Thôn Phú Hòa là một ngôi làng nhỏ có dòng sông Tiêm thơ mộng chảy qua, là “chiếc nôi” còn lưu giữ nhiều làn điệu ca cổ nổi tiếng như: Hát Sắc bùa, hát Ví, giặm mà ai đi xa cũng nhớ. Nếu như hát Sắc bùa và hát Ví, giặm đã khá phổ biến và lan tỏa ở địa phương thì hát Chầu văn lại không được mấy ai biết đến. Đó là lý do một nhóm các cụ cao niên trong làng đã dày công đi tìm và truyền lại cho nhau điệu hát cổ này.
Cụ Phan Đình Hiền, 79 tuổi, có chòm râu dài bạc phơ, tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp bốn đơn sơ. Cụ Hiền là người đang sở hữu tập tư liệu duy nhất ghi chép bằng tay các điệu hát Chầu văn cổ của làng. Cụ tâm sự: “Hát Chầu văn là loại ca cổ độc đáo phục vụ chủ yếu cho tín ngưỡng Tứ phủ thờ Mẫu và thờ Đức Thánh ở địa phương từ thập niên 1980. Hát Chầu văn thường được tổ chức ở Đền Thánh Mẫu Trầm Lâm, Đền Trại Trụ, Đền Công Đồng trong các dịp lễ tế của làng Phú Gia. Nhưng có thời điểm hát Chầu văn bị quên lãng do bị coi là mê tín dị đoan”. Vừa lần giở cho tôi xem tập hát Chầu văn, những nét chữ đã ố vàng, cụ Hiền vừa bày tỏ niềm tự hào: “Tôi đã tìm kiếm trong các gia phả của họ tộc, tìm gặp các cụ cao niên, các thầy cúng, nghe các cụ hát rồi ghi chép lại, công phu lắm mới có được quyển tập này”. Các cụ đã lập ra hẳn một đội hát Chầu văn 4 người, trong đó có 2 người hát chính (gọi là cung văn), 1 người đánh trống ban, 1 người đánh cồng.
Một buổi luyện hát Chầu văn của các cụ cao niên thôn Phú Hòa.
Cụ Lê Mận, một thành viên đội hát cho biết: Hát Chầu văn vốn có nhiều thể như hát nơi cửa đền, hát thờ, hát hầu bóng. Ở Phú Gia phổ biến nhất là hát nơi cửa đền vào mùa Lễ hội Sơn Phòng Hàm Nghi đầu năm mới, hoặc các ngày sóc, ngày vọng trong năm, còn hát hầu bóng chỉ hát trong lễ Yên vị trong ngày đầu năm mới để phục vụ cho nghi lễ hầu đồng. Nội dung các bài hát Chầu văn đều là kể về xuất xứ, đề cao công trạng, kỳ tích của các vị thánh thờ tại đền. Ví như hát văn về Đức Thánh Mẫu Trầm Lâm có đoạn: “Trăm năm lục quốc Đại Vương/ Từ đường chính ngự uy cường tối linh/ Ấy vị ngọc nữ giáng sinh/ Hiện hình hóa xuống cứu dân thơ hàn/ Miếu thờ vọng giá ngai vàng/ Voi chầu, phượng múa, rồng tâu, nghê quỳ/ Trong miếu thờ thâm nghiêm đài các/ Phương dân đều tu tạc kính tin…”.
Theo các cụ trong đội hát, cái khó nhất bây giờ là làm sao duy trì và truyền lại được hát Chầu văn cho đời sau. Những khó khăn về vật chất như nhạc cụ, trang phục biểu diễn phần nào đó các cụ đều tự trang trải được, chỉ tiếc là không mấy ai mặn mà học hát Chầu văn. Nếu hát Sắc bùa và hát Ví, giặm còn có “đất diễn” thông qua các hội thi, hoặc các gia đình thuê về hát trong các dịp lễ, thì hát Chầu văn dường như chỉ mới phục vụ ở cửa đình, đền.
Hát Chầu văn là một loại hình nghệ thuật ca cổ quý báu của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, việc tự nguyện “giữ lửa” Chầu văn của các cụ ở thôn Phú Hòa thật đáng quý biết bao.
Bài và ảnh: PHẠM KIÊN