Nhiều người ví huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng là “cửa ô thứ 6” của Hà Nội. Điều này không chỉ xuất phát từ sự quan tâm, gắn bó đặc biệt của thủ đô đối với vùng đất từng là “Vùng kinh tế mới Hà Nội” mà còn bởi không gian văn hóa đậm chất Hà Nội đã được các thế hệ công dân thủ đô dày công vun đắp suốt gần nửa thế kỷ trên vùng đất mới.

Đồng chí Thái Văn Mai, Bí thư Đảng ủy thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng về việc phân bố lại dân cư, lao động trên các vùng miền của đất nước, ngày 17-12-1975, Thường vụ Thành ủy Hà Nội ra thông báo số 154-TB/ĐBHN về quyết định xây dựng Vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng.

Một gia đình Hà Nội đi kinh tế mới tại vùng Nam Ban năm 1976. Ảnh chụp lại

Ngày 29-3-1976, Tổng đội Thanh niên tiền trạm Gia Lâm có 293 đội viên là đơn vị đầu tiên xuất quân, tiếp đó là các tổng đội thanh niên xung phong các huyện Từ Liêm, Đông Anh, Thanh Trì và các khu phố Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng cùng hàng nghìn hộ dân từ các quận, huyện của Hà Nội vào Lâm Đồng đi kinh tế mới, tạo nên “Vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng” giai đoạn 1976-1985 và huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) từ năm 1986 đến nay. Cái tên "Lâm Hà" cũng là ghép từ hai địa danh Lâm Đồng và Hà Nội mà thành.

Vùng Nam Ban hoang vu, trung tâm của Vùng kinh tế mới Hà Nội một thời nay đã thành một thị trấn sầm uất, trù phú. Đến với Nam Ban, khách có cảm giác như đang bước trên phố phường Hà Nội bởi mỗi khu phố, con đường, trường học ở đây đều mang những địa danh thân thương như Đông Anh, Hai Bà Trưng, Từ Liêm, Thanh Trì, Hoàn Kiếm… Chợ Thăng Long giữa thị trấn Nam Ban bán đủ sản vật Hà Nội như bánh cuốn, phở, bún chả, bánh cốm... Cư dân thị trấn hầu hết là người gốc Hà Nội, đi đâu cũng gặp “biết bao khuôn mặt mến thân, đã quen bước chân, giọng nói”. Dù sống trên quê mới nhưng người dân nơi đây luôn giữ trọn “nếp nhà” cùng cốt cách tinh tế, thanh lịch của người Tràng An.

 Trên cánh đồng hoa tại xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.

Bà Nguyễn Thị Tám, sinh năm 1956, quê xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Năm 1976, cô bé Tám cùng cha mẹ rời quê đi kinh tế mới tại Nam Ban. Dẫu đã gắn bó với mảnh đất này quá nửa đời người nhưng qua khuôn mặt, ánh mắt, lời nói, nụ cười, bà Tám luôn toát lên vẻ đẹp đặc trưng của phụ nữ Hà Nội. Từng là cô giáo trường làng nhưng cách đây hơn 20 năm, bà Tám cùng chồng rẽ sang nghề thu mua, chế biến cà phê. Nhờ chăm chỉ, tiết kiệm, đến nay, vợ chồng bà đã có trong tay cơ nghiệp khiến nhiều người ao ước. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Tám Trình do vợ chồng bà sở hữu có 2 nhà máy chế biến cà phê, một ở Thành phố Hồ Chí Minh và một tại Thị trấn Nam Ban, mỗi năm sản xuất và cung cấp ra thị trường khoảng 20.000 tấn cà phê nhân và cà phê rang xay. Sản phẩm được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu. Ngoài ra, ông bà còn sở hữu Khu du lịch Tám Trình rộng 4ha giữa lòng thị trấn Nam Ban kinh doanh cà phê, ăn uống, cắm trại. Với tổng doanh thu khoảng 500 tỷ đồng/năm, vợ chồng bà Nguyễn Thị Tám và ông Đoàn Mạnh Trình đã trở thành tấm gương, niềm tự hào của người Hà Nội trên quê hương mới.

 Ông Chu Văn Lợi chăm sóc đào Nhật Tân trong vườn nhà tại thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà. 
 Hoa đào Nhật Tân trên đất Nam Ban.

Sinh ra và lớn lên giữa làng đào Nhật Tân, khi vào vùng Nam Ban sinh sống, ông Chu Văn Lợi không quên mang theo những cây đào bích, đào phai và tiếp tục duy trì nghề trồng đào trên vùng đất mới. Với khoảng 800 gốc đào, khu vườn của gia đình ông Lợi tại khu phố Đông Anh 1, thị trấn Nam Ban nổi tiếng khắp vùng vì mỗi cây đào đều có thế đẹp, hoa sai, sắc thắm, lâu tàn. “Ngoài gia đình tôi, vùng Nam Ban này có nhiều hộ cũng trồng đào. Nhờ đó mà Tết đến, xuân về, phố chợ Nam Ban rực rỡ trong sắc hoa đào, trong mỗi ngôi nhà đều có hoa đào đón Tết. Đó là nét văn hóa, niềm tự hào của Hà Nội mà chúng tôi luôn gìn giữ”, ông Lợi khẳng định.

 Một góc thị trấn Nam Ban hôm nay.

Từ năm 1976 đến nay, vùng đất Lâm Hà luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của thành phố Hà Nội về nhiều mặt. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2020, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ huyện Lâm Hà 17 công trình, dự án tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, hạ tầng,... với tổng mức đầu tư hơn 215,9 tỷ đồng. Gần đây, trong chuyến thăm, làm việc tại huyện Lâm Hà, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định, vùng đất Lâm Hà trước đây, bây giờ và mãi về sau được xem là "một quận, huyện thứ 31" của Hà Nội và Hà Nội sẽ luôn sát cánh, đồng hành để Lâm Hà phát triển. Đây chính là động lực quan trọng giúp cho dòng chảy văn hóa Hà Nội trên vùng đất Nam Tây Nguyên ngày càng trở nên đậm nét.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.