Ở bất kỳ giai đoạn nào cũng xuất hiện những tác phẩm lớn gắn với nhu cầu thời đại. Tiểu thuyết với vị thế là thể loại “máy cái” văn học, tỏ rõ ưu thế trong thể hiện lịch sử, được nhiều nhà văn quan tâm, thử bút.

Ý nghĩa lớn lao của tiểu thuyết lịch sử

Trên thế giới, nhìn nghiêng từ tiến trình văn học, tiểu thuyết lịch sử bắt đầu nở rộ trong giai đoạn Chủ nghĩa lãng mạn (thế kỷ 18) được khơi nguồn từ cuộc Cách mạng tư sản Pháp năm 1789. Với niềm cảm hứng “Tự do-bình đẳng-bác ái”, tính nhân dân, tính dân tộc được coi là bước tiến lớn của giai đoạn này so với giai đoạn trước. Các nhà văn chủ trương khai thác đề tài lịch sử trong đất nước mình nhằm khơi dậy tinh thần dân tộc, ý thức tự hào, tìm kiếm nguồn sức mạnh nội sinh. Kể từ đây xuất hiện nhiều nhà văn lớn viết về đề tài lịch sử như Walter Scott ("Ivanhoe"); Alexander Dumas ("Ba chàng lính ngự lâm", "Hai mươi năm sau")...

     Nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đình Tư (bên phải) giao lưu với độc giả nhân dịp tái bản tiểu thuyết lịch sử "Loạn 12 sứ quân".Ảnh: QUỲNH YÊN 

Ở Việt Nam, cùng những thăng trầm, biến động của dân tộc, văn học sáng tạo về đề tài lịch sử đã dần khẳng định được sứ mệnh cao cả, ý nghĩa lớn lao không chỉ trong đời sống văn học mà cả đời sống tinh thần người Việt. Với nhu cầu, thực tiễn ở mỗi thời kỳ khác nhau, tiểu thuyết lịch sử đã trở thành một trong những thể loại chủ lưu trong tiến trình lịch sử văn học dân tộc. Nhìn lại tiến trình phát triển từ giai đoạn văn học trung đại đến nay, chúng ta có thể phác họa những giai đoạn lớn của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam.

Ở giai đoạn văn học trung đại, dấu ấn đáng kể nhất đánh dấu quá trình hình thành thể loại tự sự lịch sử đó là sự xuất hiện "Thiên Nam vân lục liệt truyện" của Nguyễn Hàng (thế kỷ 16), "Hoàng Lê nhất thống chí" của Ngô gia văn phái (thế kỷ 18), "Nam triều công nghiệp diễn chí" (1719) của Nguyễn Khoa Chiêm...

Từ đầu thế kỷ 20 đến năm 1945 được xem là “mùa vàng” của tiểu thuyết lịch sử. Với những tiền đề nội sinh và sự ảnh hưởng của văn hóa, văn học bên ngoài gắn với tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20, tiểu thuyết lịch sử đã có bước tiến vượt bậc trên nhiều phương diện. Sự nở rộ của tiểu thuyết lịch sử giai đoạn này được ghi nhận là một tất yếu khách quan, một nhu cầu đổi mới tự thân của nền văn học nước nhà. Trong hoàn cảnh lịch sử ngặt nghèo lúc bấy giờ, để vượt qua sự kiểm duyệt khắc nghiệt của thực dân Pháp, các nhà văn không còn con đường nào khác là “mượn xưa nói nay”, tái hiện những giai đoạn lịch sử vẻ vang cùng nhiều chân dung anh hùng của dân tộc, nhằm gián tiếp đánh thức niềm tự tôn dân tộc, nhắc nhở ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trước sự tồn vong của dân tộc. “Trùng Quang tâm sử” của Phan Bội Châu là tác phẩm mở đầu. Sau đó hàng loạt tiểu thuyết lịch sử gây tiếng vang ở hai miền Bắc, Nam được công bố: “Đinh Tiên Hoàng” (1929), “Vua Bố Cái” (1929), “Lê Đại Hành” (1929)-Nguyễn Tử Siêu; "Giọt máu chung tình" (1926)-Tân Dân Tử; "Việt Nam Lê Thái Tổ" (1929)-Nguyễn Chánh Sắt; "Lê triều Lý thị" (1931), "Tiền Lê vận mạt" (1932), "Trần Hưng Đạo" (1933)-Phạm Minh Kiên; "Đêm hội Long Trì" (1942), "An Tư" (1944)-Nguyễn Huy Tưởng...

Tiểu thuyết lịch sử giai đoạn 1945 trước đổi mới (1986) gắn chặt chẽ với sứ mệnh phục vụ hai cuộc chiến tranh cứu nước và giải phóng dân tộc. Các sáng tác giai đoạn này hướng đến nhiệm vụ chính trị, cổ vũ tinh thần đấu tranh qua việc khắc họa truyền thống yêu nước, anh hùng cách mạng của dân tộc. Nổi lên có các tác giả tiêu biểu như: Nguyễn Huy Tưởng-"Sống mãi với Thủ đô" (1960), "Lá cờ thêu sáu chữ vàng" (1960); Hà Ân-"Trên sông truyền hịch" (1980), "Người Thăng Long" (1981); Chu Thiên-"Bóng nước Hồ Gươm" (1970); Thái Vũ-"Cờ nghĩa Ba Đình" (1981), Sơn Tùng-"Búp sen xanh" (1981)...

Sau năm 1986, văn học nói chung và tiểu thuyết lịch sử nói riêng có sự vận động và đổi mới trong điều kiện hoàn toàn khác biệt so với những năm tháng đất nước còn chiến tranh. Các sáng tác về đề tài lịch sử nhanh chóng chiếm vị trí quan trọng bằng những tác phẩm đặc sắc, khuấy động dư luận, tiêu biểu như: "Loạn 12 sứ quân" (Nguyễn Đình Tư); "Hồ Quý Ly", "Mẫu Thượng Ngàn" (Nguyễn Xuân Khánh); "Sông Côn mùa lũ" (Nguyễn Mộng Giác); "Bão táp triều Trần", "Tám triều vua Lý" (Hoàng Quốc Hải); "Minh sư" (Thái Bá Lợi); "Nguyễn Du", "Thông reo Ngàn Hống" (Nguyễn Thế Quang); "Phùng Vương", "Ngô Vương" (Phùng Văn Khai); "Trần Khánh Dư" (Lưu Sơn Minh)... Tiểu thuyết lịch sử đã trở lại một cách vô cùng ngoạn mục và chiếm vị trí “thống lĩnh” trên văn đàn văn học Việt Nam đương đại và được xem là “mùa vàng” thứ hai.

Sáng tạo tiểu thuyết lịch sử vì những giá trị cao đẹp   

Sáng tạo về đề tài lịch sử là một thử thách với người cầm bút bởi những đặc trưng của thể loại. Lịch sử là chất liệu, là nguồn cảm hứng, khi sáng tác, người nghệ sĩ cần bảo đảm tính chân thực của lịch sử qua các sự kiện, nhân vật lịch sử. Song do đặc trưng sáng tạo của văn học, các nhà văn không thể viết văn như viết sử, khiến tác phẩm chỉ là bảng liệt kê các sự kiện biên niên. Bởi lịch sử là một thực thể khả biến, không ngừng vận động và luôn mở với mọi cách tiếp cận, mọi lối diễn giải và mọi tâm thế thụ hưởng. Và con người hôm nay hoàn toàn có thể “bắt” lịch sử tái diễn bằng những con đường, giả thuyết, khả năng khác nhau. Nhà văn phải là người ý thức rõ hơn bao giờ hết sức mạnh của chân lý lịch sử và quyền năng của hư cấu nghệ thuật trong quá trình kiến tạo diễn ngôn mới về lịch sử.

Với tinh thần ấy, lịch sử không chỉ thu gọn trong những biến cố, sự kiện, nhân vật qua cái nhìn ngưỡng vọng, chiêm bái, một chiều mà rộng hơn, sâu hơn, “đời hơn”. Nhờ đó, văn xuôi hư cấu lịch sử trên thế giới và ở Việt Nam những năm gần đây đã đi đúng vào bản chất: Khám phá, phân tích, luận giải lịch sử, văn hóa và con người ở tầng vỉa sâu của những bí ẩn, khuất lấp, “bề trong, bề sâu, bề xa, bề sau”. Trong những sáng tác của mình, các nhà văn đã thể hiện tinh thần nhận thức lại lịch sử với mong muốn nhận chân các giá trị quá khứ một cách sâu sắc và toàn vẹn, nối kết với thực tại hôm nay để khai phóng về phía tương lai.

Không được phép hư cấu để xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử      

Tuy nhiên, bên cạnh những dấu ấn và thành tựu không thể phủ nhận của xu hướng nhận thức và nhận thức lại trong lĩnh vực văn học sáng tạo về đề tài lịch sử, vẫn còn đó không ít tác phẩm lợi dụng vấn đề “giải thiêng” để hạ bệ, lật tẩy, bôi nhọ thần tượng, huyền thoại dân tộc. Nhìn từ thực tiễn văn học sáng tạo về đề tài lịch sử ở Việt Nam, trong không khí đổi mới văn học, “giải thiêng” trở thành xu hướng được một số nhà văn lựa chọn trong tác phẩm của mình. Nhân danh đổi mới, tinh thần dân chủ; tự khoác cho mình quyền năng sáng tạo, hư cấu, một số cây bút đã khai thác quá mức các yếu tố thuộc bản năng, đời tư; tô đậm những khuyết điểm, lỗi lầm nhỏ; tùy tiện hư cấu, bịa đặt, xuyên tạc hòng quy kết về tư cách đạo đức, hoài nghi nhân tính, phủ nhận giá trị lịch sử, văn hóa của nhân vật trong đời sống tinh thần dân tộc. Từ đó gây ra cái nhìn méo mó, lệch lạc về các giá trị lịch sử và nhân cách văn hóa vốn đã được định hình trong lịch sử và tâm thức cộng đồng.

Trong số những tác phẩm mang cảm thức phân tích, luận giải, đối thoại, “giải thiêng” lịch sử, vẫn tồn tại những chi tiết chưa thật sự phù hợp với “ngưỡng tiếp nhận” của cộng đồng, những chi tiết trượt ra ngoài kinh nghiệm và hiểu biết cộng đồng, khiến cái nhìn về sự kiện, nhân vật lịch sử trở nên sai sự thật. Nguyễn Huệ trong "Mùa mưa gai sắc" (Trần Vũ) đọng lại trong độc giả là một bản thể “ác dâm”, “khổ dâm” trong đời sống tình dục với Ngọc Hân. Còn trong "Gia phả" (Trần Vũ), hình ảnh Trần Thủ Độ, vị khai quốc công thần của triều Trần được khắc họa với sự lệch lạc, bệnh hoạn trong đời sống tính dục. Viết về Nguyễn Trãi, Nguyễn Thúy Ái ("Trở về Lệ Chi viên") đã hình dung ở người anh hùng dân tộc như một khối “libido” mãnh liệt, luôn loay hoay với những thang thuốc cường dương “nhất dạ ngũ giao” nhằm thỏa mãn cuộc vui giường chiếu với người vợ trẻ Thị Lộ. Mối quan hệ không đoan chính với Thái Tông, sự ghen tuông của Hề, vị hôn phu cũ của Thị Lộ là cái cách mà Nguyễn Thúy Ái dựa vào để hình dung, lý giải tấn bi kịch Lệ Chi viên. Chi tiết thô tục, phản cảm về cảnh phòng the giữa Trần Khánh Dư và công chúa Thiên Thụy trong "Chim ưng và chàng đan sọt" của Bùi Việt Sỹ đã khiến người đọc cảm thấy “rùng mình”. Truyện "Bắt đầu và kết thúc" của Trần Quỳnh Nga lật ngược chính sử, xây dựng hình ảnh của Trần Ích Tắc-kẻ bán nước cầu vinh thời Trần thành một biểu tượng cao đẹp của lòng quả cảm, hy sinh. Cách làm này của tác giả đã làm sai lệch lịch sử, khiến những giá trị đích thực của lòng yêu nước bị hoài nghi.

Không thể lợi dụng sự cởi mở, dân chủ trong không khí đổi mới cùng nhu cầu hiện đại hóa nền văn học nước nhà, lại càng không thể sử dụng quyền năng hư cấu của văn chương một cách tùy tiện, bất chấp chân lý lịch sử và chân lý nghệ thuật. Những nhà văn sáng tạo về lịch sử bên cạnh sự am tường, hiểu biết sâu sắc về quá khứ, sự cần mẫn, nghiêm túc trong việc xử lý tư liệu, bản lĩnh và tài năng trong sáng tạo nghệ thuật, còn là lòng tự tôn dân tộc, đặc biệt là văn hóa ứng xử với những giá trị truyền thống và các vĩ nhân của dân tộc. Các tác phẩm lợi dụng sự “giải thiêng” để xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử, hạ bệ, lật tẩy, thóa mạ thần tượng, huyền thoại cần bị lên án, phê phán nghiêm khắc.

TS NGUYỄN VĂN HÙNG, (Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học-Đại học Huế)