Nhà hát Lớn – Công trình di sản kiến trúc hơn 100 năm tuổi
Nhà hát Lớn Hà Nội là một công trình kiến trúc đã được người Pháp xây dựng cách đây hơn 100 năm, từ những năm đầu thế kỷ 20. Nhà hát Lớn Hà Nội mang kiến trúc Tân cổ điển, đặc trưng phong cách kiến trúc thời kỳ Pháp thuộc. Hiện nay Nhà hát lớn vẫn giữ nguyên kiến trúc phương Tây đặc trưng đã tồn tại và trải qua bao biến cố lịch sử cùng Hà Nội cổ kính.
Nhà hát dài 87 mét, rộng 30 mét, chỗ cao nhất lên tới 34 mét. Bên trong nhà hát có sân khấu rộng và một phòng khán giả chính chứa được 586 chỗ ngồi (số ghế nguyên bản trước khi trùng tu là 870 ghế). Không gian đầu tiên ngay lối vào là sảnh lớn, dài 30m, rộng 15m với cầu thang chữ T dẫn lên tầng. Hệ thống chiếu sáng cho khu sảnh này vẫn dùng các đèn cổ đã được phục chế. Phía sau nhà hát là phòng quản trị, mười tám buồng cho diễn viên hóa trang, hai phòng tập hát, phòng gương, thư viện và phòng họp. Hành lang ngoài cửa, sàn nhà và các hoạt tiết trên tường phòng gương được phục chế hoàn toàn theo kỹ thuật Mozaic bằng các vật liệu nhập khẩu từ châu Âu, do chính nghệ nhân từ Ý thao tác thủ công sắp xếp từng viên một. Các họa tiết gạch giữ theo nguyên bản thiết kế xưa, với các chi tiết như chữ thọ, con dơi, mang âm hưởng văn hóa phương Đông. Các gương trong phòng này là gương nguyên bản.
Mặt trước của Nhà hát Lớn ngày nay nhìn ra Quảng trường Cách mạng tháng Tám rộng lớn. Quan sát từ bên ngoài, Nhà hát Lớn Hà Nội mang dáng dấp Gôtích cổ điển. Nhà hát Lớn Hà Nội đã đồng hành và chứng kiến những sự kiện trọng đại của dân tộc tại Quảng trường, ngày nay được gọi là Quảng trường Cách mạng tháng Tám.
Năm 2011, nhân dịp kỷ niệm Nhà hát 100 năm tuổi, Nhà hát Lớn Hà Nội và không gian quảng trường Cách mạng tháng Tám đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc quốc gia.
Xây dựng mô hình tour cho Nhà hát Lớn
Trong quá trình hoạt động, ngoài việc tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, Nhà hát Lớn Hà Nội đã đón tiếp, phục vụ và giới thiệu lịch sử, kiến trúc của Nhà hát cho hàng trăm đoàn khách chủ yếu là du khách nước ngoài. Loại hình này hiện nay vẫn đang hoạt động song chưa có được sự đầu tư và truyền thông. Được sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, kết hợp với Tổng cục Du lịch, Cục nghệ thuật biểu diễn, Nhà hát Lớn đang xây dựng gói sản phẩm du lịch để phục vụ khách quốc tế đến tham quan công trình lịch sử. Dự kiến, Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ bắt đầu mở cửa đón khách tham quan và xem biểu diễn nghệ thuật từ đầu tháng 6-2017 với tần suất 2 buổi/tuần.
Trích đoạn Tuồng "Ông già cõng vợ đi xem hội" được biểu diễn tại Nhà hát Lớn chiều 10-5.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Nhà hát lớn Hà Nội cho biết: Công tác xây dựng tham quan Nhà hát Lớn đã chuẩn bị từ nhiều tháng nay. Theo đó, Nhà hát Lớn xây dựng 2 gói sản phẩm du lịch gồm: Dành cho khách chỉ vào tham quan với mức giá 120.000 đồng/người và gói 400.000 đồng với gói tham quan và xem biểu diễn nghệ thuật. Sản phẩm văn hóa phục vụ khách du lịch được triển khai tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ban ngày các ngày trong tuần. Du khách sẽ được thuyết minh viên giới thiệu về lịch sử, kiến trúc của nhà hát, được xem chương trình nghệ thuật với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau biểu diễn ở sân khấu chính và sân khấu nhỏ trong phòng Gương; được tương tác với hoạt động diễn tập chương trình ở sân khấu chính; được trải nghiệm ngồi lô VIP dành cho nguyên thủ khi xem biểu diễn; được xem các hiện vật gắn với Nhà hát Lớn từ khi khởi công xây dựng đến nay, tư liệu về quá trình trùng tu nhà hát vào năm 1995…
“Qua đó, chúng tôi hy vọng sẽ xây dựng sản phẩm văn hóa phục vụ du khách có tính lâu dài, đặc sắc, hấp dẫn, đưa Nhà hát Lớn Hà Nội trở thành một điểm đến của du khách trong và ngoài nước; phát triển, đa dạng hóa sản phẩm du lịch văn hóa tại Hà Nội, định hình trở thành một điểm đến tham quan, du lịch và trải nghiệm thú vị của du khách. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá được các loại hình nghệ thuật đặc sắc của đất nước đến với du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật truyền thống”, bà Nguyệt chia sẻ.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch khẳng định: Việc mở tour khai thác Nhà hát Lớn sẽ tạo ra được sản phẩm kết nối nét văn hóa truyền thống của Hà nội, đa dạng hóa sản phẩm du lịch Thủ đô, giúp Hà Nội trở thành một điểm đến tham quan, du lịch và trải nghiệm thú vị của du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, Nhà hát Lớn nằm ở khu vực trung tâm gần phố cổ và hồ Gươm, chúng tôi muốn tạo một chương trình tour du lịch trọn gói cho du khách, vừa tham quan những giá trị văn học, vừa tham quan giá trị phố cổ. Có thể đó là những nét ẩm thực, nét văn hóa sinh hoạt của người Việt, thăm bảo tàng và sau đó xem biểu diễn văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Trung tâm Nhà hát Lớn. Các điểm này nằm ngay tại khu phố cổ và Hồ Hoàn Kiếm sẽ tạo ra một dấu ấn tốt cho khách du lịch.
Bà Nghiêm Thúy Hà, Giám đốc sản phẩm công ty Threeland travel cũng cho rằng, việc mở cửa, bán vé cho khách vào tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội rất có ý nghĩa bởi đây là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, nhưng lâu nay khách chỉ được đứng ở ngoài chụp ảnh. Tuy nhiên, việc xây dựng Nhà hát Lớn là tác phẩm cực lớn và cực vất vả, cần có nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc để thu hút khách. Bên cạnh đó, cần có bảng công nghệ như ở các bảo tàng lớn trên thế giới, để khách có thể bấm chọn bằng nhiều ngôn ngữ như tiếng Anh, tiếng Pháp,… Các tác phẩm biểu diễn nghệ thuật nên có sự pha trộn âm thanh, ánh sáng, cải biên, cải tiến để thu hút khách và nên có phông hình ảnh bổ trợ cho phần biểu diễn.
Ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định, sẽ đề xuất hỗ trợ các công ty lữ hành khi xây dựng tuyến khảo sát tour cũng như chương trình đưa khách đến Nhà hát Lớn trong năm 2017 và tiếp tục thực hiện trong năm 2018.
Vẻ đẹp của công trình kiến trúc hơn 100 năm tuổi. Xem clip tại đây:
THÚY NGUYỄN- MINH TUẤN (thực hiện)