Danh tiếng gói gọn trong giới làm nghề biết nhau, công chúng ít quan tâm văn chương hơn trước. Bởi văn chương dần dần bước sang “ngoại vi” thay vì ở vị trí trung tâm của đời sống văn hóa trước đây.
Đã trót đam mê với chữ nghĩa, ai mà chẳng khao khát vươn lên chinh phục đỉnh cao nghệ thuật. Các nhà văn trẻ hôm nay liệu có thể sáng tác những tác phẩm lớn hay không? Văn chương rất khó dự đoán bởi đây là câu chuyện cá nhân mỗi người cầm bút. Tài năng lớn có thể bất ngờ xuất hiện trong sự ngạc nhiên của công chúng. Nhưng để có tác phẩm lớn, nhà văn trẻ phải nỗ lực rất nhiều, thậm chí hy sinh các điều khác trong cuộc sống.
 |
Tiết học văn. Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại. |
Không thể phủ nhận những nhà văn có một số năng khiếu như: Tâm trí nhạy cảm, khả năng quan sát tốt, tiếp thu và chọn lọc ngôn ngữ chính xác... Song như thế là chưa đủ, nhà văn còn cần vốn văn hóa rộng lớn và sâu sắc; có khả năng chuyển hóa tư tưởng, suy ngẫm vào trong cấu trúc văn bản nghệ thuật phức tạp. Không phải ngẫu nhiên mà ở bất cứ đâu, nhà văn lớn đồng thời là nhà văn hóa, nhà tư tưởng của đất nước, dân tộc. Để trở thành nhà văn lớn thì không thể nào trông chờ ở những phẩm chất bẩm sinh mà phải tích lũy, bồi đắp qua quá trình tự học và học ở trường lớp, học ở đồng nghiệp... Ngay cả những cây bút không ôm mộng trở thành tác gia của thời đại mà chỉ viết văn “cho vui”, cũng không ai có thể xài chút năng khiếu “trời cho” vốn cạn nhanh. Niềm vui sau khi hoàn thành một tác phẩm sẽ là nỗi buồn bởi nguy cơ lặp lại chính mình. Quy luật trong văn chương vẫn là muốn đi xa thì “hành trang” chuẩn bị phải đầy đủ và từ sớm. Nhà văn trẻ vì thế không nên nghĩ mình còn trẻ để mà chuẩn bị cho hành trình sáng tạo vừa thú vị mà cũng vô cùng khắc nghiệt.
Số ít cây bút trẻ sớm thành công với những tác phẩm đầu tay lại rơi vào một “cái bẫy” nguy hiểm, đó là ảo tưởng về tài năng của bản thân. Hiểu thế nào là “thành công” cũng cần phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng. Phải chăng tác phẩm nhiều người đọc, bán chạy, các phương tiện thông tin đại chúng nhắc đến nhiều là thành công? Ở thời đại toàn cầu hóa, đôi khi một tác phẩm nổi danh được “săn đón” là do có những yếu tố hợp thời, mới lạ nhưng yếu tố nghệ thuật rất ít, không bảo đảm sức sống lâu dài. Điển hình như cách đây khoảng 20 năm, khi chuyện đồng tính luyến ái còn là chủ đề tế nhị, nhạy cảm, ít được đề cập, một số cây bút sáng tác về đề tài này bỗng nổi như cồn. Nhưng theo thời gian, xã hội không kỳ thị, xa lánh những người “giới tính thứ ba”, những tác phẩm văn học “ăn theo” vì thế cũng chìm nghỉm không một tiếng vang. Không ít cây bút trẻ thời điểm đó, cứ nghĩ mình đã thành công, tác phẩm của mình là “ghê gớm”; từ đó có những lời nói, việc làm thiếu chuẩn mực, thể hiện cái tôi tự cao tự đại.
Một số nhà văn trẻ sớm nổi danh, tự huyễn với bản thân, lao vào những con đường sáng tạo bế tắc, học đòi các trường phái sáng tác không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, chạy theo hình thức xa lạ với công chúng. Trong khi đó, những vấn đề đời sống thường nhật, những mảnh đời chìm nổi giữa nhân gian thì lại bỏ quên, thể hiện sự thiếu trách nhiệm công dân của nhà văn chân chính.
Lớp trẻ hiện nay có nhiều lựa chọn, nhiều con đường lập thân, lập nghiệp; bạn trẻ nào say mê sáng tác văn chương cũng thực đáng quý, cần được xã hội quan tâm, động viên... Điều quan trọng là các nhà văn trẻ không ngừng tôi luyện tài năng văn chương, cùng với đó là đề cao ý thức cộng đồng, trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp khi sáng tạo tác phẩm. Thực ra, đối với nhà văn, trẻ hay già chỉ là số đo độ tuổi sinh học, quan trọng nhất là độ chín tài năng, sự trưởng thành tư tưởng nghệ thuật thể hiện trong tác phẩm.
HOÀNG BÌNH PHƯƠNG