QĐND - Trong gia đình Nguyễn Anh Nông, có lẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến nhà thơ là người cha - một người trải qua nhiều gian khổ trong chiến tranh. Nguyễn Anh Nông đã tiếp bước cha mình, nhập ngũ năm 1980, lên biên giới phía Bắc. Vì vậy, Nguyễn Anh Nông hiểu và viết sâu sắc về người chiến sĩ qua những ký ức về một thời đã qua của dân tộc. Hình ảnh người chiến sĩ được Nguyễn Anh Nông khắc họa sâu sắc với những nét riêng biệt và thể hiện tiêu biểu nhất qua tập thơ Những tháng năm ở rừng và trường ca Trường Sơn.

Hình ảnh người chiến sĩ trong thơ Nguyễn Anh Nông được khai thác ở nhiều góc độ mà trước hết đó là tinh thần dũng cảm, chấp nhận mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh xương máu để bảo vệ Đất nước.

Người lính của thời đại nào cũng giương cao tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, cùng dân tộc trải qua những thiếu thốn, vất vả để chiến thắng kẻ thù. Đây là cuộc sống của người lính trong thơ Nguyễn Anh Nông:

Những tháng năm ở rừng

ăn trong nắng, ngủ trong sương

(Những tháng năm ở rừng)

Họ phải chịu đựng những căn bệnh quái ác đã cướp đi sinh mạng của nhiều đồng đội mình:

Sốt rét tái màu da

Đồng đội mấy người gục ngã

Hồn thiêng gửi lại lá cây rừng.

(Những tháng năm ở rừng)

Còn đây là những kỷ niệm trong những đêm băng rừng, vượt suối:

Tôi chợt nhớ đêm tuần tra biên giới

Mưa lai rai rét mướt nổi da gà

Cơn sốt đến bạn không rời cây súng.

(Khúc tưởng niệm bên dòng suối)

Đó là những cảnh tượng rất thực: Trong cái âm u của rừng già, trong cái tĩnh mịch của miền biên ải, vẳng trong đêm khuya, lâm thâm mưa phùn giá rét, người chiến sĩ lên cơn sốt rét ác tính. Đây là điều thường thấy trong đời sống gian khổ của người lính. Có nhiều nhà thơ đã viết về hiện thực khắc nghiệt này, Nguyễn Anh Nông, nhà thơ có sự kế thừa những người đi trước nhưng đã đi vào phản ánh hiện thực khốc liệt đó bằng lối viết mộc mạc, chân thực như sự thực vốn có mà không hề che giấu. Những người lính đó sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng tư của mình để hoàn thành nhiệm vụ:

Bàng hoàng… tiếng thét giữa đồi

Mìn giặc cài khuất chìm trong cỏ

Buổi đi phép - bạn về cưới vợ

Thành ngày tang

trời sậm sịch

mưa buồn.

(Khúc tưởng niệm bên dòng suối)

Trong ký ức về người lính, Nguyễn Anh Nông còn đem đến cho độc giả những trang thơ tươi vui, tràn đầy sức sống. Đó là hình ảnh người lính gắn bó máu thịt với quần chúng nhân dân như cá với nước. Họ vừa cầm chắc cây súng vừa tô đậm từng nét phấn trên bảng đen. Người lính ở đây đã hóa người thầy. Gieo mầm xanh hy vọng lên đất cằn, sỏi đá nơi địa đầu Tổ quốc:

Với cử chỉ trong sáng

Người lính trẻ

Viết lên bảng đen

Những con chữ tươi sáng

Những tư duy ánh sáng

Những con chữ chữ chân chạy tung tăng.

(Những nhịp điệu trong sáng)

Ở nơi đây, bạt ngàn núi đá rừng xanh, con suối mát trong rì rào hát bài ca năm tháng, người lính ngoài nhiệm vụ bảo vệ đất nước, họ còn truyền lửa tri thức cho những em nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số, trao cho các em những bài học đầu tiên. Bài học thấm đượm hồn thiêng sông núi, thấm đẫm hương sắc mây trời quê hương. Với hình ảnh đó, người lính càng đáng trân trọng và ngợi ca.

Đó còn là hình ảnh người lính với niềm vui, niềm hân hoan khi được về đón Tết cùng gia đình:

Đường xuôi tấp nập lúc xuân sang

Ai đó nhà xa có nhỡ nhàng

Có anh lính trẻ về ăn Tết

Vác cả mùa xuân kịp tới làng.

(Rừng xuân)

Người đọc cảm nhận được niềm vui phấn chấn và có phần nôn nóng của anh lính về quê ăn Tết. Thú vị nhất nằm ở từ “vác”-kết lại ở dòng cuối và của toàn bài. Anh lính trẻ “vác cả mùa xuân” về làng cũng chính là mang lại hòa bình, hạnh phúc, ấm no cho quê hương, dân tộc. Có được ý thơ hay như vậy là nhờ sức liên tưởng sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ.

Người lính trong thơ Nguyễn Anh Nông không thể thiếu sự lãng mạn, mộng mơ trong tình yêu. Nhà thơ đã đúc kết một cách dí dỏm đầy chất lính về tình yêu như sau:

Cồng chiêng ai gõ bâng khuâng quá

Trời ơi, mặt đất cứ chao nghiêng

Rượu cần mới nhấm đôi ba giọt

Chân tay cũng có nỗi niềm riêng.

(Thảo nguyên đêm)

Có một điều đặc biệt là, Nguyễn Anh Nông không chỉ viết về những người lính bên ta gan dạ, dũng cảm, những người chiến thắng, những tướng tá được vinh thăng mà nhà thơ còn nhắc đến cả những người lính đào ngũ với lời tâm sự chân thật:

      Ngày ấy nếu tôi… không còn

Buồn đau, thống khổ đổ dồn vào ai?

      Đêm đêm thao thiết thở dài

Ngày ngày tức tưởi, thân trai bẽ bàng

      Cúi đầu đi giữa xóm làng

Thấm bao vinh - nhục, khẽ khàng nỗi đau…

(XIV-Lời kẻ đào ngũ)

Nhà thơ thấu hiểu trong cuộc chiến nào trước bom đạn chết chóc của chiến tranh, những thiếu thốn gian khổ trong cuộc sống sao chẳng có những kẻ thối chí. Lẽ thường tình là như vậy, cho nên, lời thơ không quá nặng nề, đay nghiến mà chỉ nhẹ nhàng trách móc, vì một phút nản lòng mà làm mất đi danh dự của người lính. Họ biết nhận ra sai lầm, biết cúi đầu để nhận thấy nỗi đau của bao người đã ngã xuống cho Tổ quốc. Bài thơ toát lên tấm lòng nhân đạo sâu sắc của nhà thơ đối với những con người lầm đường lạc lối và đó cũng chính là tinh thần nhân đạo của nhân dân ta trong cuộc chiến tranh đã qua của dân tộc.

Từ việc tìm hiểu trên cho thấy, Nguyễn Anh Nông đã viết về người lính bằng cả tấm lòng trắc ẩn, những ưu tư, trăn trở của một người lính thực thụ. Bằng cách viết giản dị, nhà thơ đã tái hiện hình ảnh người lính một thời đã qua thật sinh động và chân thực.

HÀ THỊ LIÊN