Bài chòi - giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc
Trước thềm sự kiện, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Đinh Hài, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam. Trong niềm hân hoan, phấn khởi, ông cho biết: “Bài chòi được xem là nét văn hóa nổi bật trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân miền Trung. Từ xa xưa, nghệ thuật bài chòi là một hình thức sinh hoạt văn hóa và giải trí trong cộng đồng làng xã. Nghệ thuật bài chòi trở thành nếp sinh hoạt văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân miền Trung. Theo chiều biến thiên của thời gian, tình yêu bài chòi của người dân miền Trung nói chung và đồng bào Quảng Nam nói riêng luôn được gìn giữ và phát huy.
 |
Các nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình đặc biệt về nghệ thuật bài chòi đêm 8-12 tại TP Hội An. |
Cùng chung với niềm vui ấy, nghệ sĩ Trịnh Công Sơn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ bài chòi, Trung tâm Văn hóa TP Đà Nẵng, người có thâm niên hơn 40 năm gắn bó với bộ môn nghệ thuật này chia sẻ: “Nghệ thuật bài chòi được UNESCO ghi danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại là niềm vinh dự, tự hào đối với đồng bào miền Trung. Tôi thấy sự vinh danh ấy là hoàn toàn xứng đáng, bởi từ bao đời nay, nghệ thuật bài chòi đã gắn liền với đời sống nhân dân miền Trung”. Theo nghệ sĩ Trịnh Công Sơn, nghệ thuật bài chòi Trung Bộ (gồm các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa) là loại hình nghệ thuật đa dạng, độc đáo, có sự kết hợp giữa âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học, thể hiện tình yêu quê hương đất nước; sự gắn kết cộng đồng và những kinh nghiệm trong đời sống của đồng bào. Nét độc đáo của bài chòi được thể hiện ở tính hấp dẫn, gần gũi với cuộc sống và dễ áp dụng với mọi tình huống; có thể được vận dụng từ cổ đến kim.
Gìn giữ cho mai sau
Theo ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm VHTT TP Hội An, để truyền thụ và bồi đắp tình yêu dân ca, bài chòi đến thế hệ trẻ, những năm trước đây, trung tâm mở các lớp dân ca, bài chòi, các lớp nhạc cụ dân tộc để đào tạo diễn viên, nhạc công. Từ năm 2004, trung tâm phối hợp cùng Phòng GD-ĐT đưa dân ca, bài chòi vào trường học. Đến năm 2011, lớp học hát dân ca-bài chòi dành cho lứa tuổi 12-13 được mở hằng đêm tại khu phố cổ, với khoảng 20-30 học sinh/lớp, mỗi em tham gia lớp học một đêm/tuần. Với cách làm như vậy, đến nay đã có hơn 1.000 lượt học sinh được học hát và yêu thích bộ môn bài chòi. Tiêu biểu như em Nguyễn Văn Vĩnh Phúc, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Lương Thế Vinh có thể hát được 25 bài chòi lời mới.
Đáng chú ý, mấy năm gần đây, TP Hội An đã tổ chức các chương trình “Đêm phố cổ” với điểm nhấn là sân khấu bài chòi ngoài trời đã tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc thu hút du khách trong nước và quốc tế. Hiện nay, Hội An có 30 người có thể giữ vai trò anh hiệu, chị hiệu hô hát bài chòi, trong số đó có nhiều nghệ sĩ trẻ tuổi, có niềm đam mê cháy bỏng với loại hình nghệ thuật truyền thống này.
Không riêng Quảng Nam, tại nhiều địa phương trên địa bàn miền Trung, nghệ thuật bài chòi luôn được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng; được lãnh đạo chính quyền và các cơ quan, ban ngành quan tâm. Thực hiện quyết định của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, từ năm 2013, tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động đưa dân ca bài chòi vào học đường bằng cách tổ chức 18 lớp/6 trường với gần 1.000 lượt học sinh tham gia. Cùng với đó, thành lập Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật do nghệ sĩ Mỹ Lệ-nguyên là đào chính Đoàn Ca kịch bài chòi tỉnh Nghĩa Bình (trước đây) phụ trách.
Tương tự, năm 2015, Trung tâm Văn hóa TP Đà Nẵng cũng đã thành lập Câu lạc bộ bài chòi, do nghệ sĩ Trịnh Công Sơn làm Chủ nhiệm và Câu lạc bộ bài chòi Sông Yên thuộc Trung tâm Văn hóa huyện Hòa Vang. Bằng tâm huyết và trách nhiệm của mình, nghệ sĩ Trịnh Công Sơn không chỉ tập trung sáng tác, dàn dựng, anh còn chủ động đề xuất tổ chức mỗi tuần hai tối biểu diễn nghệ thuật bài chòi tại sân khấu ngoài trời (khu vực gần cầu Rồng) để phục vụ đồng bào và khách du lịch trong nước và quốc tế...
Có thể nói, để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa bài chòi cần có những bước đi, cách làm phù hợp. NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (TP Đà Nẵng) đề nghị các ngành, các cấp cần quan tâm hơn nữa để bộ môn nghệ thuật bài chòi và dân ca bài chòi phát triển đúng tầm với những loại hình sân khấu dân tộc của nước ta, đáp ứng được yêu cầu thưởng thức cũng như giá trị chân, thiện, mỹ của loại hình nghệ thuật độc đáo trong đời sống hiện đại hôm nay.
Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG