Sinh ra trong gia đình có truyền thống vẽ tranh sơn mài ở phường La Khê (quận Hà Đông), có cha là họa sĩ nổi tiếng Chu Mạnh Chấn, từ nhỏ, tình yêu hội họa, nghệ thuật truyền thống đã hun đúc trong tâm trí Chu Lượng. Lớn lên, tốt nghiệp ngành hội họa, diễn viên múa rối, có bằng thạc sĩ lý luận, phê bình sân khấu, song Chu Lượng luôn theo đuổi, đắm đuối với nghệ thuật múa rối. Nổi tiếng là nghệ sĩ tạo hình con rối, biên soạn và dàn dựng nhiều tiết mục múa rối ở các sự kiện nghệ thuật trong và ngoài nước; truyền nghề và khôi phục nhiều làng nghề múa rối, đối với NSƯT Chu Lượng, múa rối không chỉ là tình yêu mà còn là mạch sống, là khát khao thôi thúc ý chí sáng tạo và vươn lên không ngừng.

leftcenterrightdel
Họa sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Chu Lượng. 

Khi còn là Phó giám đốc phụ trách Nhà hát Múa rối Thăng Long, NSƯT Chu Lượng đã có nhiều đóng góp cho việc khôi phục, bảo tồn và quảng bá nghệ thuật múa rối ra cộng đồng và quốc tế. Khi về nghỉ hưu, ông vẫn trăn trở với con rối, dành lời khuyên cho những người tâm huyết với nghệ thuật múa rối. Hiện nay, NSƯT Chu Lượng lưu lại những gương mặt con rối tại bảo tàng nghệ thuật tư nhân ở quê nhà. NSƯT Chu Lượng xem bảo tàng là nơi lưu giữ những gì mình đã gắn bó cả cuộc đời, để cho con cháu, bạn bè về đây thưởng lãm, tìm hiểu nghệ thuật múa rối. NSƯT Chu Lượng tâm sự: “Cả cuộc đời tôi gắn bó với nghệ thuật múa rối, bây giờ nghỉ hưu rồi cũng vậy và sau này luôn thế. Tôi đã đi rất nhiều nơi, đến rất nhiều phường rối để gặp gỡ các nghệ nhân, nghe lại những câu chuyện, tích trò... Nét sinh hoạt văn hóa đời thường của làng quê cũng như vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân đã tác động vào tôi, ngấm vào tôi, giúp tôi tạo ra những con rối giản dị, mộc mạc”.

NSƯT Chu Lượng mang kỹ thuật sơn mài truyền thống để làm nên những con rối, để lưu giữ vẻ đẹp của người dân quê. Ngược lại, chính nghệ thuật múa rối đã tạo cảm hứng để Chu Lượng thổi hồn vào những bức tranh chân dung mà ông vẽ. Sau thành công của Triển lãm tranh “Chu Lượng và những người bạn” vào năm 2016, mới đây, họa sĩ, NSƯT Chu Lượng ra mắt sách ảnh và Triển lãm “Từ chân dung đến chân dung-những người đàn bà tôi vẽ”. Sự kết hợp giữa hội họa và múa rối đã tạo nên những chất rất riêng mà người ta chỉ thấy ở Chu Lượng.

Nhìn nhận về tranh chân dung của Chu Lượng, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ: “Việc Chu Lượng chọn đề tài vẽ về những người phụ nữ là một thách thức. Người phụ nữ nào muốn Chu Lượng vẽ đều mong ước nhan sắc của họ vĩnh hằng trên đường nét và màu sắc của Chu Lượng. Chu Lượng như thấu hiểu điều đó. Chu Lượng không bỏ sót bất cứ điều gì làm nên vẻ đẹp nhan sắc họ. Nhưng trong sâu thẳm, Chu Lượng dày công đi tìm một vẻ đẹp khác của họ-vẻ đẹp người”.

Họa sĩ, NSƯT Chu Lượng vẽ chân dung người phụ nữ trên tinh thần của nghệ thuật múa rối, vẽ họ trong sáng nhất, đẹp đẽ nhất, hồn nhiên nhất. Dù thời gian qua dành nhiều thời gian để vẽ tranh chân dung, nhưng khi được hỏi điều quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình, không một giây suy nghĩ, họa sĩ, NSƯT Chu Lượng khẳng định: "Nghệ thuật múa rối".

Bài và ảnh: PHÚC ĐIỀN