QĐND - Hội nghị tổng kết Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011-2015” vừa được Ban chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU tổ chức ngày 2-7. Đây là cơ hội để đánh giá sức lan tỏa của chương trình, những hạn chế cần khắc phục, nhằm gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Nhiều hình thức, nội dung phong phú

Với bề dày truyền thống, Hà Nội là nơi hội tụ, giao thoa, chắt lọc và lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc. Quá trình đổi mới của Thủ đô với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế vô cùng sôi động. Bên cạnh những tác động tích cực cũng đang có những tác động tiêu cực, rõ nhất là đối với việc làm thay đổi hệ thống giá trị. Tốc độ phát triển kinh tế của Hà Nội cao hơn mức trung bình cả nước, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng cùng với sự gia tăng mạnh mẽ của di cư lao động, phân hóa-phân tầng xã hội, du nhập văn hóa nước ngoài, nhu cầu thông tin hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của nhân dân… đã tác động mạnh đến quá trình bảo tồn, phát triển văn hóa ở Thủ đô nói chung và di sản văn hóa nói riêng.

Chính vì vậy, đề cập đến Chương trình 04, không thể không nói đến công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đây là một trong những mục tiêu được Hà Nội quan tâm hàng đầu và được tổ chức thực hiện bằng nhiều nội dung, hình thức đa dạng và phong phú, để làm nên một môi trường sống lành mạnh và những mối quan hệ, ứng xử ấm áp, nhân văn giữa con người với con người. 

Chương trình 04 đã xác định nội dung xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh phải gắn với những mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế và đặc thù riêng của Hà Nội. Quá trình thực hiện chương trình gắn liền với thực hiện các nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Người tốt, việc tốt”, thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”... bằng những tiêu chí cụ thể để tạo được động lực thi đua xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến từng người dân, gia đình, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị. Những năm qua, các mô hình “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị, văn hóa”... đã phát huy được ưu điểm, thúc đẩy hình thành môi trường văn hóa lành mạnh. Hầu hết các quận, huyện, thị xã đã không còn chạy theo số lượng mà tập trung đầu tư, xây dựng mô hình bảo đảm chất lượng gắn với đời sống văn hóa cơ sở và phù hợp với nhu cầu của nhân dân.

Mô hình “Tuần lễ áo dài xuống phố, áo dài đến chợ” của quận Hoàn Kiếm nhằm tôn vinh vẻ đẹp thanh lịch người phụ nữ Hà Nội và phụ nữ Việt Nam.

Theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hà Nội, thời gian qua, thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội rất bền bỉ, kiên trì, nghiêm túc, thiết thực, không chạy theo hình thức với sức mạnh của cả hệ thống chính trị ở các cấp, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đã có nhiều mô hình cưới mới như tổ chức cưới tiệc trà, trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn tại trụ sở UBND phường, xã... Các địa phương, đơn vị trên địa bàn đều tiến hành xây dựng các quy định, nội quy, quy ước, hương ước... nhằm thực hiện nếp sống thanh lịch, văn minh gắn với thực tiễn ở mỗi cơ quan, đơn vị cho phù hợp. 

Với vị thế là quận trung tâm của Thủ đô, gắn với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa Thăng Long-Hà Nội, do vậy, việc phát triển toàn diện sự nghiệp văn hóa-xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng của quận Hoàn Kiếm. Theo bà Phạm Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN quận Hoàn Kiếm, để cụ thể hóa Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội, các cấp hội từ quận đến cơ sở chủ động xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục gắn với phong trào “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc”. Hằng năm, thông qua các kỳ sinh hoạt hội viên, tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu đã giáo dục, vận động cán bộ, hội viên nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng các quan hệ ứng xử giàu tính nhân văn, có nếp sống, hành vi ứng xử văn hóa mọi lúc mọi nơi và trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hội LHPN quận đã phát động phong trào “Lời nói hay, việc làm tốt, phong cách đẹp”, “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” trong cán bộ, hội viên phụ nữ toàn quận, tập trung vào hội viên phụ nữ kinh doanh, nhất là tại các chợ lớn như chợ Đồng Xuân, chợ Hàng Bè, chợ Hàng Da và các tuyến phố văn minh thương mại... Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức thực hiện phong trào “Tuần lễ áo dài xuống phố, áo dài đến chợ” vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước. Thông qua đó nhằm tôn vinh vẻ đẹp thanh lịch của người phụ nữ Hoàn Kiếm, phụ nữ Hà Nội nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung.

Phát huy giá trị bền vững

Đánh giá thành công bước đầu của Chương trình 04 trong giai đoạn vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nêu rõ vai trò của văn hóa, khẳng định những chủ trương, chính sách của Trung ương và Hà Nội về văn hóa và con người đã tạo nên động lực quan trọng trong tiến trình xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp. “Trong Chương trình 04 có ba nội dung lớn là phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, thì văn hóa là phạm trù lớn, mang tính bao trùm. Đó là phạm trù của loài người và của mỗi người. Nhân loại có 6 tỷ người, nhưng dù có 10 tỷ người thì mỗi người vẫn đều mang một giá trị văn hóa riêng. Sự thể hiện về văn hóa của mỗi người chính là điều khiến cho mỗi người là một cá thể không thể bị trộn lẫn. Đó chính là điều làm cho vị trí và vai trò của Chương trình 04 mà chúng ta xây dựng là rất quan trọng đối với Thủ đô, với mọi người và mỗi người”-đồng chí Phạm Quang Nghị nhấn mạnh.
Tuy đã đạt kết quả lớn, nhưng theo Ban chỉ đạo, Chương trình 04 vẫn còn những hạn chế như: Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều thiết chế văn hóa sau khi được đầu tư, nâng cấp có hiệu quả sử dụng chưa cao, nhất là văn hóa ứng xử của người Hà Nội còn bộc lộ nhiều hạn chế. Đề án “Hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan hành chính, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, nơi công cộng thành phố Hà Nội” đang được Hà Nội tập trung xây dựng, nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, duy trì và phát triển các giá trị chuẩn mực của người Hà Nội một cách cụ thể, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, vừa bảo đảm được quyền của mỗi công dân nhưng cũng làm rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi cá nhân trước cộng đồng, xã hội.

“Những nét đẹp của văn hóa Hà Nội đã được duy trì từ một nền tảng truyền thống, có chiều sâu phát triển. Đó chính là cốt cách để cho dù có đi nơi đâu, xưng danh “người Hà Nội” vẫn luôn mang đến một niềm tự hào khó đong đếm. Chương trình 04 hay hệ thống quy tắc ứng xử được triển khai chính là nhằm mục đích khơi dậy những giá trị chuẩn mực vốn có từ ngàn đời sao cho phù hợp với thực tiễn hiện nay”-đồng chí Tô Văn Động khẳng định.

Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ