Để không gian của gia đình thêm ấm áp, ngày Tết, dù bận rộn với bao công việc, người dân Hà Nội vẫn luôn dành thời gian chọn cho mình những cây đào, cành đào để trang hoàng nhà cửa. Người Hà Nội quan niệm màu đỏ thắm của hoa đào tượng trưng và dự báo một năm mới tươi sáng, ấm áp và mang tới nhiều sức khỏe, thành công, hạnh phúc trong năm mới. Chơi hoa đào - một thú chơi tuy bình dị nhưng cũng rất cầu kỳ. Người nhiều tiền thì chơi đào cây, đào thế; người ít tiền thì chơi đào cành. Đối với những người cầu kỳ, có khi đi tìm hàng tuần, thậm chí cả tháng từ trước Tết mới được cây đào thế ưng ý mang về trưng trong những ngày Tết.

Là một người trẻ nắm bắt rất nhiều xu hướng mới, đặc biệt Tết thời nay có rất nhiều loài hoa khác ngoài đào như: Tuyết mai, mộc lan… nhưng bạn trẻ Phạm Thanh Thủy (Thanh Trì, Hà Nội) vẫn chọn cho mình cành đào phai.

Bạn Phạm Thanh Thủy (Thanh Trì, Hà Nội) tỉ mỉ chọn đào chơi Tết. 

Bạn Phạm Thanh Thủy chia sẻ: "Ngày nay có rất nhiều loại cây, hoa mới thay thế được đào nhưng bản thân tôi vẫn lựa chọn hoa đào để trang trí ngày Tết, với quan điểm “Tết là phải có đào, đến Tết phải mua đào”, tôi đã chọn cành đào phai hồng phấn với mong muốn một năm mới may mắn, tràn đầy sức sống".

Tỉ mỉ chọn từng cành đào, gia đình chị Phạm Khánh Hằng (Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: "Ông bà ngày xưa rất cẩn thận, ngày Tết chọn hoa theo ý nghĩa và chọn những cành tươi, đẹp đủ hoa, lá, lộc non. Nhưng dù chơi hoa gì thì Tết Hà Nội không thể thiếu cành đào. Hoa đào là loại hoa đại diện cho mùa Xuân vì sắc đỏ rực rỡ. Theo tín ngưỡng dân gian, màu đỏ là màu của may mắn, màu của sự sống và sự tái sinh. Nhưng chơi đào không đơn giản chỉ cần có nụ, có hoa mà sành chơi phải chọn cành có thêm lộc non và vài quả đào mới là mùa Xuân, cũng là ước mong đầy đủ, sum vầy trong năm mới".

Chị Phạm Khánh Hằng hướng dẫn con trai cách chọn thế đào Tết đẹp.

“Năm nay cả nhà tôi lại cùng đến tận vườn đào Nhật Tân vừa để chọn một cây đào đẹp vừa gắn kết gia đình, gìn giữ truyền thống. Gia đình tôi rất thích đào phai”, chị Hằng chia sẻ thêm.

Cùng quan điểm với chị Hằng, ông Hà Ngọc Doanh (Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội) bộc bạch: "Gia đình tôi năm nào cũng phải mua đào, vừa là vì lớn lên từ nhỏ trên đất đào truyền thống, lưu giữ truyền thống, vừa thể hiện mong ước năm mới đỏ như đào".

Ông Hà Ngọc Doanh (Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội) đến tận vườn để chọn thế đào đẹp.

"Chơi đào là chơi cả thế. Gia đình thường chơi cây thế nên tôi phải đến tận vườn để chọn một thế đào đẹp, tượng trưng ý nghĩa gia đình sum họp", ông Doanh nói.

Không chỉ chơi đào trước Tết, trong Tết mà nhiều người Hà Nội còn có thú chơi đào muộn. Ra Giêng hoa đã nở hết nhưng nhiều cây đào vẫn còn hoa muộn trên những nhánh nhỏ, người ta mua về cắm trên chiếc lọ xinh xinh để tận hưởng màu đỏ cuối cùng.

Xã hội thay đổi, ngày nay hoa Tết vô cùng phong phú với nhiều loại nhập từ nước ngoài khiến người yêu hoa thêm nhiều lựa chọn, nhưng những người dân Hà Nội vẫn giữ nguyên thú chơi đào Tết, bởi thú chơi này đã ăn sâu vào tiềm thức văn hóa của người Hà Thành, Tết đến là có đào, mong ước một năm mới sum vầy, may mắn, hạnh phúc.

TRƯỜNG AN 

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.