Phóng viên (PV): Ông có thể điểm lại những việc làm được của Hội Kiều học Việt Nam trong gần 10 năm hoạt động?

GS Phong Lê: Từ khi thành lập năm 2011 đến nay, Hội Kiều học Việt Nam đã có những đóng góp tích cực khi vừa phát triển hội viên trong toàn quốc, vừa tổ chức các hội thảo khoa học, vừa triển khai những công trình nghiên cứu, để thiết thực vinh danh Nguyễn Du. Trong đó, có thể kể tới những hội thảo tiêu biểu như: “Dòng chảy văn hóa xứ Nghệ từ “Truyện Kiều” đến phong trào "Thơ mới”; “Bắc hành Tạp lục”; “Đại thi hào Nguyễn Du và kiệt tác “Truyện Kiều”; “Nguyễn Du và "Truyện Kiều” với quê hương Hà Tĩnh”; “Giảng dạy-học tập Nguyễn Du và “Truyện Kiều” trong nhà trường”; “Doanh nhân với “Truyện Kiều”-“Truyện Kiều” với doanh nhân”; “Nguyễn Du và Pushkin-tương đồng và khác biệt”... Hội đã tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Nguyễn Du vào năm 2015. Trong đó, nổi bật nhất là tổ chức biên soạn văn bản “Truyện Kiều” của Hội Kiều học Việt Nam với những khảo dị, chú thích công phu, nhằm đạt được sự đồng thuận cao trong giới người đọc; xây dựng bộ phim “Trăm năm trong cõi Truyện Kiều” (đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn-phát sóng năm 2016); công diễn vở chèo “Hoạn Thư ghen” (tác giả Phương Văn-năm 2015); cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành bộ tem Nguyễn Du.

GS  Phong Lê.

Về các công trình nghiên cứu và sáng tác, có thể kể tới “Truyện Kiều và văn hóa Việt Nam” của Nguyễn Văn Hoàn, Đặng Thanh Lê, Vũ Ngọc Khánh, Thái Kim Đỉnh, Nguyễn Thế Anh; “Nghệ thuật Truyện Kiều” của Phạm Đan Quế; tiểu thuyết “Nguyễn Du trên đường gió bụi” của Hoàng Khôi... Ngoài ra, hội tham gia thành lập các Trung tâm nghệ thuật quảng bá Nguyễn Du, khai trương Vườn Kiều ở Đồng Nai như một địa chỉ du lịch độc đáo. Đặc biệt, hội đã đề xuất và cùng với Ủy ban UNESCO Việt Nam tham gia xây dựng hồ sơ, để UNESCO ban hành nghị quyết vinh danh Nguyễn Du trên toàn thế giới vào năm 2015.

PV: Ông có thể cho bạn đọc biết thêm về hoạt động của các chi hội Kiều học địa phương cũng như tình hình nghiên cứu Truyện Kiều ở nước ngoài?

GS Phong Lê: Đến nay, Hội Kiều học Việt Nam đã có trên 600 hội viên, 13 văn phòng đại diện và chi hội tại các địa phương. Những năm qua, các chi hội Kiều học địa phương đã tích cực vận động, nghiên cứu, quảng bá những giá trị của Truyện Kiều tới đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là học sinh. Chi hội Kiều học tỉnh Bắc Ninh cũng đã nhiều lần tổ chức trưng bày các di vật của gia tộc Nguyễn Du gồm: Đồ thờ tự, đồ gia dụng, hoành phi, sách vở... Chi hội Kiều học tại tỉnh Thái Bình đã ra được nhiều tập sách “Thái Bình với Nguyễn Du và Truyện Kiều” dày trên 300 trang mỗi tập. Có một điều rất đáng mừng là những hội viên Hội Kiều học tỉnh Thái Bình ai cũng ít nhiều viết được bài nghiên cứu hay sáng tác về Kiều-Nguyễn Du. Đây chính là tiêu chuẩn để được kết nạp vào Chi hội Kiều học ở tỉnh Thái Bình. Cũng vì thế mà các hội viên ở đây không chỉ là người địa phương mà còn có nhiều người ở tỉnh khác đến tham gia.

Tuy mới được thành lập từ năm 2019 nhưng Chi hội Kiều học TP Hà Nội đã trở thành “địa chỉ vàng” dành cho những người yêu Truyện Kiều-Nguyễn Du. Trong nhiệm kỳ đầu, chi hội đề ra 9 hoạt động quan trọng: Hoàn chỉnh niên biểu chi tiết về Nguyễn Du; tổng kết khoa học, chính xác thời điểm Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều; phối hợp với các cơ quan hữu quan TP Hà Nội có nghiên cứu khẳng định về thời gian Nguyễn Du được phong Tri phủ Thường Tín (năm 1802); xây dựng địa danh Tổ nội, Tổ ngoại của Nguyễn Du ở huyện Thanh Oai thành trọng điểm du lịch trong bản đồ du lịch quê cha, quê mẹ, quê vợ và tổ tiên Nguyễn Du; tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức nghệ thuật để các thế hệ người Việt và bạn bè quốc tế biết đến kiệt tác Truyện Kiều...

Gần đây, vào tháng 6-2020, Chi hội Kiều học TP Hồ Chí Minh đã ra mắt.

Vượt ra ngoài biên giới Việt Nam, Truyện Kiều đã có thể đến với độc giả nhiều nước trên thế giới. Tính đến nay đã có hơn 30 bản dịch Truyện Kiều ra gần 20 thứ tiếng nước ngoài. Các học giả quốc tế đều ca ngợi Truyện Kiều là tác phẩm xứng đáng nhất của nền thơ cổ điển Việt Nam và Nguyễn Du là đại thi hào. Ngoài ra, đã có hàng trăm học giả nước ngoài sang Việt Nam để nghiên cứu về Truyện Kiều-Nguyễn Du và mang kết quả nghiên cứu về giảng dạy ở các trường học khắp năm châu.

Các thành viên Hội Kiều học Việt Nam tham quan Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du ở Hà Tĩnh.Ảnh: LÊ MAI. 

PV: Nhân tưởng niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du, Hội Kiều học Việt Nam có những hoạt động tiêu biểu nào? Trọng tâm hoạt động của hội trong những năm tiếp theo là gì, thưa ông?

GS Phong Lê: Nhân tưởng niệm 200 năm ngày mất của Nguyễn Du, Hội Kiều học Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh, Đài Tiếng nói Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hai cuộc thi “Sáng tác văn tế Đại thi hào Nguyễn Du” và “Bạn đọc thuộc Kiều”. Cuộc thi “Sáng tác văn tế Đại thi hào Nguyễn Du” đã nhận được sự tham gia của đông đảo những người yêu Kiều, mến mộ Nguyễn Du. Trong đó, tác giả đoạt giải Nhất cuộc thi này là nhà giáo Kha Tiệm Ly và tác phẩm này được đọc ở Khu lưu niệm Nguyễn Du đúng ngày giỗ của cụ Nguyễn Du (10-8 âm lịch). Với cuộc thi “Bạn đọc thuộc Kiều”, chúng tôi muốn có một câu trả lời cho một băn khoăn lớn của Nguyễn Du lúc sinh thời: "Không biết 300 năm sau có ai còn nhớ đến mình không?". Câu trả lời đó là: Không phải chờ đến 300 năm mà ở thời điểm 200 năm sau, trong một cuộc thi mang tên “Bạn đọc thuộc Kiều” đã có 40 người chính thức đoạt giải thuộc 3.254 câu, bên cạnh đó rất nhiều người thuộc "Truyện Kiều" nhưng không tham dự. Điều đáng nói, người đoạt giải Đặc biệt xuất sắc cuộc thi “Bạn đọc thuộc Kiều” là Tiến sĩ Toán học Nguyễn Huy Việt, hiện đang sinh sống và làm việc tại Đức.

Trong những năm sắp tới, Hội Kiều học Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, quảng bá sâu rộng hơn nữa giá trị của Truyện Kiều và Nguyễn Du đến với đông đảo mọi tầng lớp trong xã hội. Để từ đó mang những tinh hoa, giá trị văn hóa, văn chương, ngôn ngữ Truyện Kiều và Nguyễn Du cho muôn người, cho mọi nhà.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

HÀM ĐAN (thực hiện)