Các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; PGS, TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) đồng chủ trì hội thảo.

Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Gia Lai; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và gần 40 học giả, nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến từ Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, các viện nghiên cứu, trường đại học và nhiều đơn vị khác trong cả nước.

Quang cảnh hội thảo. 
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. 

Tại hội thảo, các nhà khoa học, lãnh đạo các sở ngành đã tham luận làm rõ hiện tượng “Vua Lửa - huyền thoại và hiện thực”, nêu bật giá trị và ý nghĩa của hiện tượng Vua Lửa, hướng tiếp cận và nghiên cứu sâu trong thời gian tới; đồng thời tham vấn cho địa phương một số hướng đi để nâng tầm và phát huy giá trị của Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi.

Các nhà khoa học cũng cho rằng cần thiết phải đưa di sản quốc gia này vào chương trình giáo dục địa phương để nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ trong bảo vệ và phát huy được giá trị. Thống nhất cao việc đề nghị nâng cấp Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi thành di tích quốc gia đặc biệt.

Các đại biểu tham quan triển lãm. 
Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui.

Trong khuôn khổ hội thảo, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai triển lãm 60 hình ảnh giới thiệu các nghi thức trong lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui; chân dung một số đời Vua Lửa và những phụ tá đời Vua Lửa cuối cùng; một số lễ cúng ở địa phương có sự kết nối mật thiết với nghi lễ cầu mưa; giới thiệu toàn cảnh Khu di tích lịch sử-văn hóa quốc gia Plei Ơi, khu nhà mồ Plei Ơi, cảnh quan thiên nhiên Phú Thiện.

Trước đó, ngày 27-3 các nhà khoa học đã tham dự lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui diễn ra trên đỉnh núi thần Chư Tao Yang trong khuôn khổ Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện).

Tin, ảnh: SƠN TÙNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.