Thành quả đã mỉm cười với anh, không chỉ là những giải thưởng xứng đáng, cơ bản hơn, các công trình của anh được bạn đọc tìm đến, nhất là giới học giả nghiên cứu văn chương cổ điển Việt Nam đọc để lấy tư liệu, để đối sánh, tham khảo... Đến nay, khối lượng sách in rất lớn, tới vài nghìn trang, anh lại vừa cho in tiếp công trình “Giải mã thơ chữ Hán Lê Quý Đôn” dày hơn 800 trang.

Bìa cuốn sách.

Cuốn sách là sự kỳ công trong thu thập, hệ thống hóa thơ chữ Hán của Lê Quý Đôn từ trước đến nay thành các chủ đề: Thơ viết khi còn ở tuổi thiếu niên (14 bài); thơ viết trước khi đi sứ (4 bài); thơ tiễn bạn đi sứ (14 bài); thơ viết trên đường lên ải Nam Quan (30 bài); thơ viết trên đường lên Yên Kinh (83 bài); thơ viết trên đường đi sứ trở về ải Nam Quan (32 bài); thơ viết trong nước (50 bài)... Việc hệ thống hóa theo chủ đề này là cần thiết, đó là những căn cứ quan trọng về bối cảnh để cắt nghĩa nội dung tác phẩm.

Là nhà bác học lớn của nước ta thời trung đại, một phần lớn trước tác tâm huyết của Lê Quý Đôn được “mã hóa” vào thơ chữ Hán, do vậy hôm nay rất cần một sự “giải mã”, không chỉ để hiểu sâu hơn về Lê Quý Đôn mà còn góp phần hiểu thêm về bức tranh văn hóa phương Đông cổ xưa.

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục đã góp sức mình vào công việc khó khăn mà rất đáng tự hào ấy. Dù được kế thừa công trình sưu tầm, biên dịch 550 bài thơ chữ Hán Lê Quý Đôn của nhóm tác giả do PGS, TS Trần Thị Băng Thanh chủ biên (NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, 2020), nhưng công lao của Vũ Bình Lục vẫn thể hiện rõ ở chỗ chọn, dịch thơ 400 bài thơ tiêu biểu. Quan trọng hơn, như là một người gợi ý để bạn đọc tiếp nhận, ở mỗi bài, anh có sự giới thiệu cụ thể, chi tiết về bối cảnh ra đời, sự đối sánh với các bài thơ nổi tiếng cùng chủ đề (thường là thơ Đường luật) trước đó.

Với thái độ tôn trọng độc giả, tác giả chỉ đưa ra những cứ liệu cần thiết, còn lại dành cho bạn đọc sự suy ngẫm, đánh giá, thưởng thức, kết luận. Đó là tinh thần dân chủ khoa học đáng quý.

Là người am hiểu Hán Nôm và văn hóa phương Đông, đồng thời là nhà thơ, anh dịch thơ theo nguyên tắc bám sát câu chữ bản phiên âm nhưng cũng vừa lột tả thần thái tác phẩm về nội dung lại vừa Việt hóa (thường theo lối lục bát) về hình thức. Ví như bản dịch thơ trong chùm bài miêu tả hồ Động Đình (khi Lê Quý Đôn đi sứ Trung Quốc), anh chuyển thể lục bát khá nhuần nhụy nhưng vẫn làm nổi lên cái riêng không gian cổ xưa của một danh lam nổi tiếng: “Sóng lấp lánh, khói sương mờ/ Bốn phương xanh biếc, cảnh thơ diệu kỳ/ “Nhà vàng hiên ngọc” ai ghi/ Nam Minh cõi ấy, phải chi ao trời”.

Công trình dày dặn, quá nhiều đơn vị kiến thức phải khảo sát, do vậy khó tránh khỏi một số khiếm khuyết. Vẫn còn chỗ phiên âm sai, ví như ở bài “Quá Mạc Châu túc Hùng huyện Quy Nghĩa dịch” (Qua Mạc Châu nghỉ đêm ở trạm dịch Quy Nghĩa, huyện Hùng), trong bản chữ Hán là “Yên nam” nhưng bản phiên âm lại là “Yên ma”...

Hay Vũ Bình Lục cho rằng mới 10 tuổi nhưng Lê Quý Đôn đã là tác giả của các bài thơ chữ Hán. Điều này cũng đã có sách viết. Nhưng đối chiếu văn bản, ví như bài “Giang thượng lâu” (Lầu trên sông), thì một cậu bé 10 tuổi, dù “thần đồng” cũng rất khó đạt được thi pháp già dặn và tình ý, tình điệu, cảm hứng giàu trải nghiệm như vậy. Phải chăng vì quý mến nhà bác học mà người ta (nhất là những học trò của Lê Quý Đôn) đã “thiêng hóa” ông?

Lược bỏ qua vài ba sơ suất như vậy, dẫu sao đây cũng là một công trình đáng quý về tư liệu, vừa có giá trị khảo cứu, vừa có giá trị dịch thuật, cung cấp một phương diện trước tác cơ bản của nhà bác học Lê Quý Đôn.

NGUYỄN THANH TÚ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.