Đó là chủ đề của triển lãm trực tuyến gồm 100 tài liệu, tư liệu, hình ảnh, bản vẽ được Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) tổ chức nhân kỷ niệm 67 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10-10). Triển lãm giúp công chúng hiểu thêm về lịch sử, quá trình thay đổi diện mạo của Hồ Gươm (hồ Hoàn Kiếm).
Tại sao gọi Hồ Gươm là giao lộ Đông-Tây? Trả lời câu hỏi trên, bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho biết: "Hồ Gươm-dấu tích của một khúc sông Nhị Hà xưa, là thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô. Sau nhiều lần chỉnh trang, tôn tạo, Hồ Gươm giống như một giao lộ, điểm kết nối hai nét kiến trúc và văn hóa Đông-Tây. Cùng với những nếp quen cũ, những tập quán sinh hoạt truyền thống của người Hà Nội, diện mạo mới của một đô thị phương Tây khiến cho lối sống của người dân có thêm nhiều điều mới mẻ. Sự cộng hưởng đó đã tạo nên dấu ấn rất riêng cho Hồ Gươm và phố cổ ngày nay".
 |
Hình ảnh Hồ Gươm cách đây hơn 1 thế kỷ. Ảnh: archives.org.vn |
Hồ Gươm không chỉ là trái tim của Thủ đô Hà Nội mà còn gắn với biết bao kỷ niệm của nhiều người. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết được lịch sử, quá trình thay đổi diện mạo của Hồ Gươm. Vì thế, Triển lãm "Hồ Gươm, giao lộ Đông-Tây" giúp công chúng có cái nhìn cận cảnh, đa chiều về Hồ Gươm. Triển lãm được chia thành 3 phần, gồm: Quá trình thay đổi diện mạo Hồ Gươm; Bảo tồn không gian văn hóa lịch sử Hồ Gươm; Hồ Gươm-Trung tâm dịch vụ và văn hóa giải trí. Triển lãm bắt đầu diễn ra từ ngày 8-10 tại website http://archives.org.vn và fanpage https://www.facebook.com/luutruquocgia1. Đặc biệt, tại triển lãm lần này, có nhiều tài liệu, văn bản liên quan đến Hồ Gươm lần đầu tiên được công bố tới công chúng. Đó là những văn bản quyết định quy hoạch, chỉnh trang Hồ Gươm, như: Rải đá mặt đường quanh hồ, xây dựng hệ thống điện nước, xây cống ngầm... cách đây hơn 1 thế kỷ.
Theo bà Trần Thị Mai Hương, để chuẩn bị cho Triển lãm “Hồ Gươm, giao lộ Đông-Tây”, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I phải làm song song hai phiên bản triển lãm: Trực tiếp và trực tuyến. Nếu dịch Covid-19 không diễn biến phức tạp, trung tâm sẽ tổ chức triển lãm ngay tại bờ hồ để công chúng vừa đi bộ, vừa ngắm nhìn tài liệu, hình ảnh. Tuy nhiên, phương án tổ chức triển lãm trực tuyến đã được trung tâm triển khai từ cách đây 3 tháng với các nhóm nghiên cứu về tài liệu, thiết kế 2D, media và làm video 360 độ. "Vào tháng 9 vừa qua, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã tổ chức Triển lãm "Giáo dục triều Nguyễn-Vang vọng còn lại" nhận được sự quan tâm của nhiều người. Triển lãm “Hồ Gươm, giao lộ Đông-Tây” là triển lãm trực tuyến thứ hai trong năm 2021 của trung tâm, nhưng chúng tôi kỳ vọng sẽ mang những tài liệu, hình ảnh quý đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước”, bà Trần Thị Mai Hương cho hay.
HOÀI PHƯƠNG