Ông Trần Ngọc Quyên đã dành nửa thế kỷ để sưu tầm, lưu giữ những tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người ở Đức. Các tư liệu mà ông sưu tầm được trải dài từ năm 1927 đến nay. Để có được những tư liệu phong phú về Bác Hồ, ông Quyên không ngại đi đến nhiều nơi trên khắp nước Đức như: Cục Lưu trữ chính trị và thư viện của Bộ Ngoại giao CHLB Đức; Cục Lưu trữ Liên bang Đức, Trung tâm Tư liệu ảnh Thông tấn xã AND của CHDC Đức trước đây…Ông kể, trong lần sang Đức gần đây, khi đến khai thác tư liệu ở Cục Lưu trữ Liên bang Đức, ông tìm thấy một bộ hồ sơ, bên ngoài đề tên một cuốn sách: “Hồ Chí Minh-Một cuộc đời Việt Nam”. Cuốn sách này do các tác giả ở CHDC Đức viết và được Nhà xuất bản Dietz Verlag Berlin phát hành năm 1960.

leftcenterrightdel
Ông Trần Ngọc Quyên với cuốn sách “Hồ Chí Minh-Một cuộc đời Việt Nam” tiếng Đức, bản photocopy.  

Mừng rỡ như bắt được vàng, song khi mở hồ sơ ra, niềm vui của ông nhanh chóng khép lại vì trong đó không có cuốn sách nào, ngoại trừ một kẹp tài liệu ghi lại toàn bộ quá trình xuất bản sách. “Dù không có cuốn sách, song toàn bộ tài liệu trong hồ sơ ghi chép tỉ mỉ, cẩn thận việc xuất bản cuốn sách. Trong đó có cả danh sách những người duyệt cuốn sách này, từ người duyệt nội dung, số lượng, chi phí, cho đến người viết lời giới thiệu. Thậm chí, còn có tài liệu ghi lại những dự toán chi tiết để tính đơn giá của cuốn sách. Chưa bao giờ tôi thấy cuốn sách được tính toán tỉ mỉ như thế”, ông Quyên cho hay.

Dù không tìm thấy sách, song ông Quyên cho rằng, với những tài liệu trên về xuất bản, ắt hẳn sẽ có sách. Vì vậy, theo sự  giới thiệu của nhân viên Cục Lưu trữ Liên bang Đức, ông sang thư viện của cơ quan này dò tìm. Tuy nhiên người thủ thư trả lời là trước đấy có nhưng cuốn sách đã mất, có lẽ bị thất lạc trong quá trình chuyển giao giữa các kho lưu trữ trước đây.

Không nản lòng, ông tiếp tục nhờ người quen tìm trong các thư viện công trên khắp nước Đức. Tia hy vọng lại lóe lên khi ông nhận được cuộc điện thoại từ một thư viện nhỏ ở Berlin, báo hiện đang lưu giữ cuốn sách “Hồ Chí Minh-Một cuộc đời Việt Nam”. Tuy nhiên, khi đến nhận sách, ông Quyên lại thêm một lần thất vọng vì đây là cuốn sách cùng tên nhưng lại của tác giả người Pháp.

“Quá tam ba lần” thất bại, may mắn cuối cùng cũng mỉm cười với ông Trần Ngọc Quyên. Ông đã tìm thấy cuốn sách đó ở Bảo tàng Lịch sử Đức. Do là một hiện vật đang được trưng bày tại bảo tàng nên ông chỉ được phép chụp lại cuốn sách đó mà thôi. Dù vậy, với một nhà sưu tầm, đây cũng là niềm vui lớn trong cuộc đời.

Theo ông Trần Ngọc Quyên, cuốn sách “Hồ Chí Minh-Một cuộc đời Việt Nam” có lẽ là cuốn sách đầu tiên của một tác giả CHDC Đức viết về Bác Hồ vào năm 1960 (các tác giả nước ngoài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh thì có nhiều). Nội dung cuốn sách không nói nhiều về Chủ tịch Hồ Chí Minh song qua tình cảm mà nhân dân và quân đội Việt Nam dành cho Người đã làm toát lên một con người Hồ Chí Minh vĩ đại nhưng vô cùng giản dị. “Tác giả của cuốn sách là một trong số ít nhà báo CHDC Đức có mặt ở Hà Nội cuối năm 1954 và có dịp chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng diễn ra ở Việt Nam thời điểm đó. Trong cuốn sách, tác giả kể lại một số câu chuyện rất cảm động về Người, trong đó có chuyện viết về buổi ra mắt của Chính phủ ta trước nhân dân Thủ đô vào sáng 1-1-1955 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Hôm đó có buổi diễu binh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Do có một số trục trặc nhỏ nên buổi lễ kéo dài đến trưa vẫn chưa kết thúc. Thấy mọi người có vẻ mệt mỏi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng trên lễ đài đề nghị mọi người cùng hát vang bài hát “Đoàn kết là sức mạnh”. Hát xong, trời cũng quá trưa nhưng mọi người không chịu về, cứ hướng về Bác Hồ. Bác nói: “Bây giờ, mọi người cũng đói rồi, tôi cũng đói rồi, nên chúng ta đi về nhà ăn cơm thôi”. Nghe Bác nói vậy, mọi người mới chịu trở về nhà…”, ông Quyên kể lại.

Ông Quyên cho biết thêm, còn rất nhiều câu chuyện nhỏ viết về Bác Hồ, về tình cảm của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam dành cho Người được tác giả đề cập tới trong cuốn sách, cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một vị lãnh tụ vĩ đại mà còn là người Cha già của dân tộc Việt Nam. Hiện Viện Hồ Chí Minh đang nhờ ông Quyên dịch lại cuốn  “Hồ Chí Minh-Một cuộc đời Việt Nam” sang tiếng Việt để bạn đọc trong nước có thể sớm tiếp cận cuốn sách này./.

Bài và ảnh: LINH OANH