Về Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị, Doãn Tần đã phát huy tài năng ca hát của mình khi là người đầu tiên hát ca khúc “Đường chúng ta đi” và gặt hái nhiều thành công, ca khúc vang xa khắp mọi miền đất nước thời bấy giờ, đến các mặt trận, "tuyến lửa", góp phần cổ vũ chiến sĩ và đồng bào kháng chiến, cứu quốc. Tiếng hát Doãn Tần với “Đường chúng ta đi” còn ngân vang và giành Huy chương vàng tại Festival ca nhạc thanh niên, sinh viên thế giới năm 1973 tại Đức (cùng chuyến đi này, nghệ sĩ đàn bầu Nguyễn Tiến và nghệ sĩ Hoài Thu cũng giành Huy chương vàng). “Đường chúng ta đi” vang lên hào sảng đầy tự hào giữa sân bay Tân Sơn Nhất, trong dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh trước hàng vạn đồng bào miền Nam và chiến sĩ trong những ngày đất nước hoàn toàn giải phóng... Có niềm vui nào hơn khi người nghệ sĩ được quần chúng nhân dân nhắc đến: “Mở mắt ra là nghe bài hát “Đường chúng ta đi”, nhắm mắt là thấy Doãn Tần”.

  NSND Doãn Tần. Ảnh: HOÀNG PHẠM.

Nhớ những ngày tháng cùng Doãn Tần đi biểu diễn phục vụ ở các mặt trận biên giới phía Bắc, Lào, Campuchia những năm 1978, 1979 với tinh thần nhiệt huyết, không quản ngại khó khăn gian khổ. Nể phục người nghệ sĩ-bạn diễn có những hôm hành quân hết đơn vị nọ tới đơn vị kia, lúc hát trong hầm trú ẩn, có lúc đứng hát giữa trời mưa rừng-sân khấu chỉ là mô đất nhỏ nhưng giọng của anh vẫn luôn hào sảng. Có những hôm biểu diễn ở đất bạn Campuchia, bữa ăn chỉ gói mì tôm nhỏ bẻ ra chia nhau, không có nước sạch, phải tìm những vũng nước bùn bên đường để lọc uống. Vậy nhưng những người nghệ sĩ-chiến sĩ luôn sát cánh bên nhau, chia ngọt sẻ bùi động viên nhau cống hiến, phục vụ chiến sĩ và đồng bào. Trong những năm tháng gian khó ấy, giọng hát của Doãn Tần tiếp tục ghi dấu ấn qua những ca khúc “Người chiến sĩ ấy” (nhạc sĩ Hoàng Vân), “Chiều trên bến cảng” (nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn), “Người lính tình nguyện và điệu múa Apsara” (nhạc sĩ Minh Quang), “Ngày mai anh lên đường” (nhạc sĩ Thanh Trúc)…

Doãn Tần đi đến đâu, chiến sĩ và người dân hồ hởi chào đón và chỉ đợi anh cất lên tiếng hát, mọi người hát theo. Là nghệ sĩ biểu diễn nổi danh nhưng Doãn Tần rất khiêm tốn, không màu mè; anh không chỉ thể hiện tài năng ở lĩnh vực biểu diễn mà còn rất thành công trong công tác đào tạo. Nhà chúng tôi đối diện nhau trong Khu văn công Mai Dịch, hàng ngày vẫn văng vẳng nghe giọng hát của anh hoà bên những phím đàn piano dạy học trò, trong đó còn là những buổi dạy nhạc nghiêm khắc với cô con gái Hồng Vy mà anh hết mực thương yêu. Những giọng ca Tuấn Anh, Hồng Vy… ngày nay trưởng thành và được người hâm mộ biết đến vẫn luôn có sự đồng hành dìu dắt của Doãn Tần. Trong rất nhiều nghệ sĩ biểu diễn của Việt Nam, Doãn Tần là giọng ca có tuổi nghề dài, bền bỉ với thời gian bởi anh không ngừng trau dồi kỹ thuật, kỹ năng biểu diễn… vì vậy giọng hát của anh vẫn phục vụ đông đảo người hâm mộ cả sau khi đã nghỉ hưu trên rất nhiều sân khấu âm nhạc.

Doãn Tần sinh năm 1947, nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1992, tới năm 2004 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, nhưng tới năm 2005 anh mới mạnh dạn ra mắt album CD âm nhạc đầu tiên và duy nhất trong cuộc đời ca hát của mình với tựa  đề “Đường chúng ta đi”. Tác phẩm đã làm nên tên tuổi của người nghệ sĩ dành trọn vẹn cả cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật nước nhà cũng như in dấu trong trái tim bao thế hệ.

Cách đây vài ngày thôi, khi tôi tới thăm Doãn Tần, anh đã mê man không còn nhớ gì nữa cả. Và khi gia đình báo tin Doãn Tần về với cõi vĩnh hằng hồi 23 giờ 20 phút ngày 17-3 đã khiến cho những người yêu quý anh vô cùng tiếc nhớ về một tài năng, một người nghệ sĩ khiêm nhường. Giọng hát của Doãn Tần cùng những bài hát sẽ luôn sống mãi với thời gian!

Đại tá, NSND NGUYỄN TIẾN, nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội