Khu phố cổ Hà Nội có kiến trúc độc đáo. Nhiều ngôi nhà cổ vẫn giữ nguyên những nét rêu phong trước sự thay đổi của không gian và thời gian. Những ngôi nhà ống thường có sân chung, nối tiếp nhau từ dãy phố này đến dãy phố khác, với những lối đi nhỏ bên trong căn nhà và gạch xây dựng đã trở thành hình ảnh quen thuộc không thể lẫn vào đâu giữa lòng Thủ đô. Mỗi tên phố thường mang đặc trưng của một ngành nghề thủ công truyền thống như: Hàng Bông, Hàng Gai, Lò Rèn, Hàng Đường, Hàng Bạc... Khu phố cổ là một trung tâm văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, là hồn cốt của mảnh đất Thăng Long-Hà Nội nghìn năm văn hiến. Đây cũng chính là không gian diễn ra các sinh hoạt văn hóa cộng đồng cũng như các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản, là một trong những yếu tố tạo thành môi trường di sản văn hóa cần được bảo tồn và phát triển.
 |
Tháp Hòa Phong trên phố Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: TTXVN |
Trước thách thức của quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập, với bản sắc riêng có của mình, khu phố cổ Hà Nội luôn thích nghi để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh của Hà Nội tác động không nhỏ đến môi trường thiên nhiên và con người, làm khu phố cổ Hà Nội bị biến dạng và xuống cấp nghiêm trọng, cần phải được bảo tồn, tôn tạo. Đây là việc làm khó khăn, phức tạp, cần sự thống nhất của các cấp chính quyền và người dân. Do đó, vấn đề bảo tồn, tôn tạo và phát triển khu phố cổ Hà Nội không chỉ là trách nhiệm của người dân phố cổ, của Hà Nội, mà là của cả nước.
Những năm qua, khu phố cổ Hà Nội đã được thành phố cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và đạt chỉ tiêu kỹ thuật ở mức độ cao. Người dân phố cổ Hà Nội không còn cảnh thiếu nước, thiếu điện. Hạ tầng xã hội như trường mầm non, tiểu học, THCS, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan cấp quận, phường được đầu tư cải tạo đồng bộ. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được còn rất thấp do quá tải về dân số.
Giảm dân số cùng với việc giãn dân đang là yêu cầu tất yếu để bảo đảm tốt nhất cho công tác bảo tồn, tôn tạo, nâng cao chất lượng sống và cải thiện môi trường, cơ sở hạ tầng chất lượng đô thị, tạo động lực phát triển đô thị bền vững. Không những thế, việc giảm mật độ dân số khu phố cổ Hà Nội sẽ bảo đảm hạ tầng kỹ thuật và môi trường đô thị, góp phần bảo tồn, duy trì được nếp sống văn hóa truyền thống lâu dài của Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, việc giãn dân, di dời đến nơi ở khác được ít người dân ủng hộ bởi giá trị mà khu phố cổ mang lại lớn. Phố cổ không chỉ là nơi ở mà còn là nơi kinh doanh, buôn bán sầm uất, có dịch vụ việc làm đa dạng, giá trị về tinh thần và truyền thống là những điều khiến nhiều người không muốn chuyển nơi ở. Do vậy, quá trình thực hiện dự án bảo tồn, tôn tạo phát triển khu phố cổ Hà Nội cần có những chính sách hỗ trợ để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân.
Thực tế hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở khu phố cổ thời gian qua còn có một số vấn đề bất cập. Mối quan hệ giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế-xã hội cùng với quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa chưa thực sự được giải quyết hài hòa nên dù đã được khai thác nhiều năm nhưng du lịch phố cổ vẫn chưa khai thác tương xứng với giá trị, tiềm năng vốn có và các mục tiêu phát triển. Công tác quản lý, bảo tồn di tích ở khu phố cổ còn bất cập. Vấn đề quản lý trật tự đô thị còn hạn chế, còn tình trạng “chặt chém” du khách; vấn đề vệ sinh môi trường đường phố, quản lý rác thải, an toàn thực phẩm... ở một số nơi chưa bảo đảm. Công tác quản lý di sản còn bị buông lỏng, có sự chồng chéo nên việc quản lý và khai thác các di sản với tư cách là tài nguyên du lịch nhân văn còn hạn chế, chưa bám sát các quy hoạch phát triển du lịch nên chưa giải quyết thực sự tốt bài toán giữa bảo tồn, giữ gìn di sản văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội.
Trong thời gian tới, để có thể gắn kết giá trị di sản văn hóa khu phố cổ với phát triển kinh tế-xã hội và nâng tầm vị thế phố cổ trong phát triển Thủ đô, cần phải đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, phát huy mặt tích cực của truyền thông xã hội, các hoạt động giáo dục, triển lãm, bảo tàng, lễ hội cùng các sinh hoạt văn hóa khác để nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn quận Hoàn Kiếm nói riêng và Thủ đô nói chung về vị trí, vai trò của việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa trong phát triển kinh tế-xã hội. Phát huy niềm tự hào và trách nhiệm, vai trò của nhân dân Thủ đô trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái trong quá trình khai thác nguồn tài nguyên nhân văn quý giá này để phát triển kinh tế-xã hội, tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Khuyến khích nhân dân Thủ đô chủ động cùng tham gia quản lý di sản, nhất là người dân phố cổ; đồng thời rèn luyện ứng xử văn hóa, xây dựng đạo đức kinh doanh trong hoạt động khai thác di sản, kinh doanh du lịch và cung cấp các dịch vụ liên quan tại khu phố cổ cũng như những điểm du lịch khác của thành phố.
Công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa khu phố cổ cũng cần được quan tâm, trong đó chú trọng vai trò của Ban Quản lý phố cổ Hà Nội. Thực hiện nghiêm các quy định quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn, gắn với phân cấp, phối hợp quản lý nhà nước về du lịch giữa thành phố và quận Hoàn Kiếm, đặc biệt trong quản lý hoạt động lưu trú du lịch, lữ hành. Khu phố cổ cần cải tạo chỉnh trang để gìn giữ, phát huy các giá trị đô thị lịch sử; bổ sung, hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật trong khu vực; không phát triển công trình cao tầng, giảm mật độ xây dựng và mật độ cư trú; bảo tồn đặc trưng, cấu trúc đô thị cũ và bảo vệ, phát huy giá trị cảnh quan các công trình kiến trúc có giá trị lịch sử qua các thời kỳ phát triển xây dựng Thủ đô. Định hướng hoạt động du lịch và các hoạt động dân sinh khác trong lòng di sản phố cổ một cách bền vững; quy định chi tiết về quy tắc ứng xử với di sản; kiểm soát và cân bằng nhịp sống của hệ sinh thái tại di sản. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia, nhà nghiên cứu, các thợ lành nghề tham gia những hoạt động bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa.
Tiến sĩ, kiến trúc sư TÔ THỊ TOÀN
(nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Quản lý phố cổ Hà Nội)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.