Cách trung tâm Hà Nội chừng 40km về phía Tây, làng cổ Đường Lâm (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) gồm 5 thôn: Mông Phụ, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh và Cam Lâm được kết nối với nhau thành 1 thể thống nhất. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, làng cổ Đường Lâm vẫn giữ được nguyên vẹn nét đẹp văn hóa đặc trưng về lối sống thuần nông và cốt cách tâm hồn người làng cổ.

 Phát triển du lịch gắn với không gian di sản, đặc biệt là phát huy nghề truyền thống, các không gian sáng tạo đã tạo động lực mới cho làng cổ Đường Lâm. 
Hoạt động trải nghiệm ẩm thực mâm cỗ cổ truyền tại Đường Lâm.  

Năm 2023, thị xã Sơn Tây đã đón hơn 1,2 triệu lượt khách tham quan du lịch, trong đó có hơn 70.000 lượt khách về với làng cổ Đường Lâm. Do đó, năm 2024 được coi là năm bản lề quan trọng với thị xã Sơn Tây nói chung và làng cổ Đường Lâm nói riêng, phấn đấu trở thành một trong những địa phương trọng điểm du lịch trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2025 - 2030.

Lối đi mới trên đường hội nhập và phát triển

Được xây dựng từ thời Hậu Lê thế kỷ XVI, căn nhà cổ 7 gian 2 dĩ mái cánh diều gìn giữ nghề làm tương của gia đình ông Hà Hữu Thể trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi tới làng cổ Đường Lâm.

Ông Thể cho biết, kể từ khi làng cổ Đường Lâm được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2005, việc giữ gìn kết hợp với phát triển du lịch, quảng bá nghề làm tương của gia đình luôn được ông quan tâm và tìm hướng đi phù hợp trong quá trình phát triển và hội nhập.

Ông Hà Hữu Thể bên cạnh những chum tương thơm lừng thu hút khách du lịch mỗi khi tới thăm làng cổ Đường Lâm.   

Thay vì đón khách tham quan nhà cổ đơn thuần, ông Thể đã biết làm thêm các dịch vụ du lịch theo yêu cầu của du khách như: Trải nghiệm nghề làm tương, thưởng thức mâm cơm truyền thống… Nhờ đó, lượng tiêu thụ tương cũng như khách tham quan tăng lên đáng kể, tạo công ăn việc làm ổn định cho con cháu và một số hộ dân trong vùng, điều này thôi thúc ông Thể gìn giữ và đầu tư hơn nữa để du lịch địa phương thực sự sống động, để lại trong lòng du khách về dấu ấn làng cổ.

Ngoài gia đình ông Thể còn có nhiều mô hình du lịch trải nghiệm khác của hơn 200 hộ dân tham gia kinh doanh các loại hình dịch vụ, nhà hàng, homestay, tổ chức các hoạt động trải nghiệm phục vụ du khách, bước đầu đã tạo được thu nhập ổn định. 

Thương hiệu chè lam truyền thống Hùng Thảo được nhiều du khách yêu mến, thương nhớ.   

Một trong số đó có thể kể đến như: Mô hình nông nghiệp của Câu lạc bộ phụ nữ bảo tồn Làng cổ, trải nghiệm nghề làm kẹo, làm bánh truyền thống của hộ gia đình Hiền Bao; dạy nấu ăn các món truyền thống của nhà hàng Bếp Làng; không gian sáng tạo trải nghiệm Đoài Creative của hộ anh Khuất Văn Thắng; không gian sáng tạo truyền nghề sơn mài của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát…

Chọn cho mình lối đi hoàn toàn mới, anh Khuất Văn Thắng đã sáng lập ra Đoài Creative - bảo tàng sống mang trên mình sứ mệnh tái sinh giá trị văn hóa tại làng cổ thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật và sáng tạo độc đáo của du khách.

“Tại Đoài Creative, chúng tôi luôn sử dụng chất liệu thân thiện và mang dấu ấn truyền thống như những chiếc ngói cổ, mõ cá bằng gỗ… thay thế cho giấy vẽ, giúp cho mọi người cảm nhận rõ nét về giá trị văn hóa từ ngàn đời xưa của làng”, anh Thắng nói.

Đoài Creative - bảo tàng sống mang trên mình sứ mệnh tái sinh giá trị văn hóa.  

Theo anh Thắng, Đoài Creative còn là sân chơi phát triển cộng đồng giữa quần thể văn hóa quý báu, giúp cho mọi người có thêm nhiều trải nghiệm, đem đến những câu chuyện muôn màu về xứ Đoài miền đất đá ong.

Trước khi được tham quan làng, em Trương Gia Linh (học sinh lớp 8A, Trường THCS - THPT Mensa, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) cho rằng, Làng cổ Đường Lâm cũng giống như bao khu văn hóa khác yên tĩnh và không có nhiều hoạt động trải nghiệm. Tuy nhiên, sau khi được tham gia các hoạt động làm gốm, làm hoa kẽm nhung, câu cá… Gia Linh vô cùng thích thú và đánh giá hoạt động này rất phù hợp với học sinh trong các buổi ngoại khóa ngoài giờ lên lớp.

Gắn bảo tồn phát huy giá trị văn hóa cùng du lịch hội nhập và phát triển

Ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng ban quản lý (BQL) di tích Làng cổ Đường Lâm cho biết, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng do được coi là xương sống quan trọng, tạo sức hút với du khách, thúc đẩy giá trị di sản của Làng cổ Đường Lâm vươn cao, bay xa.

Bên cạnh các dự án được tu bổ, một số mô hình điểm ứng dụng theo chuỗi giá trị gắn với du lịch trải nghiệm giáo dục - du lịch học đường, du lịch sinh thái; du lịch ẩm thực được phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra, BLQ đã cùng với UBND thị xã Sơn Tây phát triển du lịch gắn với không gian di sản, đặc biệt là phát huy nghề truyền thống, các không gian sáng tạo… truyền tải những giá trị văn hóa tiêu biểu của làng cổ, cho du khách được trải nghiệm, tham quan trực tiếp di sản văn hóa từ tĩnh đến động.

Em Trương Gia Linh cùng thầy giáo tại buổi hoạt động ngoại khóa tại Làng cổ Đường Lâm.  
Các em học sinh trải nghiệm làm bánh chưng trong ngày Tết làng Việt 2024.  

Tại mỗi điểm di tích đều được gắn các mã QR Code, tích hợp liên kết với các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo nhằm nâng cao tính phổ biến và thuận tiện trong quá trình truy cập của du khách khi tới tham quan.

Chỉ cần thao tác “Quét mã” QR đơn giản, du khách sẽ có được những thông tin đầy đủ, chi tiết về từng khu vực tham quan tại các khu di tích bằng công nghệ hình ảnh 360° hiện đại kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) giọng nói thuyết minh bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh.

Với những nỗ lực và cố gắng như vậy, trong thời gian qua, vấn đề phát triển du lịch của làng đã có những bước tiến quan trọng, tăng trưởng vượt bậc. Trong năm 2023, lượng khách đến Sơn Tây đạt 1,2 triệu lượt, trong Làng cổ Đường Lâm đón 70.000 lượt.

Ông Thạo cho biết thêm, trong thời gian tới, BQL sẽ tiếp tục thực hiện song song việc gìn giữ, bảo tồn phát huy giá trị di sản trên cơ sở gắn với các sản phẩm du lịch di sản, du lịch tâm linh; phát triển sản phẩm OCOP “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”, xây dựng sản phẩm du lịch truyền thống, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, lễ hội, phong tục tập quán…

Video giới thiệu các hoạt động tại Làng cổ Đường Lâm 

Về phương hướng triển khai trong năm 2024, ông Lê Đại Thăng, Phó chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây chia sẻ, trên tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-01-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với Chương trình số 11-CTr/TU ngày 21-12-2020 về "Phát triển văn hóa - xã hội trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, xây dựng người Sơn Tây thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025. Thị ủy Sơn Tây đã lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động trong việc phát triển văn hóa - xã hội, xác định rõ du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn.

UBND thị xã Sơn Tây sẽ tiếp tục đẩy mạnh, hỗ trợ xây dựng và phát triển các điểm đến du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn gồm: Sinh thái cảnh quan nông nghiệp, du lịch ẩm thực, văn hóa lễ hội làng quê, mô hình homestay tại các làng nghề nông nghiệp về trồng trọt sạch an toàn, hữu cơ; du lịch học đường với du lịch di sản…

Hỗ trợ đầu tư xây dựng một số mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh, sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị gắn với du lịch trải nghiệm giáo dục - du lịch học đường, du lịch sinh thái; du lịch ẩm thực.

Diễn viên Charlie Win và Hoa hậu Lương Kỳ Duyên trong không gian tái hiện Tết truyền thống tại Làng cổ Đường Lâm.  

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nỗ lực quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn. Phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức đón tiếp, giới thiệu cho các đoàn thể, doanh nghiệp du lịch, lữ hành đến với Làng cổ Đường Lâm và các điểm đến khác để khảo sát, xây dựng tour, tuyến du lịch đa dạng và phong phú”, ông Thăng nhấn mạnh.

Hiện nay, chúng tôi đang đề nghị thành phố Hà Nội nghiên cứu quy hoạch phát triển du lịch nông thôn đồng bộ với quy hoạch xây dựng nông thôn mới để tạo sự kết nối giữa không gian sản xuất nông nghiệp - làng nghề - tiểu thủ công nghiệp - không gian dân cư- không gian dịch vụ, du lịch. Qua đó, hướng đến khai thác sự sáng tạo, khác biệt về văn hóa, cảnh quan sinh thái để tạo ra những sản phẩm mới phù hợp với thị trường. Đây là tiền đề để thu hút đầu tư cũng như kích thích thanh niên nông thôn khởi nghiệp.

Bài, ảnh: HUY ĐÔNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.