Phóng viên (PV): Bài hát và sau là MV “Anh ở nơi đâu” trong phim “Truyền thuyết về Quán Tiên” được anh chia sẻ là tác phẩm nhạc phim đầu tay nhưng đã gặt hái được thành công hơn mong đợi. Khi nhận làm nhạc phim có khiến anh chịu áp lực?
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: Hồi còn là sinh viên, tôi từng đánh đàn piano, chơi keyboard trong phòng thu của dàn nhạc cho rất nhiều phim nổi tiếng của thế hệ đi trước. Mang tiếng là “lính mới” trong làng soạn nhạc phim, nhưng tôi đã có một ít kinh nghiệm, nên cũng không bị áp lực lắm. Một trong những người thầy nổi tiếng nhất của tôi là thầy Đàm Linh-nhạc sĩ tài hoa của Việt Nam từng làm nhạc cho rất nhiều phim chiến tranh; bên cạnh đó là nhạc sĩ Trọng Đài, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đều ảnh hưởng sâu sắc tới tôi. Khi nhận đặt hàng từ đạo diễn phim “Truyền thuyết về Quán Tiên” với yêu cầu âm nhạc được thu hoàn toàn từ dàn nhạc, tôi cũng muốn mình thử sức xem sao. Khá thú vị là khi tôi bắt tay làm việc cùng Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời với gần 60 người, do nhạc trưởng người Pháp Olivier Ochanine chỉ huy, ca sĩ Phạm Thu Hà thể hiện ca khúc thì chúng tôi đã đáp ứng được sự mong mỏi của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ. Bộ phim được giới chuyên môn đánh giá cao, gặt hái nhiều giải thưởng lớn của điện ảnh Việt Nam.
 |
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng. Ảnh: VIỆT LAM |
PV: Soạn nhạc cho phim về đề tài chiến tranh cách mạng, theo anh khó nhất là gì?
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: Làm nhạc phim không giống như làm âm nhạc biểu diễn trên sân khấu. Âm nhạc biểu diễn được làm theo cảm xúc của mình, còn phim thì phải hòa vào nội dung kịch bản, cụ thể là trong chính ý tưởng, cảm xúc của đạo diễn nên sẽ khác.
Để sáng tác một bài hát như “Anh ở nơi đâu”, trước tiên tôi cần phải hiểu rõ nội dung phim. Bài hát truyền tải sự mất mát của những người phụ nữ, người vợ trong chiến tranh, đúng như những gì phim muốn thể hiện. Tôi xem nhiều phim về chiến tranh của Việt Nam và những bản nhạc của các thầy, nhạc sĩ làm cho phim, hướng tinh thần của mình vào đó, làm cho nốt nhạc chậm lại bởi ở mỗi bộ phim, người lính Việt Nam có tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa và khi họ ra trận không phải chỉ chiến đấu thể hiện sức mạnh mà còn thể hiện trách nhiệm, tình cảm. Vì thế mà tính trữ tình phải rất đậm nét trong mỗi bộ phim chiến tranh cách mạng của Việt Nam.
 |
Hình ảnh trong phim “Truyền thuyết về Quán Tiên”. Ảnh do đoàn phim cung cấp |
PV: Được biết anh vừa nhận lời soạn nhạc cho một bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng hứa hẹn là “bom tấn” của điện ảnh Việt Nam, công chiếu vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025). Vậy anh có mong đợi gì đối với dòng nhạc này?
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: Tôi là thế hệ được sinh ra và trưởng thành khi đất nước hòa bình, phát triển nên luôn mong muốn thông qua việc làm nhạc phim để tìm hiểu, học hỏi lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của các thế hệ cha ông mình đã đi qua; đồng thời luyện được thủ pháp mà trong đời sống âm nhạc thông thường không dùng đến. Trong khi đó, dàn nhạc giao hưởng có nhiều biểu cảm, tinh hoa, nhạc cụ của nhân loại, biến thiên trạng thái cảm xúc âm nhạc rộng lớn và có thể phủ sóng được nhiều cảm xúc của con người nên rất phù hợp cho nhạc phim. Vì thế, khi nhận lời làm nhạc cho bộ phim “Địa đạo-Mặt trời trong bóng tối” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (hiện đã khởi quay được gần nửa chặng đường), kể câu chuyện về những người du kích Việt Nam đã sống, chiến đấu trong vùng “đất thép thành đồng”, đối đầu với “đội quân thiện chiến bậc nhất thế giới” khi đó là quân Mỹ, tôi đã rất hào hứng. Vậy làm âm nhạc cho phim này như thế nào để người xem thấy cuộc chiến tranh của Việt Nam thực sự là chiến tranh nhân dân? Chắc chắn sẽ là những chất liệu âm nhạc dân gian, nhưng trúc trắc hơn, phức tạp hơn, bí ẩn hơn để người xem cảm nhận được trong đó là những gian khổ, trắc trở, đau đớn, hy vọng, khát vọng tình yêu... của những người lính mà trên hết là nghĩa vụ và sự hy sinh vì Tổ quốc.
PV: Trân trọng cảm ơn nhạc sĩ!
CHÂU XUYÊN (thực hiện)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.