 |
Phan Bội Châu |
Sau ngày 1-7-1925, bọn mật thám Pháp bắt cóc cụ Phan Bội Châu từ Thượng Hải đưa về Việt
Nam định thủ tiêu. Nhưng việc bại lộ, buộc chúng phải đưa cụ ra Tòa Đề hình để xử.
Trước phong trào toàn dân biểu tình, bãi khóa, bãi thị đòi ân xá cho Phan Bội Châu, toàn quyền Va-ren-ne buộc phải nghe theo và đưa cụ về an trí tại Huế. Không có điều kiện bôn ba hải ngoại như trước, cụ Phan cũng không bao giờ quên việc đánh đuổi ngoại xâm, vẫn sáng tác văn thơ yêu nước và cả những bài văn châm biếm.
Câu chuyện “Dựng bia cho chó” được tác giả Nguyễn Đắc Xuân ghi lại trong cuốn “Hương Giang cố sự”, do tủ sách Sông Hương in năm 1986, như sau:
Cụ Phan nuôi hai con chó rất có nghĩa, một con tên Vá, một con tên Ky. Khi hai con chó chết, cụ dựng bia cho chúng nhưng sâu xa là để mắng bọn Việt gian. Mỗi con có hai bia, một cái khắc bằng chữ Hán, một cái khắc bằng Quốc ngữ. Hai bài văn bia Quốc ngữ như sau:
Bia con Vá:
Vì có dũng nên liều chết phấn đấu, vì có nghĩa nên trung thành với chủ, nói thì dễ làm thiệt khó, người còn vậy huống gì chó.
Ôi! Con Vá này đủ hai đức đó, há như ai kia mặt người lòng thú, nghĩ thế mà đau, dựng bia mộ chí!.
Bia con Ky:
Người hơi có đức nhân thường kém phần trí. Người hơi có đức trí thường kém phần nhân. Vừa trí vừa nhân thật là hiếm thấy! Ai ngờ con Ky này đủ hai đức đó: Thấy không phải chủ thì xem bằng cừu thù, chẳng bao giờ vì miếng ăn dẫn dụ, thiệt là trí đó.
Trí vừa nhân, nhân vừa trí, trong giống súc mà người, e đến mầy mới thấy. Mầy sao vội chết! Hỡi trời! Hỡi trời! Lòng ta đau đớn, phải tạc mấy lời. Đau đớn quá. Đau đớn quá. Kìa những hãng muông người.
Cả hai bài văn bia trên, tổng cộng là 159 từ, trong đó cụ Phan Bội Châu đã nói bốn đức tính tốt của chó là: nhân, nghĩa, trí, dũng. Nhưng có một đức tính nữa là liêm mà cụ Phan chưa muốn nói ra: “Chẳng bao giờ vì miếng ăn dẫn dụ”. Như vậy, hai con chó cụ Phan nuôi đã đủ cả năm đức tính tốt của loài người: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm.
Ngày 29-10-1940, tại Bến Ngự, cụ Phan trút hơi thở cuối cùng, ra đi vào lúc 73 tuổi, để lại cho hàng chục triệu dân Việt Nam và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới lòng tiếc thương vô hạn.
Gần đây, ở Hoa Kỳ có bài bào chữa của luật sư Giê-oóc-ghi Gra-ham Oét tại một phiên tòa xét xử vụ kiện người hàng xóm làm chết con chó của thân chủ, được phóng viên Uy-li-am Sa-phia-rơ của Thời báo Niu Y-oóc bình chọn là bài văn hay nhất trên toàn thế giới trong khoảng 1.000 năm qua. Bản dịch của Thu Giang, do Trần Thế Quang sưu tầm có nội dung như sau:
Thưa quý ngài hội thẩm!
Người bạn tốt nhất mà con người có được trên thế giới này có thể một ngày nào đó hóa ra kẻ thù quay ra chống lại ta. Con cái mà ta nuôi dưỡng với tình yêu thương hết mực rồi ra có thể là một lũ vô ơn.
Những người gần gũi thân thiết ta nhất, những người ta gửi gắm hạnh phúc và danh dự, có thể trở thành kẻ phản bội, phụ bạc lòng tin cậy và sự trung thành. Tiền bạc mà con người có được rồi sẽ mất đi. Nó mất đi đúng vào lúc ta cần đến nó nhất. Tiếng tăm của con người cũng có thể tiêu tan trong phút chốc bởi một hành động dại một giờ. Những kẻ phủ phục tôn vinh ta khi ta thành đạt có thể sẽ là những kẻ đầu tiên ném đá vào ta khi ta sa cơ lỡ vận. Duy có một người bạn hoàn toàn không vụ lợi mà con người có được trong thế giới ích kỷ này, người bạn không bao giờ bỏ rơi, không bao giờ tỏ ra vô ơn hay tráo trở, đó là con chó của ta…
Bài văn dài 494 từ, gấp hơn 3 lần hai bài văn bia cho hai con chó của cụ Phan, mà chỉ nói rõ được ba đức tính của chó là: nghĩa, dũng, liêm. Chủ yếu tập trung nói về sự trung thành của con chó tức là đức “nghĩa”.
Qua so sánh, tôi cho rằng: Bài văn Bia con Vá, con Ky của cụ Phan Bội Châu mới là bài văn hay nhất thiên niên kỷ. Bởi lẽ: bài văn ngắn gọn, súc tích; lời lẽ đanh thép, triết lý rõ ràng; nói được năm đức tính tốt của loài người mà loài chó có được; chủ nhà tỏ tình thương con chó khi nó chết; dù thương chó nhưng phân biệt giữa loài chó và loài người rõ ràng; xót xa cho xã hội có những người vì miếng ăn mà sẵn sàng bán nước để làm nô lệ.
Qua sáu điểm phân tích trên đây, chứng tỏ hai bài văn: Bia con Vá và con Ky của cụ Phan Bội Châu xứng đáng là bài văn hay nhất thiên niên kỷ.
Hồ Bá Quỳnh