Nói một cách dễ hiểu, chữ “liêm” trong thanh liêm, liêm chính, nghĩa là trong sạch, ngay thẳng, chính trực. “Sỉ” là biết hổ thẹn khi làm việc xấu, làm sai, làm trái. Người có địa vị xã hội càng cao càng phải biết liêm sỉ. Khi tay đã “nhúng chàm”, dư luận xăm xoi, nhân dân ta thán thì nên chủ động từ chức, âu cũng là giữ chút liêm sỉ còn sót lại của những người “ăn cơm Nhà nước, ở nhà công”.

Trong 5 năm qua, mỗi năm có hàng chục cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý đã bị xử lý kỷ luật, nhưng hầu như không thấy cán bộ nào chủ động “nhường ghế” cho người khác cho dù có quan chức không còn mấy thiện cảm trong con mắt người dân, mà vẫn tự mình “nhắm mắt làm ngơ”! 

Từ năm 1997, Đảng ta đã chủ trương xây dựng và thực hiện chế độ miễn nhiệm, từ chức, cho thôi việc, thay thế cán bộ kém phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ. Chủ trương đưa ra đã một phần tư thế kỷ, nhưng thực tế số cán bộ xin từ chức vì mất uy tín thì rất hãn hữu. Nếu cán bộ nào đó sau khi bị kỷ luật mà xin thôi chức thì lại đưa ra lý do lãng xẹt là vì... sức khỏe cá nhân không bảo đảm!

 Việc từ chức ở nước ta chưa thành nếp văn hóa công vụ. Ảnh minh họa: dantri.com.vn

Việc từ chức ở nước ta chưa thành nếp văn hóa công vụ, vì xuất phát từ tâm lý háo địa vị, ham danh lợi đã ăn sâu vào máu thịt của một bộ phận quan chức khiến họ không đủ dũng khí để rời nhiệm sở đúng lúc, dù biết bản thân không còn xứng đáng với cương vị hiện tại.

Mặt khác, do dư luận xã hội còn khá khắt khe khi nhìn nhận những trường hợp cán bộ từ chức. Trong khi đó, cơ chế, quy trình cho một cán bộ từ chức trong bộ máy công quyền chưa được quan tâm đúng mức, cũng phần nào là rào cản cho văn hóa từ chức ở nước ta chưa trở thành điều bình thường.

Thời phong kiến, dẫu những người “mũ cao áo dài” được hưởng nhiều bổng lộc của triều đình, nhưng vẫn có những vị quan giàu lòng tự trọng, khảng khái “treo ấn từ quan”, tự nguyện trở về cuộc sống đời thường của muôn dân. Dám tự rời bỏ chức tước, danh lợi khi cảm thấy bất lực trước những vấn đề “chướng tai gai mắt” của thể chế xã hội đương thời, hay cảm thấy mình chưa đủ khả năng gánh vác trọng trách mà nhân dân kỳ vọng, đấy là nét đẹp văn hóa từ chức của các vị quan thanh liêm xưa kia. 

Thời nay, không ít cán bộ sai phạm, bị kỷ luật cả về mặt Đảng và chính quyền, dù uy tín đã bị giảm sút nghiêm trọng, không còn sức thuyết phục đối với tập thể, nhân viên và quần chúng lao động, nhưng họ vẫn khư khư giữ "cái ghế" của mình. Thậm chí có trường hợp chây ỳ đến mức “cố đấm ăn xôi” tại vị cho đến hết tuổi, hết nhiệm kỳ khiến người khác khinh khi.

Một trong những phẩm giá làm nên tư cách cán bộ là dám làm, dám chịu trách nhiệm, có lòng tự trọng và dũng khí để từ chức đúng lúc và đúng với mức độ giảm sút uy tín của mình trong tập thể, trong nhân dân. Việc từ chức đúng thời điểm, một mặt sẽ nhận được sự cảm thông, lượng thứ của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi cán bộ đang công tác; mặt khác sẽ phần nào cứu vãn, củng cố được một phần uy tín của cán bộ đã suy giảm trước đó.

Tự giác từ bỏ chức vụ đang đảm nhiệm, tự nguyện rời xa những lợi lộc có thể mang lại cho cá nhân quan chức, dẫu có tiếc nuối, chạnh lòng, nhưng ít nhiều cũng lấy lại được sự thanh thản sau những cú “vấp ngã” đớn đau của người trong cuộc. Nói cách khác, đó là cách tìm lại chút liêm sỉ sau khi “vuột tay” đánh rơi, làm mất thanh danh, uy tín của chính mình.

CHÍNH NGÔN