Nhóm Hiếu Văn Ngư được thành lập vào tháng 12-2020, khi tham gia Cuộc thi “Sáng kiến TechCul” do UNESCO tổ chức và giành chiến thắng với ý tưởng “Hát bội 101” gắn với việc thúc đẩy giải mã nội dung lẫn nghệ thuật trong hát bội, giúp khán giả mới làm quen với nghệ thuật hát bội một cách dễ hiểu và thú vị. Chị Lục Phạm Quỳnh Nhi, trưởng nhóm Hiếu Văn Ngư chia sẻ: "Từ thành công của ý tưởng “Hát bội 101”, chúng tôi quyết tâm đưa ý tưởng trở thành hoạt động cụ thể. Chúng tôi tìm hiểu, học hỏi từ các tài liệu nghiên cứu chuyên sâu về hát bội do Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP Hồ Chí Minh và nhà nghiên cứu Vương Hoài Lâm cung cấp. Sau đó, chúng tôi biên tập, khái quát, làm rõ nhiều chủ đề, truyền tải trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook; audio, video file trên YouTube. Nổi bật trong đó, “Cẩm nang xem hát bội” của Hiếu Văn Ngư đã giải mã toàn bộ nội dung về hát bội, gồm: Lược sử, vai trò của hát bội với cộng đồng, trong lịch sử Nam Bộ, giải mã nghi lễ đại bội trong đời sống văn hóa xa xưa... Qua đó, giúp khán giả tiếp cận một cách dễ hiểu, bài bản và có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về hát bội-loại hình văn hóa được hình thành, phát triển hàng trăm năm ở vùng đất Nam Bộ, gắn với nhiều đặc trưng riêng, khác với hát bội ở một số quốc gia khác".

Vở hát bội “Thiên Mộc Thùy” do nhóm sáng tác tham dự Liên hoan sân khấu trẻ châu Á năm 2024.

Ngoài ra, nhóm Hiếu Văn Ngư cũng có cơ hội làm việc với Ichcap-UNESCO (Trung tâm Mạng lưới và Thông tin quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á-Thái Bình Dương trực thuộc UNESCO) để xây dựng hệ thống tài liệu về hát bội với loạt bài “Mô hình nhân vật trong nghệ thuật hát bội Việt Nam”, giới thiệu đến người xem 15 kiểu nhân vật điển hình trong hát bội, đăng tải trên “ichLinks” (Hệ thống nền tảng chia sẻ thông tin về di sản văn hóa phi vật thể trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương) do UNESCO bảo trợ. Bên cạnh đó, Hiếu Văn Ngư còn mang những chiếc mặt nạ hát bội đến với bạn bè quốc tế qua Triển lãm "Alternative Identities: Masks of ASEAN & Korea", được tổ chức tại Hàn Quốc năm 2024 và đăng tải lên Google Arts & Culture (bảo tàng trực tuyến của Google).

Trong 4 năm hoạt động, Hiếu Văn Ngư cũng tổ chức các lớp học, workshop, khóa học online cho đối tượng từ 10 đến 45 tuổi. Trong đó, dự án “Ca biện phấn hành” thu hút nhiều người tham gia, gồm các hoạt động như: Vẽ mặt; thử y quan; học hát bội; tọa đàm về nghệ thuật hát bội; xem các màn chúc phúc trong nghi lễ đại bội và các vở hát kinh điển... Chị Lê Nguyễn Hà Trâm chia sẻ: “Tham gia trải nghiệm dự án “Ca biện phấn hành” giúp tôi hiểu hơn về hát bội là tôn vinh cái “đẹp”. Áo mão, văn chương, hóa trang, vũ đạo, hát nói đều được “làm quá” một cách đẹp đẽ vì đặc trưng khoa sức của hát bội”.

Tại Liên hoan sân khấu trẻ châu Á (AYTF) diễn ra ở Chiang Mai (Thái Lan) năm nay, Hiếu Văn Ngư tiếp tục gây ấn tượng mạnh với vở diễn "Thiên Mộc Thùy" do nhóm tự sáng tác. Bà Claire Devine, người sáng lập và điều hành AYTF phấn khích: “Thật tuyệt vời khi Hiếu Văn Ngư kết hợp chủ đề biến đổi khí hậu với biểu diễn truyền thống. Câu chuyện và vũ đạo tuyệt vời. Tôi rất vui mừng khi hát bội xuất hiện tại sân khấu AYTF”. Thành công mới này khẳng định năng lực ứng dụng những kiến thức hát bội của nhóm để sáng tạo một vở diễn mới, hòa vào mạch sống bền bỉ của hát bội và tự tin giới thiệu với bạn bè quốc tế.

Bài và ảnh: TRẦN ĐINH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.