Với kiến trúc độc đáo, đường nét của cung đình tinh xảo, chùa Kim Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội) luôn là nơi nổi tiếng linh thiêng tại Thủ đô và thu hút đông du khách thập phương. 

Vị trí chùa Kim Liên (phố Từ Hoa, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) nhìn ra Hồ Tây thơ mộng tựa lưng vào đê Nghi Tàm được bao quanh bởi hồ sen; kết hợp với quang cảnh linh thiêng chốn cửa thiền khiến ngôi chùa này được mệnh danh là “Bông sen vàng” trên mặt nước Hồ Tây. Đây là một trong những di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đợt đầu tiên ở Hà Nội năm 1962.

Trong hành trình hành hương về Hà Thành, du khách và Phật tử gần xa không thể bỏ qua cổ tự mang tên: Chùa Kim Liên. Được đánh giá là một trong 10 di tích kiến trúc cổ đặc sắc nhất Việt Nam, chùa Kim Liên (Hà Nội) không chỉ nổi tiếng bởi kiến trúc uy nghiêm mà còn cả về bề dày lịch sử hơn 500 năm từ thời nhà Lý, nhà Trần.

Khuôn viên kiến trúc chùa rộng rãi, thanh tịnh. 

“Chùa xoay lưng ra sông Nhị, Hồ Tây quanh trước mắt, khói sóng man mác, trời nước một màu,… phía bên trái có mấy gò nổi, tháp gạch xây ở trên, khóm trúc, cội tùng phơ phất...”. Đó chính là những áng văn được danh sĩ Phạm Đình Hổ chắp bút trong tác phẩm “Tang thương ngẫu lục” khi ông miêu tả về vẻ đẹp mê đắm của chùa Kim Liên.

Theo lịch sử ghi lại, nơi đây thờ công chúa Từ Hoa - con gái vua Lý Thần Tông (1128-1138). Chùa tọa lạc trên bãi Ngư Đại, một gò đất cao mà người dân nơi đây vẫn gọi là gò Hành Cung (hay gò Cung). Tấm bia trong chùa được dựng thời vua Lê Nhân Tông, dù năm tháng đã làm phai mờ nhiều nét chữ nhưng còn xem được niên hiệu: “Thái Hòa tam niên Ất Sửu”. Đây là tấm bia cổ nhất ở Hà Nội hiện nay. Năm Cảnh Hưng thứ 31 (1770) Trịnh Sâm trùng tu sửa chùa đổi tên thành chùa Kim Liên. Năm Quang Hưng thứ 15 (1592) cả chùa trên và chùa dưới được trùng tu. Đến năm Tự Đức thứ 20 (1867) người dân địa phương trùng tu chùa với kiến trúc như hiện nay. 

Hiện tại, bên trong chùa Kim Liên còn lưu giữ hệ thống tượng phật phong phú gồm 50 pho tượng. Các pho tượng tại chùa đều mang phong cách điêu khắc thế kỷ XVIII - XIX. Đáng chú ý là pho tượng công chúa Từ Hoa và tượng Chúa Trịnh. Pho tượng công chúa Từ Hoa được tạo nên để tưởng nhớ công đức của người con gái đã có công dạy dân trồng dâu nuôi tằm, xe tơ dệt gấm. Và tượng chúa Trịnh được tạo nên để ghi nhớ công lao của chúa đối với ngôi chùa. 

Bộ sưu tập di vật của chùa còn là những di vật quý hiếm trong kho tàng di sản văn hóa nhà nước. Các tác phẩm ở đây là những tác phẩm hoàn hảo, thể hiện cho một trình độ kỹ thuật tinh xảo và điêu luyện nhờ đôi bàn tay chạm khắc khéo léo của cha ông ta.

Có lẽ do ảnh hưởng từ nguồn cội nên phong cách kiến trúc của chùa Kim Liên mang đậm dáng vẻ cung đình. Quả chẳng sai khi ví ngôi chùa Kim Liên là “Bông sen vàng” trên mặt nước Hồ Tây, là di sản lịch sử văn hóa vô giá của người Hà Nội nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Người dân đi chùa cầu mong sức khỏe bình an, tài lộc.

Không chỉ vào dịp Tết, đây còn là địa chỉ quen thuộc để người dân đến tìm sự thư thái, thanh tịnh và cầu bình an, may mắn. Theo chị Nguyễn Hoài Oanh (Đống Đa, Hà Nội), việc đi chùa của gia đình chị nằm trong chuỗi hoạt động du xuân đầu năm nhằm cầu mong may mắn cho năm mới. “Năm nào gia đình tôi cũng lựa chọn chùa Kim Liên là địa điểm du xuân đầu năm với hy vọng các thành viên trong gia đình năm mới mạnh khỏe”, chị Oanh chia sẻ.

Bài và ảnh: THANH TÚ