Câu trả lời là mỗi thư viện cấp tỉnh cần đổi mới mô hình, phương thức phục vụ người sử dụng, đặc biệt đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số.
Đã xác định rõ vị thế thư viện cấp tỉnh
Thư viện công cộng cấp tỉnh hiện lưu trữ khoảng 18,3 triệu bản sách, chiếm 40,8% tổng số tài nguyên thông tin trong toàn hệ thống thư viện công cộng. Về nhân lực có khoảng 23 người/thư viện. Đầu tư tài chính là 260,6 tỷ đồng/năm (bình quân 4,1 tỷ đồng/thư viện).
Hiện nay, cả nước có 63 thư viện công cộng cấp tỉnh. Theo Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2021, định hướng đến năm 2030, mỗi tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì một thư viện cấp tỉnh. Tuy vậy, trong quá trình sắp xếp, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập ngành văn hóa, một số địa phương đã sáp nhập cơ học thư viện tỉnh với các thiết chế văn hóa khác, điển hình là ở Kon Tum và Long An.
 |
Bạn đọc tra cứu thông tin qua trang web Thư viện tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).Ảnh: HUYỀN TRANG |
Việc Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới đây ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BVHTTDL (có hiệu lực từ ngày 1-12-2021) hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của thư viện công cộng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý nghĩa hết sức quan trọng. Theo đó, thư viện cấp tỉnh là đơn vị sự nghiệp công lập, có tư cách pháp nhân, con dấu, được mở tài khoản. Đồng thời, bổ sung một số chức năng, nhiệm vụ cho thư viện cấp tỉnh có thể phát huy vai trò là động lực thúc đẩy phát triển văn hóa đọc của địa phương.
Ông Phạm Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Thông tư được xây dựng theo cơ chế mở, có tính chất khung, các quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của một thư viện cấp tỉnh sẽ do UBND các tỉnh, thành phố quyết định trên cơ sở những quy định của thông tư phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Mục tiêu hướng đến là để thư viện công cộng cấp tỉnh chuyển dần từ mô hình hoạt động hành chính phục vụ một cách thụ động sang hướng đến việc cung ứng dịch vụ sự nghiệp công”.
Với thông tư mới ban hành, vị thế của thư viện công cộng cấp tỉnh đã được xác định rõ, được bảo đảm giữ ổn định cơ cấu tổ chức, để thực hiện chức năng trung tâm văn hóa đọc, phát triển văn hóa đọc tại địa phương.
Thay đổi phương thức phục vụ
Trong hình dung của nhiều người, hệ thống thư viện công cộng nói chung, thư viện cấp tỉnh nói riêng là nơi chứa sách và tài liệu; phục vụ nhu cầu người sử dụng khi tìm đến. Với phương thức hoạt động như hiện nay, thư viện cấp tỉnh chưa phát huy tối đa năng lực phục vụ người sử dụng. Lấy ví dụ ở tỉnh Khánh Hòa, dân số của địa phương này là 1,3 triệu người nhưng hằng năm, thư viện tỉnh chỉ phục vụ khoảng 130.000 lượt độc giả; số bản sách là 248.990 bản, chưa đạt tiêu chí 1 bản sách/người. Khảo sát tình trạng ở nhiều thư viện cấp tỉnh, tình trạng cũng tương tự. Do tài liệu không đủ đặc sắc nên nhiều người có thói quen đọc thường tự mua sách về nhà hơn là lên thư viện. Thư viện cấp tỉnh chủ yếu phục vụ người cao tuổi đến đọc báo, học sinh, sinh viên tìm đến nơi yên tĩnh để học tập; hãn hữu lắm vì nhu cầu công việc mới có người đến thư viện để tìm sách, tài liệu.
Thạc sĩ Chu Minh Hoan, Phó viện trưởng Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam cho biết: “Ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập là điều bắt buộc các thư viện cấp tỉnh cần hướng đến”.
Khảo sát của phóng viên, nhiều thư viện cấp tỉnh mới chỉ xây dựng trang web, chưa đẩy mạnh tương tác với người sử dụng trên các ứng dụng, nền tảng chia sẻ như Facebook, Youtube, Tiktok... Các thư viện cấp tỉnh chưa giới thiệu các tài liệu đặc sắc, chưa cung ứng dịch vụ mới như sách nói, sách điện tử...
Thử hình dung, một người sử dụng có nhu cầu đọc sách để giải trí, thay vì mất thời gian lên thư viện để tìm sách hay, thư viện cấp tỉnh có thể lựa chọn sách hay, trích lấy những chương đoạn bổ ích biến thành sách nói, hình ảnh bắt mắt mang đến cho người sử dụng. Với số lượng người dân sử dụng internet ngày càng tăng, cách làm này có thể phục vụ nhiều đối tượng ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn địa phương. Đây là lợi ích to lớn của chuyển đổi số và cách thức đổi mới hoạt động mà mỗi thư viện cần hướng đến, thực sự thúc đẩy phong trào văn hóa đọc tại địa phương phát triển. Không nên hiểu chuyển đổi số có nghĩa là chỉ số hóa tài liệu lưu trữ. Số hóa tài liệu chỉ nên hướng đến những tài liệu quý hiếm, dễ bị hư hỏng; hoặc số hóa để làm các bộ sưu tập chuyên đề như địa bạ-hành chính của địa phương.
Phát triển các dịch vụ thư viện mới và làm mới các dịch vụ truyền thống là một nhiệm vụ thường xuyên của mỗi thư viện cấp tỉnh. Đồng thời, chú trọng liên thông, kết nối và chia sẻ trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của thư viện cấp tỉnh, trong đó cần quan tâm liên kết giữa các thư viện trong việc phục vụ nhu cầu tiếp cận thông tin, hưởng thụ các giá trị văn hóa và phát triển văn hóa đọc của người dân.
HÀM ĐAN