Với việc khai mạc đường hoa Nguyễn Huệ tối 5/2 (29 Tết), Tết Mậu Tý tại TP Hồ Chí Minh đã chính thức bước vào những ngày lễ hội tưng bừng, náo nhiệt, kéo dài từ ngày 5 đến 10/2 (từ 19 đến hết mồng 4 Tết).

Trong đêm khai mạc, hàng chục ngàn người dân thành phố đã đổ về khu vực trung tâm, nơi có sân khấu chính trên đại lộ Lê Lợi để hòa mình vào chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt chủ đề “Xuân thịnh vượng” và tham quan đường hoa.


Năm nay là năm thứ 5 đường Nguyễn Huệ - con đường đẹp ở trung tâm TP Hồ Chí Minh được tổ chức thành một đường hoa, một khu vườn hoa xuân lộng lẫy, rực rỡ sắc màu, với hàng trăm loại hoa, cây cảnh, bon sai, non bộ... trưng bày, sắp đặt theo nhiều chủ đề khác nhau.

Mang chủ đề chính "Xuân thịnh vượng", đường hoa năm nay được chia thành 7 đoạn với những chủ đề riêng như: Sum họp, Bình minh, Hội nhập, Vươn mình, Vượt sóng, Phía trước là bầu trời, Ra khơi với những hình ảnh được thể hiện như là một câu chuyện về đời người, gia đình, cộng đồng, đất nước và thế giới cùng hòa vào nhau, hòa vào mùa xuân của đất trời.

Nét đặc sắc của đường hoa, như mọi năm, vẫn là vườn mai tại khu vực tượng đài Bác Hồ. Hàng chục gốc mai vàng cổ thụ nở bừng giữa nắng vàng, mang lại sự ấm áp cho ngày Tết là điểm nhấn cho cả khu vực đường hoa. Cùng với hoa, cây cảnh, những mái nhà tranh, mảnh ruộng, góc vườn, bờ ao, cổng làng, lũy tre, những ụ rơm, xe thổ mộ, chiếc võng đong đưa, những chiếc chõng tre, chim hót, những chú chuột ngộ nghĩnh... được bố trí suốt đường hoa càng tô đậm thêm nét đẹp văn hóa truyền thống Việt, mang hồn quê về giữa phố phường hiện đại, giữa ngày xuân mừng năm mới. Tại đường hoa năm nay còn trưng bày chiếc đèn kéo quân kỷ lục Việt Nam, cao 7,5 mét và có đường kính 9,6 mét.

Cùng với đường hoa Nguyễn Huệ, dịp lễ hội Tết năm nay do Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) thực hiện còn nhiều chương trình đặc sắc khác. Những phố đèn hoa quen thuộc như Lê Duẩn, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi được thắp sáng đến mồng 8 Tết với nhiều loại đèn trang trí mới lạ, đèn lồng dân tộc tỏa sáng lung linh từ những đêm trước Tết để phục vụ người dân tham quan, thưởng lãm.


Cũng tại khu vực trung tâm thành phố, nhiều khách sạn lớn, trung tâm thương mại, công sở, cửa hàng và các hộ dân đã tham gia chương trình trang trí mặt phố đón Tết và biểu diễn doorshow với các buổi diễn nghệ thuật dân tộc, lân – sư - rồng, biểu diễn trống và võ thuật trước cửa. Trong những ngày Tết, tại khu vực trung tâm thành phố cũng sẽ diễn ra các chương trình biểu diễn văn nghệ mừng Xuân, bắn pháo hoa và các buổi biểu diễn đường phố. Tổng kinh phí cho lễ hội Tết Mậu Tý năm nay là 15 tỷ đồng, được huy động theo mô hình xã hội hóa từ sự đóng góp của nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố./. TTXVN
Với chủ đề “Vượt sóng” đường hoa Nguyễn Huệ trong Tết Mậu Tý 2008 hứa hẹn một sắc màu mới sau 4 năm liên tiếp được tổ chức mỗi độ xuân về tại TP mang tên Bác.

Cứ mỗi độ Xuân về, người dân TPHCM lại chờ đón lễ khai hội đường hoa Nguyễn Huệ (quận 1). Năm nay, vào lúc 19 giờ tối nay (5-2, tức 29 tháng chạp) đường hoa Nguyễn Huệ sẽ chính thức khai mạc với chủ đề “Vượt sóng” nhằm tiếp nối tinh thần “trên đường hội nhập” từ chủ đề đường hoa Tết Đinh Hợi 2007.

Ngày hội vui sẽ dài hơn

Để người dân TP không cảm thấy luyến tiếc bởi ngày hội đường hoa Nguyễn Huệ chỉ “tày gang”, năm nay, TP cho kéo dài thời gian tổ chức đường hoa lên 5 ngày 6 đêm, bắt đầu từ 19 giờ ngày 5-2 đến 22 giờ ngày 10-2 (từ 29 tháng chạp đến mùng 4 Tết).

Đồng thời, theo thiết kế, đường hoa Nguyễn Huệ sẽ là bức tranh hoa sống động kéo dài hơn 1km và mở rộng sang một phần đường Lê Lợi (đoạn từ đường Pasteur đến công viên trước Nhà hát TP) với 3 khu vực chính: Vườn mai Bác Hồ, đường hoa

Nguyễn Huệ và đường Ánh sáng Lê Lợi.

Toàn đường sẽ có 106.000 chậu hoa với 55 loại hoa, 60 gốc mai các loại sẽ làm nên đường hoa Nguyễn Huệ trong Tết Mậu Tý 2008 hoành tráng hơn mọi năm (đây là năm thứ 5 TP tổ chức đường hoa Nguyễn Huệ).

Có mặt tại đường hoa vào lúc 16 giờ ngày 5-2, chúng tôi nhận thấy công việc chuẩn bị cho một ngày hội lớn của người dân TP đã hoàn tất. Một số khách tham quan là kiều bào và người nước ngoài tranh thủ chụp ảnh vì sợ những ngày sắp tới sẽ rất đông đúc khó chọn cho mình chỗ ưng ý để có một kiểu ảnh đẹp.

Tại khu vực Vườn mai Bác Hồ sắp xếp hoa với hai màu đỏ vàng dựa trên motif hoa văn cổ.

Khách nước ngoài cũng nô nức du xuân tại vườn mai Bác Hồ. Ảnh: T.Thạnh

Cách bày trí hoa trên đường hoa Nguyễn Huệ khiến ta nghĩ đến một câu chuyện về đời người, gia đình, cộng đồng, đất nước và thế giới được khắc họa lại bằng hoa. Để làm được việc này, đường hoa được chia thành 7 đoạn với các chủ đề nhỏ: Sum họp (nhà nhà sum họp, cả nước mừng xuân); Bình minh (xuân đến – vạn sự tốt lành); Hội nhập (vui đón xuân mới); Vươn mình (sức sống của kỷ nguyên mới) và trọng tâm là khu vực có chủ đề Vượt sóng thể hiện sự đòan kết của dân tộc, chung sức vượt mọi khó khăn.

Ngoài ra, hai đoạn cuối đường hoa hướng ra Sông Sài Gòn với chủ đề Phía trước là bầu trời (xuân, niềm tin và hi vọng) và Ra khơi (căng buồm ra biển lớn, vững tin vào tương lai) cũng là những nơi mà mọi người nên đến thưởng lãm.

Trong đó, đoạn đường mang chủ đề Sum họp gắn liền với hình ảnh chuột; đoạn đường Hội nhập có điểm nhấn là chiếc lồng đèn kéo quân được làm để ghi tên vào kỷ lục VN.

Và đi dọc theo tuyến đường, khách du xuân sẽ nghe được âm thanh tiếng chim hót, suối reo, khi bước chân phiêu bồng đã mỏi, mọi người có thể dừng bước, ngồi nghỉ chân tại ghế nghỉ râu chuột, ghế nghỉ trên làn sóng hoa dưới đất và cả trên bầu trời…

Còn tại đường Ánh Sáng Lê Lợi, hoa cũng được bố trí khá nhiều để khách đi bộ được tràn ngập trong lễ hội xuân.

Rộn rã, tưng bừng cho Xuân Thịnh Vượng

Ngay từ sáng 5-2, anh Nguyễn Văn Hải, việt kiều Mỹ đã xuống đường để tham quan, ngắm nghía các khu vực đắc địa để chọn nơi ghi hình với mong muốn cho gia đình những tấm ảnh đẹp nhất. Anh Hải bộc bạch: “Mười năm xa quê, phải ăn Tết cùng tuyết trắng.

Năm nay cả gia đình lại được gặp mặt để cùng hưởng cái không khí sum họp quây quần”. Một nhóm nữ công nhân ở ngã tư Bảy Hiền, năm nay do phải ăn Tết xa quê cũng đang kiểm tra lại bộ cánh để xuống đường hoa nhằm vơi đi nỗi nhớ nhà. “Cách đây mấy ngày, em đi thấy hoa, đồ trang trí còn để ngổn ngang mà bây giờ đường hoa đã làm xong rồi, công nhận đẹp thiệt!”, họ cùng bộc bạch.

Ngoài việc tham quan đường hoa, năm nay, khách du xuân sẽ được thưởng thức thêm Chương trình ca nhạc khai mạc đường hoa Nguyễn Huệ chủ đề Xuân Thịnh Vượng bắt đầu từ 20 giờ 30 tối 5-2 trên đường Lê Lợi.

Một góc đường hoa Nguyễn Huệ. T.Thạnh

Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng, trình diễn các tiết mục mừng xuân, ngợi ca quê hương đất nước. Một số tiết mục độc đáo dự kiến sẽ có trong chương trình như: ca sĩ Đan Trường trình bày ca khúc Dòng máu Lạc Hồng (Lê Quang) với phần phụ họa của 50 diễn viên múa và 100 diễn viên đội lân sư rồng Hằng Anh Đường; nhóm Mây Trắng trình bày ca khúc Mùa xuân ơi (Nguyễn Ngọc Thiện), có phần trình diễn trang phục áo dài dạ hội hoa xuân của nhóm người mẫu; Đức Tuấn (Lời tỏ tình mùa xuân); Nhóm nhạc AC&M (Khúc ca xuân); Lương Chí Cường (Mừng xuân mới); Quang Linh (Bông vạn thọ); Cẩm Vân (Lá thư ngày Tết); Hồng Hạnh (Mừng nắng xuân về); Hồ Ngọc Hà (Nắng có còn xuân - ảnh) với phần múa phụ họa của vũ đoàn Hoàng Thông; Hồ Quỳnh Hương (Xuân tình yêu) với phần múa phụ họa của vũ đoàn ABC…

Tất cả dường như đã sẵn sàng để chờ giờ khai hội…

Theo: NLĐ- Hòang Lan ( bài có sử dụng1 số ảnh của VTC)