Tính từ đổi mới (năm 1986) cho đến nay đã gần 4 thập kỷ, nền lý luận, phê bình văn học nước nhà có những sự thay đổi cả về lượng và chất theo chiều hướng tích cực. “Thi pháp thơ Tố Hữu” là một trong những công trình đặt nền móng đầu tiên cho những thay đổi ấy.

Công trình đã mở ra một hướng nghiên cứu mới về thơ Tố Hữu. Trước Trần Đình Sử, thơ Tố Hữu là đối tượng nghiên cứu của rất nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học nổi tiếng như Hoài Thanh, Lê Đình Kỵ, Đặng Thai Mai... Những đóng góp của các tác giả trên đã làm sáng tỏ nhiều giá trị quan trọng về nội dung-tư tưởng, phong cách sáng tác, chủ đề, thể loại, ngôn ngữ... trong thơ Tố Hữu. Tuy vậy, đây vẫn chỉ là những phát hiện, tìm tòi ở những điểm riêng rẽ chứ chưa nhìn nhận thơ Tố Hữu “như một chỉnh thể, một thế giới có quy luật vận động nội tại”. Từ cách tiếp cận thi pháp học, Trần Đình Sử đã đưa ra những kiến giải mới, độc đáo về thơ Tố Hữu như: Thơ Tố Hữu là thơ trữ tình chính trị, là sự kết hợp hài hòa giữa “tư cách cách mạng cao đẹp nhất, sáng rõ nhất của thời đại với hình thức ngôn ngữ thơ tiếng Việt hiện đại”, giữa tuyên truyền với trữ tình; con người trong thơ Tố Hữu là con người chính trị; không gian chủ đạo trong thơ Tố Hữu là con đường cách mạng, là không gian cộng đồng-nhân dân; thời gian trong thơ Tố Hữu là thời gian của những sự kiện cách mạng lớn; giọng điệu chính trong thơ Tố Hữu là điệu nói... Những phát hiện quan trọng này đã bổ sung hoàn chỉnh cho việc nghiên cứu thơ Tố Hữu, góp phần khẳng định vị trí, vai trò hàng đầu của ông trong nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Điều này chứng minh thơ ca Tố Hữu nói riêng, thơ ca và văn học cách mạng nói chung có sức sống mãnh liệt và giá trị nội dung, nghệ thuật cao. Việc nhìn nhận, đánh giá bằng thi pháp học không hề hạ thấp mà trái lại làm phong phú hơn, đủ đầy hơn những nét hay, nét đẹp trong thơ ca Tố Hữu và văn học cách mạng. Thi pháp học, do vậy, không phải đi ngược lại như một số nghi ngại, lo lắng, mà là một sự bổ sung hoàn hảo cho phương pháp xã hội học mác-xít đang giữ vai trò chủ lưu trong nền nghiên cứu, phê bình nước ta tại thời điểm ấy.  

leftcenterrightdel
 Bản in "Thi pháp thơ Tố Hữu", Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin năm 2001. Ảnh: HÀM ĐAN  

Không chỉ dừng lại ở nghiên cứu một trường hợp cụ thể, thông qua "Thi pháp thơ Tố Hữu", GS Trần Đình Sử đã giới thiệu một phương pháp nghiên cứu, phê bình mới đầy triển vọng cho nền nghiên cứu, phê bình văn học nước nhà. Thi pháp học với chức năng là một “bộ môn khoa học nghiên cứu các phương thức và phương tiện thể hiện một cách nghệ thuật, cũng như khám phá đời sống một cách hình tượng”, để chỉ ra “quan niệm nghệ thuật” của tác giả, “cái lý, cái logic bên trong của nghệ thuật” đã “thổi một luồng gió mới” vào nền nghiên cứu, phê bình nước nhà giai đoạn sau năm 1986, làm bầu không khí nghiên cứu, phê bình trở nên hứng khởi hơn. Các khái niệm như quan niệm nghệ thuật về con người, không gian-thời gian nghệ thuật, chất thơ, phương thức thể hiện... dần trở nên phổ biến và được ứng dụng rộng rãi trong nghiên cứu, phê bình văn học. Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học đã sử dụng thi pháp học như hướng tiếp cận chủ đạo, từ đó cho ra những kết quả khả quan, tích cực.

Từ thành công của thi pháp học trong nghiên cứu thơ Tố Hữu và hòa cùng không khí đổi mới sau năm 1986, nền nghiên cứu, phê bình văn học nước nhà đã tiếp nhận nhiều phương pháp khác như ký hiệu học, tự sự học... qua các công trình, dịch thuật của nhiều thế hệ nhà nghiên cứu. Những phương pháp mới du nhập làm cho nền nghiên cứu, phê bình văn học nước nhà ở trạng thái đa dạng hơn, thực chất, toàn diện hơn và tác phẩm được đánh giá một cách chính xác, công bằng hơn.

Với những ý nghĩa kể trên, "Thi pháp thơ Tố Hữu" của GS Trần Đình Sử xứng đáng là một trong những cột mốc đáng nhớ nhất trong lịch sử nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam hiện đại.

Tiến sĩ ĐOÀN MINH TÂM

Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.