Để di sản văn hóa phi vật thể "được sống"

Sáng 22-4, tiết trời dịu mát, hơn 300 học sinh của Trường Tiểu học Tiên Dung (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) có mặt tại Quảng trường Hùng Vương để tham quan, trải nghiệm những hoạt động trình diễn, diễn xướng dân gian tại Liên hoan các di sản VHPVT được UNESCO ghi danh. Là người phụ trách dẫn đoàn và thuyết minh cho học sinh, cô giáo Nguyễn Thùy Dung, Trường Tiểu học Tiên Dung phấn khởi nói: “Không chỉ học sinh, những giáo viên như tôi rất vui mừng vì được trực tiếp thưởng thức các làn điệu dân ca, loại hình di sản VHPVT tiêu biểu đến từ khắp mọi miền đất nước”.

Theo cô giáo Nguyễn Thùy Dung, bản thân cô từng được thưởng thức nhiều loại hình di sản VHPVT của Việt Nam qua các phương tiện truyền thông đại chúng, song được trải nghiệm thực tế mang lại cảm xúc chân thực và là dịp để học hỏi, trau dồi thêm kiến thức văn hóa, vốn sống. “Tôi sẽ chắt lọc những thông tin hay, bổ ích tại liên hoan để đưa vào bài giảng nhằm giúp học sinh hiểu hơn về nguồn cội, truyền thống văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, vì các học sinh còn nhỏ nên sự trải nghiệm chưa được nhiều và cần thêm thời gian để cảm thụ”, cô giáo Nguyễn Thùy Dung bày tỏ.

leftcenterrightdel
 Các nghệ nhân dân gian biểu diễn nghệ thuật hát xoan Phú Thọ.

Ghi nhận của phóng viên Báo Quân đội nhân dân, đông đảo người dân và du khách quan tâm đến các loại hình di sản như: Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; nghệ thuật làm gốm của người Chăm... Trong đó, không gian biểu diễn nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ của Đoàn nghệ nhân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu luôn chật kín người xem. Ông Phạm Minh Tiến, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Trưởng đoàn nghệ nhân đờn ca tài tử Nam Bộ tham dự liên hoan cho biết: “Đoàn chúng tôi có 30 người, trong đó có 13 nghệ nhân rất vui vì được phục vụ người dân địa phương và du khách đến thưởng thức. Thông qua sự kiện này, chúng tôi mong muốn góp phần quảng bá nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ đến đông đảo nhân dân cả nước; đồng thời cùng các địa phương lan tỏa giá trị những loại hình di sản VHPVT tiêu biểu của dân tộc”.

Tính đến nay, Việt Nam có 15 di sản VHPVT được UNESCO ghi danh; trong đó có 13 di sản được ghi danh vào danh mục di sản VHPVT đại diện của nhân loại, 2 di sản được ghi danh vào danh mục cần bảo vệ khẩn cấp. Những năm qua, các cấp, ngành; các tỉnh, thành phố nơi sở hữu di sản đã nỗ lực bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị tinh hoa của các loại hình di sản, song việc hội tụ các di sản thành một liên hoan thì lần đầu tiên mới được tổ chức tại Phú Thọ dịp này. Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: “Ngoài những buổi trình diễn phục vụ nhân dân và du khách, liên hoan có các hoạt động nhằm cổ vũ việc truyền dạy của các nghệ nhân dân gian tới thế hệ trẻ. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất vừa bảo tồn và truyền dạy để di sản VHPVT của chúng ta được sống, được lưu truyền trong cộng đồng theo Công ước của UNESCO năm 2003 về bảo vệ di sản VHPVT”.

Trăn trở giữ gìn di sản

Muốn biến di sản thành tài sản thì cần có lộ trình dài hơi, cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đồng thời huy động các nguồn lực của xã hội. Trước mắt, để bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản VHPVT được UNESCO ghi danh thì cần phải bảo đảm yếu tố tiên quyết: Di sản phải được nuôi dưỡng tốt và lưu truyền trong cộng đồng. Muốn có được điều đó, các nghệ nhân-những người trực tiếp sống với di sản cần có một chế độ đãi ngộ đúng mức để tăng thêm trách nhiệm gìn giữ, truyền dạy cho thế hệ mai sau. Là người có 25 năm gắn bó với nghệ thuật hát xoan Phú Thọ, Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Nguyễn Thị Sen (phường Xoan Phù Đức, xã Kim Đức, TP Việt Trì) trải lòng: “Thật vui vì chúng tôi được trình diễn hát xoan, được phục vụ nhân dân và du khách dịp Lễ hội Đền Hùng. Nhà tôi có 4 đời theo nghề hát xoan và tôi luôn tự hào vì điều đó. Thế nhưng, việc giữ gìn hát xoan hiện gặp nhiều khó khăn, thiếu kinh phí. Chúng tôi mong muốn loại hình nghệ thuật này được đầu tư nhiều hơn, các nghệ nhân có chế độ đãi ngộ hợp lý để đủ trang trải cuộc sống".

Nghệ thuật làm gốm của người Chăm (gốm Bàu Trúc) vừa được UNESCO ghi danh vào danh mục cần bảo vệ khẩn cấp. Bởi vậy, vấn đề bảo tồn, gìn giữ và làm sống lại một thời vàng son của gốm Bàu Trúc là điều được nhiều người quan tâm. Qua tìm hiểu được biết, mặc dù gia đình có một cơ sở sản xuất gốm, nhưng cuộc sống của NNƯT Đặng Thị Hoa (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) vẫn khá chật vật bởi nghề này tiền công không cao, nhu cầu của người dùng không lớn. “Điều tôi lo lắng nhất là thế hệ trẻ không muốn học và làm gốm Bàu Trúc. Dù vậy, tôi luôn khuyên các con phải theo nghề của mẹ vì sợ một ngày nào đó sẽ mất nghề. Tôi sẵn sàng truyền nghề cho bất cứ chị em nào, nhưng ngặt nỗi không mấy ai theo học”, NNƯT Đặng Thị Hoa trăn trở.

Chia sẻ về quá trình bảo vệ, phát huy dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, ông Nguyễn Sĩ Trinh, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: “Đội ngũ nghệ nhân dân gian ngày càng ít, trong khi lớp trẻ không mặn mà theo nghề. Tại Hà Tĩnh, hoạt động trải nghiệm dân ca chưa phổ biến, chưa thu hút được khách du lịch. Do vậy, cuộc sống của những nghệ nhân nơi đây còn nhiều lo toan, không thể toàn tâm toàn ý theo đuổi nghệ thuật. Hằng năm, mỗi câu lạc bộ ví, giặm tại Hà Tĩnh được hỗ trợ 5 triệu đồng để duy trì hoạt động nhưng còn khó lắm”.

Ghi nhận thực trạng trên, ông Nguyễn Quốc Huy cho biết: "Rất nhiều địa phương đã nỗ lực tổ chức và truyền dạy các loại hình di sản VHPVT tới thế hệ trẻ. Nhiều nơi huy động được các nguồn lực xã hội để hỗ trợ các nghệ nhân, đồng thời là cũng hỗ trợ cho các cuộc, các lớp tập huấn, khuyến khích học sinh tham gia những buổi sinh hoạt truyền dạy. Trong thời gian tới, Cục Văn hóa cơ sở sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và nêu ra được những mục đích, ý nghĩa để mọi tầng lớp nhân dân hiểu rằng di sản VHPVT là một nền tảng, một tài sản có giá trị để phát triển du lịch, quảng bá văn hóa".

Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG