp 3 cánh xếp thành hình tam giác. Hoa cánh đơn lai tạo khá dễ dàng, chỉ cần lấy hạt từ quả sau khi hoa nở, gieo xuống đất để hạt lớn lên thành củ. Sau khoảng 18 tháng gieo trồng, cây lan huệ phát triển và cho lứa hoa đầu tiên. Từ sau lứa hoa đầu, cứ đến mùa hoa nở (từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm) cây sẽ cho hoa”.

Hoa lan huệ kép có nhiều cánh hoa xếp từ 3 lớp cánh trở lên, đặc biệt có những bông hoa lên tới 8 lớp cánh. Cây hoa kép thì chỉ có phấn mà không thể tạo quả được, vì thế nên việc lai tạo khó hơn với cây cánh đơn. Chúng ta cần lấy phấn hoa từ cây đơn thụ phấn với loài cây lan huệ kép mà xác suất để thành hoa kép chỉ là ngẫu nhiên.

Hoa lan huệ thường được trồng trong bồn, thảm hoa, trồng viền, trồng thành bụi trang trí sân vườn. Cây hoa lan huệ còn được trồng trong chậu trang trí nhà ở. Ngoài ra hoa còn được trồng trong nước làm cây nội thất để bàn rất đẹp.

Hoa lan huệ có nhiều màu sắc đa dạng như trắng hồng, hồng phấn, đỏ, vàng, cam, đỏ trắng, hồng trắng, hồng đỏ,… có sọc và đặc biệt hoa đỏ luôn được ưa chuộng bởi suy nghĩ hoa màu đỏ đem lại may mắn. Hiện nay, người lai tạo giống hoa cũng chú ý thời gian để hoa nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán vì như thế hoa có giá trị cao hơn. Lan huệ là loài cây ưa sáng nên đưa ra nơi có ánh nắng mặt trời khi nụ hoa bắt đầu phát triển. Báo Quân đội nhân dân Điện tử xin giới thiệu một số hình ảnh hoa lan huệ tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

PGS. TS Phạm Thị Minh Phương tại vườn hoa nghiên cứu tại Học viện Nông Nghiệp Việt Nam.

Sinh viên Phạm Thanh Tùng đang đo kích thước cánh hoa tại vườn để nghiên cứu sự phát triển.

Những sinh viên và khách quốc tế cũng đến chụp ảnh cùng hoài hoa này.

 

Giống hoa lan huệ kép có rất nhiều màu như trắng, đỏ, và có cả những giống lai 2.
Đến mùa hoa lan huệ, có khá nhiều bạn trẻ Thủ đô Hà Nội chụp những bức ảnh cùng hoa ghi lại những khoảnh khắc bên mùa lan huệ tháng 4 tại Học viện Nông nghiệp.

 Hoa lan huệ trồng trong chậu trang trí nhà ở.

THU TRANG (Thực hiện)