Trước Tết Mậu Tý độc giả yêu thơ được đón nhận một tập thơ của một tác giả mới 14 tuổi. Tập thơ “Hình dung” của Đặng Chân Nhân chỉ có 17 bài, được viết rải rác từ khi em 8 tuổi đến khi em 14 tuổi. Chỉ có 17 bài nhưng đủ để mang đến cho người đọc sự ngạc nhiên, thú vị và những cảm nhận đặc biệt.
17 bài thơ của Nhân được viết theo các vệt khá rõ: Vệt đầu là những bài em viết khi còn bé. Thế giới của em là gia đình (“Gia đình”), vũ trụ, bầu trời, trái đất, lỗ đen (“Bầu trời trong giấc mơ”, “Mùa đông như màu trắng”, “Lỗ đen”, “Trái đất bao la”). Em cũng nhận ra thiên nhiên mà em yêu rất đẹp, nhưng cũng rất khắc nghiệt (“Mùa đông như màu trắng”, “Cá lớn cá bé”).
Bên cạnh những bài viết về vũ trụ, thiên nhiên, các bài xen kẽ với vệt trước và tiếp theo thể hiện em bắt đầu có những mối quan tâm xã hội (“Sinh nhật”, “Cùng chơi”, “Cuộc sống”, “Cần phải làm gì?”, “Thiên nhiên là gì”). Xã hội của em là nơi có em và bạn bè. Em nhận ra mọi người phải cùng chơi, cùng niềm vui, cùng bình đẳng khi chơi. Người đọc thú vị với những câu hỏi trong bài “Cần phải làm gì?”. Ở tuổi lên 9, Nhân chỉ mới biết đặt câu hỏi. Dù kết thúc bài thơ em viết: Tôi cũng chịu thôi thì người đọc vẫn nhận ra những câu hỏi là cách em nói lên điều em biết.
Vệt tiếp theo với “Điều dễ”, “Hình dung” và “Trí tưởng tượng”, được viết khi em ở tuổi 10-13, người đọc đã thấy một em bé độc đáo trong tư duy. Đặng Chân Nhân suy tư: Cái dễ dễ hơn cái khó/ Cái dở dễ hơn cái hay/ Cái dốt dễ hơn cái giỏi/ Cái xấu dễ hơn cái tốt/ Cái ác dễ hơn cái hiền/ Cái xấu dễ hơn cái đẹp… Và em kết luận thật thú vị: Những thứ nghiêng về tốt, hiền, giỏi… Luôn khó hơn mọi thứ khác. Đây là điều rất quan trọng trong cuộc sống được Nhân nhận xét rất tự nhiên.
Trong bài thơ “Hình dung” viết khi 12 tuổi, Đặng Chân Nhân đã có những suy tưởng khác lạ: đó là hình dung mình đứng ở một vị trí khác trong không gian và thời gian để nhìn nhận mọi thứ quanh mình: Thử hình dung xem…/ Mình làm một người hành tinh khác/ Không quen biết người Trái Đất/ Đi trên một cái đĩa bay…/ Thử hình dung xem…/ Mình là một món ăn/ Bị cho lên chảo nghìn độ/ Bị cắn bởi vật sống…/ Thử hình dung xem…/ Mình đến từ tương lai/ Biết hết những điều mới mẻ/ Coi thời hiện tại như quá khứ… Sự hình dung của em ở đây khiến người đọc sững sờ: một vật đã bị đưa lên chảo nướng 1.000 độ rồi lại còn bị cắn bởi vật sống-một câu thơ khiến người đọc không khỏi giật mình về những gì văn minh hiện đại đang làm.
Với loạt bài “Trò chơi”, “Tồn tại”, “Những linh hồn nhảy nhót”, người đọc thật sự ngỡ ngàng: Đặng Chân Nhân đã đi được cực kỳ xa. Trong “Trò chơi”, em viết: Cuộc sống chỉ là một trò chơi/ Mà con người là những nhân vật ảo. Có lẽ em nghĩ đến Internet-thế giới ảo khi viết điều này. Một điều nữa rất thú vị, Đặng Chân Nhân khẳng định: Đã là trò chơi thì phải có luật và nếu vi phạm thì phải bị phạt chứ! Trong cái sâu sắc vô thức của mình, tác giả vẫn dùng ngôn từ của một cậu bé có phần láu lỉnh, tinh quái, nhưng công bằng.
Bài cuối cùng, cũng là bài có thể khiến nhiều bạn đọc hết sức sửng sốt trước cái nhìn của một cậu bé 14 tuổi về tự do. Bài thơ có tiêu đề “Những linh hồn nhảy nhót”:
Những linh hồn này
Họ nhảy
Họ được tự do
Thoát khỏi sự lo lắng về cách sống sót
Thoát khỏi áp lực
Thoát khỏi các luật lệ
Thoát khỏi cuộc sống.
Họ nhìn thấy Chúa trên đó,
Và họ nhảy.
Bài thơ viết thật giản dị, ngắn gọn, trực diện, thoải mái và nhẹ nhàng, tưởng như không thể nhiều lời hơn, nhưng cũng không thể ít lời hơn được. Với bài thơ này, Đặng Chân Nhân làm chúng ta bàng hoàng về cái nhìn vượt thời gian của em. Ở đây ta có cảm giác em lý giải về tự do, nhưng là tự do tuyệt đối! Em lý giải tự do có nghĩa là thoát khỏi sợ hãi, lo lắng, áp lực, luật lệ. Nhưng với em, rốt cục điều đó chỉ xảy ra thật sự chỉ khi con người thoát khỏi cuộc sống mà thôi.
17 bài thơ của Đặng Chân Nhân khiến cho thấy em đã chạm tới những vấn đề lớn lao, từ vũ trụ, sự an toàn của trái đất, quy luật sinh tồn, bảo vệ thiên nhiên… cho đến niềm tin, ý nghĩa cuộc sống, tự do… Em viết tự do, chân thực. Mọi ý tứ của em tự nó nổi lên không cần ngoại lực. Sức mạnh của nó nằm ở sự thẳng thắn, bộc trực mà chỉ có thể thấy ở con trẻ.
* Tập thơ của Đặng Chân Nhân 14 tuổi.
Đồng Khánh