Có người cho rằng “Văn dĩ tải đạo” có nghĩa là văn học-mở rộng ra là cả nghệ thuật-phải chuyên chở đạo đức, và vì thế, cho rằng văn nghệ thời phong kiến là để tải đạo trung quân ái quốc, để rồi khẳng định “bây giờ còn quân đâu mà trung”.
Tôi cho rằng nói như thế là chưa hiểu câu “văn dĩ tải đạo” một cách đầy đủ và cần phải đi sâu tìm hiểu vấn đề này về mặt tư tưởng, nhất là về tư duy triết học của câu nói.
Văn là gì?
Văn nghĩa ban đầu là “màu sắc sặc sỡ” và là “cái che đậy bên ngoài”. Nghĩa mở rộng của nó là “văn hóa”, “văn nghệ” cũng là hình thức của một tác phẩm. Nhà nho khen một người “văn chất bân bân” tức là hình thức với nội dung đều hay (vì chất là cái bên trong, tức nội dung).
Vì thế, văn trong văn dĩ tải đạo, có nghĩa rộng là văn học-nghệ thuật.
Còn đạo là gì?
Người đề xuất ra “đạo” là Lão Tử. Đạo nghĩa đen là con đường, nhưng đạo của Lão Tử lại nằm trong phạm trù triết học. “Đạo khả đạo, phi thường đạo” (Cái có thể gọi là Đạo thì không phải đạo tầm thường). Ý nói không phải là con đường bình thường. Bởi lẽ nó “huyền chi hựu huyền”. Huyền có nghĩa là tối đen, sâu kín, lặng lẽ. Tối vì khó nhận ra, sâu kín vì khó thăm dò, lặng lẽ vì không động, không thấy được mặt biểu kiến. Vì vậy, huyền chi hựu huyền có nghĩa là trong sâu kín, lặng lẽ, cái “đạo” đó càng sâu kín lặng lẽ hơn.
Theo Lão Tử, đạo tồn tại trong hai mặt Vô và Hữu: “Vô là để gọi tên trời đất lúc ban đầu, Hữu là để gọi tên mẹ đẻ của trời đất. (Đạo đức kinh).
Trang Tử miêu tả đạo: “Tồn tại trước khi có thái cực mà chẳng gọi là cao, nằm dưới lục cực mà chẳng gọi là sâu, sinh ra trước trời đất mà chẳng gọi là lâu, nhiều tuổi hơn thượng cổ mà chẳng gọi là già” (Nam Hoa Kinh).
Rất xa xưa lại tồn tại mãi mãi. Ở khắp nơi, trong tất thẩy mọi việc, mọi vật, mà lại sâu kín, lặng lẽ, không nhìn thấy, không học được nhưng ai cũng cảm nhận được, cho nên, rút cùng nó là quy luật, là bản chất của sự sống.
Khổng Tử cũng từng nói: “Cập thời tri, nhất dã”. (Kịp khi hiểu biết ra thì chỉ là một mà thôi). Một ở đây cũng tức là quy luật xuyên suốt thời gian và không gian.
Vì vậy, văn dĩ tải đạo đâu có phải là văn học nghệ thuật chuyển tải đạo đức “trung quân ái quốc” thời phong kiến, mà văn học nghệ thuật phải miêu tả các sự tình đúng theo quy luật tiến hóa của nó trong các tọa độ không gian, thời gian nhất định.
Đã là quy luật tiến hóa thì hoàn toàn phải từng bước tốt đẹp hơn, đúng như Đảng yêu cầu “nội dung tiên tiến” đề xuất trong các Đại hội gần đây.
Cho nên văn dĩ tải đạo, về mặt tư duy, là một phương châm khoa học và luôn luôn mới. Những người thủ cựu thì không bao giờ “ngộ” được chân lý cao siêu đó.
GS HÀ VĂN CẦU