Những tác phẩm của Trần Mạnh Hùng ở cả lĩnh vực giao hưởng và ca khúc thính phòng được sáng tác với quan điểm kỹ thuật chuẩn mực thế giới không thể tách rời cách thức tiếp nhận âm nhạc của người Việt, như: “Gió lộng bốn phương”, “Khúc giao hòa mùa xuân”, giao hưởng thơ “Lệ Chi Viên”... đã vang lên khơi gợi những cảm xúc sâu lắng, trữ tình. Khán giả đã dành những tràng vỗ tay tưởng như không dứt sau khi thưởng thức tổ khúc “Dòng chảy”, được nhạc sĩ viết cho dàn nhạc giao hưởng trình diễn cùng dàn nhạc dân tộc, như một vở diễn hoàn chỉnh với 21 bài dân ca của 3 miền Bắc-Trung-Nam. Đó là những ca khúc “Đợi nàng” được viết dựa trên dân ca Tày “Thei mai” và “Người yêu hỡi” làn điệu dân ca Chăm; “Ô mơi”-dân ca K'ho Lạch và “Kpu leh” là điệu hát ru của người Giẻ Triêng; “Gió đánh đò đưa” theo làn điệu dân ca Bắc Bộ... hòa lẫn trong những tiết tấu của âm nhạc hiện đại và được “chăm sóc” kỹ lưỡng cả trong sáng tác và phối khí của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng. Với Trần Mạnh Hùng, những sáng tác đó là con đường để anh góp sức tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc, thổi vào đó tinh thần và sức sống thời đại, xây nên không gian âm nhạc mới sang trọng, hiện đại nhưng không kém phần tinh tế, bí ẩn, quyến rũ.

leftcenterrightdel
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng (ngoài cùng, bên phải) làm việc với ê kíp nghệ sĩ Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời Hà Nội. 

“Người làm âm nhạc cần biết mình đến từ đâu. Nếu không biết giá trị của ngôn ngữ mẹ đẻ thì mọi câu chuyện của mình sẽ bị “ngọng” với quốc tế, không còn là tác phẩm âm nhạc của nước mình nữa. Các tác giả nổi tiếng thế giới họ cũng viết những tác phẩm từ tiếng mẹ đẻ, quê hương, xứ sở của mình mà ra”, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cho hay.

Nhạc trưởng Marius Stravinsky, Giám đốc âm nhạc Dàn nhạc Saint Petersburg (Nga) nhận xét, sự hòa quyện, kết hợp âm nhạc dân gian Việt Nam trên nền tảng những quy luật âm nhạc thính phòng của Trần Mạnh Hùng là sự giao hòa hết sức độc đáo để chia sẻ với nhân loại. Đó là lời nhận xét chân thành, khách quan của vị nhạc trưởng sau khi trực tiếp chỉ huy biểu diễn 11 tác phẩm của Trần Mạnh Hùng sáng tác và chuyển soạn trong chuyến lưu diễn tại Nga, tại nhà hát lớn của Saint Petersburg-cái nôi của văn hóa thế giới-một không gian âm nhạc mới đã được mở ra và đưa đến một hình ảnh rất khác về âm nhạc Việt Nam.

Không chỉ dừng ở việc sáng tác, chuyển soạn, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đang dành thời gian truyền lửa cho thế hệ nhạc sĩ trẻ sáng tác nhạc giao hưởng thính phòng; đảm nhận công việc giám đốc âm nhạc, cố vấn âm nhạc trong các chương trình âm nhạc của các tài năng trẻ của âm nhạc thính phòng. Để qua đó gieo những điều tốt đẹp, tích cực, sự tự tin cho thế hệ trẻ qua công việc giảng dạy, qua chính công việc và những giải thưởng mà anh có được... Với hy vọng, các bạn trẻ nhìn vào đó sẽ có thêm động lực, đam mê để có thể làm được nhiều tác phẩm lớn hơn nữa cho âm nhạc Việt Nam.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đã đoạt nhiều giải thưởng cao của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, trong đó có giải nhất về sáng tác khí nhạc, gồm: Giao hưởng thơ “Lệ Chi Viên”, giao hưởng thơ “Hào khí Thăng Long”, liên khúc giao hưởng “Một nửa cõi trầm”... Năm 2017, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng là tác giả trẻ nhất (44 tuổi) của Việt Nam vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật.

Bài và ảnh: CHÂU XUYÊN